Bộ GTVT "điểm mặt" hư hỏng" của công trình chất lượng

Sụt lún nền đường, sạt lở ta luy nền đường, lún và sụt lở đường hai đầu cầu, mặt đường bị rạn nứt, mố cầu bị chuyển vị, dầm cầu đổ trong quá trình thi công, sập đà giáo thi công… là những “hư hỏng” được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) “điểm lại” trên các công trình xây dựng trong thời gian qua.

Sụt lún nền đường, sạt lở ta luy nền đường, lún và sụt lở đường hai đầu cầu, mặt đường bị rạn nứt, mố cầu bị chuyển vị, dầm cầu đổ trong quá trình thi công, sập đà giáo thi công… là những “hư hỏng” được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) “điểm lại” trên các công trình xây dựng trong thời gian qua. Trong khi đó, tình hình tài chính của một số doanh nghiệp thuộc bộ này cũng “lỗ nhiều hơn lãi”…

Hỏng từ ngày đầu khai thác

Một trong những nguyên nhân của tình trạng xuống cấp nói trên, theo Cục Quản lý Xây dựng & Chất lượng Công trình giao thông, là do công tác thiết kế, lựa chọn giải pháp thiết kế… còn nhiều hạn chế. Trong đó, việc đấu thầu tuyển chọn tư vấn lập dự án, tư vấn giám sát, kiểm định chất lượng còn mang tính hình thức. 

Bộ GTVT "điểm mặt" hư hỏng" của công trình chất lượng ảnh 1
Mặt cầu Thăng Long bị xé dọc, xé ngang sau nhiều lần sửa chữa.

Chất lượng công trình giao thông trong thời gian qua cũng đáng để “lên tiếng” bởi sự xuống cấp của nhiều hạng mục. Một số dự án mặc dù mới đưa vào khai thác đã bị hư hỏng tại một số vị trí. Ngoài dự án “vá” mặt cầu Thăng Long được báo chí phản ánh, các dự án khác như quốc lộ 91 (Cần Thơ), quốc lộ 53 (Vĩnh Long), quốc lộ 48 (Nghệ An – dự án WB4), một số đoạn trên quốc lộ 1A (hợp phần bảo trì dự án WB4), quốc lộ 27B, tuyến tránh Phú Yên cũng “chịu chung số phận” khi một số hạng mục bị xuống cấp.

Ngoài việc đổ tại “thời tiết” khi xuất hiện các sự cố thì nguyên nhân chủ quan cũng được xác định là “quy trình thiết kế, thi công chuyên ngành chưa phù hợp”, mặt khác “nhìn chung hệ thống quản lý chất lượng của các nhà thầu chưa tuân thủ các điều kiện về quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn kỹ thuật dự án”.

Trách nhiệm của các Ban Quản lý dự án khi công trình xuống cấp cũng được nhắc tới. Theo Cục Quản lý Xây dựng & Chất lượng Công trình giao thông, hiện nay các Ban Quản lý dự án không tổ chức riêng đội ngũ giám sát và quản lý chất lượng dự án, ngoài ra, báo cáo chuyên ngành cũng thẳng thắn nhìn nhận “năng lực của một số chủ đầu tư (ban quản lý dự án) còn… hạn chế”.

Điều nực cười là, mặc dù nhiều đơn vị đã xây dựng được tiêu chuẩn ISO 9001:2000 nhưng “phong trào” này lại không triển khai tổ chức thực hiện tại hiện trường, mà chỉ áp dụng tại… văn phòng.

Nợ quá 3 lần vốn điều lệ

Thực trạng tài chính của các doanh nghiệp ngành Giao thông điểm qua cũng không mấy sáng sủa. Đặc biệt là Tổng Công ty Xây dựng Đường thủy, Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long khi hợp nhất báo cáo tài chính thì 6 tháng đầu năm 2010 có kết quả kinh doanh bị lỗ, vốn chủ sở hữu âm.

Theo ông Đỗ Văn Quốc - Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT), các tổng công ty xây lắp có đặc điểm chung là vốn điều lệ thấp, hệ số nợ lớn. Ông Đỗ Văn Quốc  nhìn nhận, đối với 18 doanh nghiệp (thuộc 7 Tổng công ty) đã thua lỗ âm vốn (đã được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng đưa vào danh sách cơ cấu để chuyển đổi) thì đến nay Bộ GTVT mới chỉ xử lý tồn tại tài chính được 7 công ty. “Việc xử lý đối với các doanh nghiệp còn lại cũng hết sức khó khăn do vướng mắc về cơ chế, thủ tục, đặc biệt là các đơn vị kinh doanh thua lỗ lớn…”, ông Quốc nêu khó khăn.

Vụ Tài chính cũng đề xuất “giám sát chặt chẽ các khoản đầu tư để tranh rủi ro” trong năm 2011 đối với Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1, bởi doanh nghiệp này có tổng mức đầu tư ra ngoài doanh nghiệp vượt quá vốn điều lệ…

Như Trang

Đọc thêm