Bộ GTVT kiến nghị chưa xem xét lập Hàng hàng không IPP Cargo: Lý do đã thuyết phục?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không đề cập đầy đủ quy định pháp luật, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chỉ dựa trên cơ sở tham mưu của Cục Hàng không Việt Nam rằng khó khăn do dịch COVID-19 để kiến nghị Thủ tướng chưa cho phép lập Hãng hàng không IPP Air Cargo, khiến không chỉ nhà đầu tư mà giới chuyên gia cũng phải lên tiếng.
IPP Air Cargo chọn Sân bay Quốc tế Đà Nẵng làm đại bản doanh đã giải được bài toán “tắc nghẽn” hạ tầng hàng không hiện nay.
IPP Air Cargo chọn Sân bay Quốc tế Đà Nẵng làm đại bản doanh đã giải được bài toán “tắc nghẽn” hạ tầng hàng không hiện nay.

Do COVID-19?

Như PLVN đã thông tin, để giải quyết kiến nghị xin lập Hãng hàng không IPP Air Cargo chuyên biệt để vận chuyển hàng hóa của Công ty Cổ phần IPP Air Cargo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT báo cáo trước ngày 15/7/2021.

Ngày 13/7/2021, trên cơ sở tham mưu của Cục Hàng không Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã ký văn bản số 6782/BGTVT-VT báo cáo Thủ tướng, trong đó kiến nghị chưa cho phép thành lập hãng hàng không mới trong giai đoạn hiện nay. Điều này không chỉ khiến doanh nghiệp thất vọng mà nhiều chuyên gia cũng bức xúc lên tiếng.

Theo Bộ GTVT, Nghị định số 89/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP) về kinh doanh hàng không, Thủ tướng có thẩm quyền xem xét, cho phép (hoặc không cho phép) Bộ GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho người đề nghị cấp giấy phép.

Bộ này dẫn Công văn số 5833/VPCP-CN ngày 17/7/2020 thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng (do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký) về việc rà soát, xem xét việc thành lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình mới. Theo đó, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc với kiến nghị của Bộ GTVT việc "thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi, dự kiến năm 2022".

Bộ GTVT cho biết thêm, hiện các hãng hàng không Việt Nam đang thực hiện các chuyến bay chuyên chở hàng hóa, bao gồm cả việc chở hàng trên khoang hành khách nhằm tăng thêm năng lực vận chuyển hàng hóa, có thêm nguồn thu để bù đắp thiệt hại do dịch COVID-19.

Tính đến ngày 28/6/2021, các hãng đã hoán đổi 9 máy bay sang chở hàng theo hình thức tháo ghế hành khách để chở hàng trên khoang. Ngoài ra, một số máy bay khác cũng chở hàng trên khoang hành khách (chưa tháo ghế) với điều kiện không chở khách trên cùng chuyến bay. Tỉ trọng doanh thu từ vận tải hàng hóa trong tổng doanh thu từ vận tải hàng không của các hãng hàng không giai đoạn trong dịch đều tăng gấp 3 lần, so với trước dịch.

Nhận định “việc chưa xem xét thành lập thêm hãng hàng không chuyên chở hàng hóa cũng là một trong các biện pháp hạn chế tối đa khả năng mất cân đối cung - cầu của thị trường, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19”, Bộ GTVT kiến nghị chưa xem xét cho phép thành lập hãng hàng không mới trong giai đoạn hiện nay mà sẽ theo dõi tình hình thị trường, ảnh hưởng của dịch bệnh để trình Thủ tướng xem xét (dự kiến là 2022).

Hay vì lý do nào khác?

Với kiến nghị trên, nhiều chuyên gia cho rằng Bộ GTVT khi báo cáo Thủ tướng đã không đề cập một cách đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan, mà thay vào đó viện dẫn một số lý do chưa thuyết phục.

Cụ thể, nói về quy định của pháp luật một luật sư cho biết: Theo Luật Đầu tư 61/2020/QH14: “Nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm” (mục 1 Điều 5); và việc thành lập hãng hàng không khai thác dịch vụ vận chuyển hàng hóa không nằm trong danh mục các dự án cần phải phê duyệt chủ trương đầu tư của Chính phủ (Điều 31).

Theo Nghị định số 89/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP và Nghị định số 30/2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung, Công ty cổ phần IPP Air Cargo có đủ điều kiện theo luật định.

Theo 2 văn bản quy phạm pháp luật này, IPP Air Cargo chỉ cần thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Cục Hàng không Việt Nam có thẩm quyền thẩm định báo cáo Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, trong báo cáo Thủ tướng, Bộ GTVT chỉ đề cập đến quy định của Nghị định 89/2019 mà không nêu quy định của Luật Đầu tư.

“Ở đây cần xem xét tính pháp lý giữa văn bản hành chính thông báo ý kiến của Thủ tướng về đề xuất của Bộ GTVT với Luật và Nghị định? Hơn nữa, Thủ tướng cũng chỉ “đồng ý về nguyên tắc” còn việc áp dụng quy định cụ thể thì thuộc về cơ quan tham mưu mà ở đây là Bộ GTVT, chứ không thể đẩy mọi việc lên Thủ tướng được”, vị luật sư này đánh giá.

Một chuyên gia về Logistic cho hay: Trong văn bản của mình, lập luận để “hạn chế tối đa khả năng mất cân đối cung - cầu của thị trường”, từ đó “chưa xem xét thành lập thêm hãng hàng không chuyên chở hàng hóa” thể hiện tư duy “chắp vá”, “manh mún” của Cục Hàng không Việt Nam nói riêng và Bộ GTVT nói chung.

Bởi lẽ, khi dịch bệnh xảy ra, lượng hành khách sụt giảm thì các hãng hàng không hiện nay tháo ghế chở hàng, nhưng khi dịch được khống chế, lượng khách tăng trở lại và các hãng này lắp ghế chở khách thì lúc đó “cầu” vận chuyển hàng hóa ai sẽ “cung”? Hay lại tiếp tục chấp nhận “rơi” vào tay các hãng nước ngoài (đang chiếm 80% thị phần) như lâu nay? Nói điều này vì thực tế đa từng xảy ra ở những đợt dịch trước đây.

“Hơn nữa, vận chuyển hàng hóa khác với vận chuyển hành khách. Để đáp ứng nhu cầu trong nước và sân chơi thế giới, chúng ta phải có hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa, chứ không thể kinh doanh theo kiểu xe chở khách khi ít khách thì tháo ghế chở hàng, khi có khách lại lắp ghế để phục vụ. Tư duy kiểu này không ổn!”, vị này nói.

Bên cạnh đó, để lập một hãng hàng không thì không phải chuyện một sớm, một chiều mà cần phải chuẩn bị cẩn thận về tổ chức bộ máy, vốn, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển theo quy định của pháp luật. Khi được thành lập nhưng muốn bay thì phải được chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về cấp phép bay. Vậy tại sao không để doanh nghiệp được thành lập, sau đó căn cứ tình hình thực tế, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tính đến việc cấp phép bay mà thay vào đó lại “bàn lùi” việc doanh nghiệp thành lập hãng hàng không?

Trong một phát biểu của mình liên quan đến kinh tế thời dịch bệnh, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung – Nguyên Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương sốt ruột: “Chúng ta không thể chậm hơn tốc độ mở cửa của thế giới. Điều này đòi hỏi Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải thực sự vào cuộc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm như Thủ tướng đã nói, chứ không thể chờ hết dịch mới làm”.

Lo ngại trạng thái chờ đợi, tâm lý có chỉ đạo mới làm đang cản trở lớn cho tăng trưởng lúc này, ông Cung ví dụ: “Bộ GTVT không thể trả lời Công ty Cổ phần IPP Air Cargo là đợi thị trường hàng không phục hồi, dự kiến sau năm 2022, mới xem xét thành lập hãng hàng không mới. Đây là hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa, nếu được bay sớm vào lúc cả thị trường thế giới đang hồi phục nhanh, nhu cầu lớn, cơ hội thành công không chỉ của doanh nghiệp mà chính là của nền kinh tế vì có mặt trên thị trường thế giới đúng thời điểm”.

Nhiều ý kiến cho rằng, cái lo nhất của hàng không Việt Nam là quá tải sân bay, bãi đỗ; nhưng IPP Air Cargo đã chọn đặt “tổng hành dinh” tại Đà Nẵng thì bài toán “tắc nghẽn” hạ tầng hàng không đã được giải quyết.

Mở rộng ra, dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp trong nước và thế giới phải đóng cửa thì việc mạnh dạn đầu tư hàng không vận tải hàng hóa của Công ty Cổ phần IPP Air Cargo là “điểm sáng” cần phải hoan nghênh, tạo điều kiện tối đa, chứ không nên “câu giờ”; gây hiểu nhầm về môi trường đầu tư.

Công ty Cổ phần IPP Air Cargo do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch đã đề nghị một số bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo chuyên biệt vận chuyển hàng hóa. Dự án của IPP Air Cargo nhằm mục tiêu gia tăng giá trị cạnh tranh của các hãng hàng không tham gia air cargo (vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không) của Việt Nam trên đường bay quốc tế, kết nối các cảng hàng không quốc tế trong nước, hoàn thiện mạng lưới đường bay nội địa, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành hàng không Việt Nam. Tổng mức đầu tư của dự án là 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD. Dự kiến trong năm đầu tiên, IPP Air Cargo sẽ vận hành 5 chiếc máy bay và từ năm thứ 3 sẽ tăng lên 10 chiếc. Thời gian khai thác ước tính sẽ bắt đầu từ quý I/2022.

Liên quan đến sự việc này, ngày 14/7/2021, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã ký công văn số 4366/UBND-SGTVT gửi Bộ GTVT nêu rõ: “UBND TP Đà Nẵng nhận thấy việc Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương đề xuất thành lập Hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo và Trung tâm điều hành hoạt động bay của IPP Air Cargo tại Đà Nẵng là rất phù hợp với định hướng phát triển của thành phố; là cơ hội lớn để thành phố thực hiện thắng lợi Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị và là thời cơ mang lại sự phát triển bền vững cho thành phố trong tương lai”. Từ đó, Đà Nẵng đề nghị Bộ GTVT ủng hộ và có ý kiến đề xuất Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương thành lập Hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo.

Đọc thêm