Bỏ hàng nghìn USD 'chạy trường' cho con ở Hà Nội

(PLO) - Không phải những ngày qua khi thông tin về “bán suất” chạy trường công khai trên mạng xã hội thì câu chuyện này mới “nóng lên”. Mà năm nào cũng thế, trước mỗi kì tuyển sinh đầu cấp, phụ huynh đã “nhắm” sẵn trường, sẵn lớp, lên nhiều phương án để “mua suất” cho con. 
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Cuộc đua ấy, đã được phụ huynh lo liệu trước cả năm, vô cùng khéo léo qua suất của cô giáo trong trường, qua thư tay từ trên xuống, các suất “ngoại giao”… 

Theo nghiên cứu về chạy trường, lớp ở Việt Nam của Tổ chức Hướng tới Minh bạch (Towards Transparency - TT) năm 2013, khoảng 1/3 học sinh học tại các trường điểm không đáp ứng tiêu chuẩn đúng tuyển. Các trường công lập ở Việt Nam đều được yêu cầu ưu tiên tuyển sinh theo điều kiện địa lý của học sinh, nghĩa là ưu tiên tuyển sinh những học sinh có hộ khẩu thường trú trong khu vực đúng tuyến thuộc phạm vi của trường. Vấn nạn chạy trường tại Việt Nam bắt nguồn từ ham muốn của phụ huynh muốn cho con em mình vào học các trường trái tuyến.

60% phụ huynh thừa nhận có “nhờ vả”, đi qua một số “cây cầu” để xin học trái tuyến cho con. Hơn 30% giáo viên thừa nhận có liên quan việc chạy trường. Cứ 4 trong 10 phụ huynh được hỏi cho hay chất lượng trường học và uy tín của trường là lý do họ chọn trường “điểm”. Ngoài ra, một số lý do khác như cơ sở vật chất hay thuận tiện di chuyển.

Mức phí để chạy vào trường điểm khoảng 3.000 USD, cao gấp gần 3 lần so với thu nhập bình quân của người Việt Nam năm 2011. Điều đáng nói, 67% phụ huynh coi việc gia đình phải tốn thêm chi phí để con được nhận vào trường tốt là bình thường và cho rằng mức chi phí này là “hợp lý” và “chấp nhận” được.

Một trong những tác động lớn nhất của tham nhũng trong tuyển sinh vào các trường điểm là làm gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Ngoài chi phí chạy vào trường, từ vài trăm tới vài nghìn USD, những “khoản đóng góp tự nguyện” cho việc xây dựng trường, mua sắm trang thiết bị và các thứ khác thường cao hơn đối với học sinh ở trường điểm và trái tuyến.

Trước vấn nạn này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT lý giải nguyên nhân dẫn đến chạy trường không thể giải quyết triệt để là do thực tế khách quan, trong đó không thể không nhắc đến tâm lý của phụ huynh học sinh và chất lượng của các trường không đồng đều. Có trường dạy tốt, trường điểm nhưng cũng có trường dạy trung bình, kém, nhất là ở các thành phố và vùng đồng bằng. Điều dễ nhận thấy, điều kiện kinh tế của người dân hiện nay đã khác trước nhiều. Phân hóa giàu nghèo trong xã hội ngày càng sâu sắc. Vì vậy, không hiếm gặp trường hợp phụ huynh có “điều kiện” sẵn sàng bỏ tiền để con mình được học ở trường tốt. 

Theo mức giá chung các trường tốt được phụ huynh rỉ tai nhau tại Hà Nội năm sau cao hơn năm trước, lớp 1 có giá từ 1000-2000 USD. Vào lớp 6, nếu mua, suất học vào trường hàng đầu từ 3.000 USD đến 5.000 USD. Những trường vừa phải cũng có giá 500 USD đến 1.000 USD… Là những mức giá mà những gia đình có điều kiện dễ dàng lo cho con em mình.

Những năm không có con giáp “vàng” mỗi tuyển sinh đầu cấp đã căng thẳng, vào những năm dân số cơ học tăng đột biến thì cuộc đua càng khốc liệt. Thế nên, nhiều gia đình sẵn sàng cho con đi học xa cả chục cây số hoặc mua nhà, chuyển khẩu về gần trường để tiện cho con vào trường tốt. Thậm chí, ở bậc học cấp ba như năm nay, thông thường phụ huynh đăng kí một trường tốp đầu và một trường rất thấp, kiểu “đỉnh cao” và “vực sâu” để nếu con lỡ không đỗ theo đúng NV1 sẽ NV2 vào trường thấp. Sau một học kì, phụ huynh sẽ xin chuyển trường cho con về trường mong muốn với rất nhiều mối quan hệ khéo léo.

Không dừng lại ở đó, có phụ huynh còn đi đường vòng khá xa, khi con thi xong, thấy kết quả khó vào trường công, còn tính gửi con thi tại một tỉnh miền núi (điểm đầu vào thấp). Và tất nhiên, sau vô vàn tốn kém và vất vả, phụ huynh sẽ “lo” cho con trở lại đúng ngôi trường đã nhắm tới với tất cả “nỗ lực” sau một học kì… 

Đọc thêm