Cụ thể, Quyết định nêu rõ lĩnh vực hàng không được dẫn đầu với số danh mục cắt giảm, đơn giản lên tới 74,36%, kế đến là đường sắt với 73,08%.
Lĩnh vực đường bộ đứng thứ 3 với số điều kiện cắt giảm, đơn giản tương đương 68,5%, đường thủy là 67,34%, hàng hải 65,08%, lĩnh vực đăng kiểm cơ giới đường bộ (61,43%); kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức và kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng nguy hiểm (61,74%)…
Quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT cũng nêu rõ các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ căn cứ vào phương án cắt giảm, đơn giản và kiến nghị thực thi ban hành kèm theo Quyết định, nhanh chóng triển khai việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo Quyết định bổ sung Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GTVT năm 2018 để kịp trình Chính phủ ban hành trước ngày 30/10/2018.
“Quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cần tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, lấy ý kiến của doanh nghiệp; bảo đảm việc cắt giảm, đơn giản hóa không làm phát sinh thêm các điều kiện gây khó khăn cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu tại Quyết định.
Bên cạnh đó, Quyết định cũng yêu cầu Vụ Pháp chế kiểm tra, giám sát việc thực thi Quyết định này, báo cáo kịp thời lãnh đạo Bộ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Chánh Văn phòng Bộ, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cục trưởng các cục có trách nhiệm bố trí đầy đủ các điều kiện để bảo đảm triển khai việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thực thi phương án cắt giảm, đơn giản điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Hiện, Bộ GTVT có 28 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại 5 Luật (Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Giao thông đường bộ, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Đường sắt Việt Nam) và được quy định chi tiết tại 20 nghị định của Chính phủ với 570 điều kiện đầu tư kinh doanh.
Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, trong đó giao các bộ, ngành cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh, các đơn vị trực thuộc Bộ đã tiến hành rà soát để cắt bỏ các điều kiện rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Việc cắt giảm này được thực hiện theo 2 mục tiêu:
Một là, cắt bỏ những điều kiện không phù hợp với quy định tại Điều 7 của Luật Đầu tư, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình gia nhập thị trường như các điều kiện về quy mô, vốn tối thiểu, các quy định can thiệp sâu vào tổ chức hoạt động của doanh nghiệp.
Hai là, chuyển những điều kiện mang tính quản lý trong quá trình hoạt động về nội dung quản lý để giảm bớt điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp, tránh các trường hợp phải đầu tư dàn trải ngay từ khi chưa đủ điều kiện được gia nhập thị trường (chưa đủ điều kiện đề được cấp giấy phép hoặc cho phép hoạt động).