Bộ luật hình sự bị đánh giá hà khắc bậc nhất thế giới

(PLVN) - Giới chức Brunei cho rằng luật hình sự mới của nước này tập trung vào răn đe hơn là trừng phạt, khuyến khích những hành vi tốt và phê phán những hành vi xấu. Tuy nhiên, đạo luật mới của nước này đã vấp phải những chỉ trích mạnh mẽ từ các nước, các tổ chức quốc tế và những hội, đoàn.
Đạo luật mới của Brunei đã vấp phải những chỉ trích mạnh mẽ từ các nước, các tổ chức quốc tế và những hội, đoàn.

Kể từ ngày 3/4 vừa qua, bộ luật hình sự mới với nhiều chế tài xử phạt vô cùng khắc nghiệt như cho phép ném đá người ngoại tình và người đồng tính đến chết, chặt tay người phạm tội trộm cắp của Brunei đã chính thức có hiệu lực, bất chấp sự phản đối từ dư luận.

Những hình phạt kinh hoàng

Luật hình sự vừa có hiệu lực thi hành của Brunei bao gồm rất nhiều hình phạt hà khắc. Ví dụ, quan hệ tình dục đồng giới từ lâu bị xem là bất hợp pháp tại Brunei nhưng theo luật cũ, những người vi phạm “chỉ” có thể bị phạt tới 10 năm tù giam.

Còn theo luật hình sự mới, những người đàn ông bị phát hiện có quan hệ tình dục đồng giới sẽ bị phạt đánh đòn hoặc ném đá đến chết. Với những phụ nữ bị phát hiện có hành vi này, mức phạt có thể được áp dụng là đánh 40 roi, phạt tù lên tới 10 năm hoặc cả hai hình phạt nêu trên. 

Ngoài ra, hình phạt ném đá tới chết cũng có thể được áp dụng đối với những người theo đạo Hồi ở Brunei phạm các tội danh như giết người, cướp của, hiếp dâm, ngoại tình, bỏ đạo Hồi hay báng bổ nhà tiên tri Muhammad và cả việc nạo phá thai.

Với những đối tượng bị kết tội trộm cắp, hình phạt sẽ là bị cưa tay phải ở lần phạm tội đầu tiên và mức xử phạt khi tái phạm là bị cưa chân trái. Việc mang thai mà không có giấy giá thú có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù. Các vi phạm như uống rượu có thể bị trừng phạt bằng đòn roi. 

Một khía cạnh khác của luật hình sự Brunei cũng vướng phải những chỉ trích mạnh mẽ là việc các hình phạt được nêu trong luật được áp dụng với cả nhiều người mà ở phương Tây sẽ được xếp vào nhóm người vị thành niên. Theo luật Brunei, bất cứ ai đã đến tuổi dậy đều bị xử lý như một người trưởng thành. 

Luật mới của Brunei sẽ chỉ áp dụng đối với cộng đồng những người theo đạo Hồi chiếm khoảng 70% dân số của vương quốc bao gồm 420.000 dân này. Những người không theo đạo Hồi, trong đó có khoảng 15% người gốc Trung Quốc, gần như sẽ vẫn chịu sự điều chỉnh của luật hình sự Brunei được ban hành trước năm 1984 nhưng vẫn sẽ bị áp dụng chế tài trong luật đối với một số hành vi.

Bộ luật hình sự của Brunei được xây dựng trên cơ sở luật Hồi giáo Sharia – các quy định có nguồn gốc từ Kinh Koran, lấy những chỉ giáo của nhà tiên tri Mohammad làm hình mẫu. Trên thực tế, nước này đã công bố việc thi hành bộ luật nói trên vào năm 2013 và chính thức triển khai vào năm 2014.

Giới chức Brunei lúc bấy giờ cho biết, số vụ phạm tội tại nước này trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2008 đã tăng thêm 30%. Số vụ bắt giữ vì các tội danh liên quan đến ma túy trong năm 2013 cũng đã tăng đến 50% so với năm 2012. Theo chính phủ Brunei, những con số này là bằng chứng cho thấy sự cần thiết phải có những hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những kẻ phạm tội.

Song, bộ luật hình sự của Brunei khi đó đã chưa thể áp dụng đầy đủ ngay lập tức do sự phản đối mạnh mẽ của dư luận và các cơ quan chức năng của Brunei cũng cho biết gặp khó khăn trong việc áp dụng trên thực tế.

Trong giai đoạn thi hành đầu tiên của luật hình sự mới, những người theo đạo Hồi ở Brunei có thể bị phạt tiền hay bỏ tù vì những tội như có con ngoài giá thú, không cầu nguyện trong các lễ cầu nguyện trong ngày thứ Sáu hàng tuần, ca ngợi các tôn giáo khác đạo Hồi tại một tòa án Hồi giáo hay có những hành vi khiếm nhã. 

Ở giai đoạn hai, những người bị kết luận phạm các tội như uống rượu hay trộm cắp sẽ bị đánh đòn hay chặt tay chân. Tiếp sau đó, những hình phạt khắc nghiệt hơn nữa sẽ được thi hành như hình phạt ném đá tới chết về tội quan hệ tình dục không theo quy luật tự nhiên như quan hệ tình dục đồng giới, hiếp dâm, tội ngoại tình hay xúc phạm nhà tiên tri Muhammad. Giai đoạn thi hành này chính thức bắt đầu từ ngày 3/4. 

Luật này cũng bao gồm những quy định gây tranh cãi liên quan đến cách đối xử với phụ nữ. Ví dụ, luật cấm phụ nữ sở hữu tài sản khi đã kết hôn, cho phép đánh đập nếu họ không phục tùng và yêu cầu cần phải có sự đồng ý của người chồng mới được xin ly hôn.

Răn đe hơn là trừng phạt?

Giới chức Brunei cho rằng luật hình sự mới của nước này tập trung vào răn đe hơn là trừng phạt, khuyến khích những hành vi tốt và phê phán những hành vi xấu. Tuy nhiên, đạo luật mới của nước này đã vấp phải những chỉ trích mạnh mẽ từ các nước, các tổ chức quốc tế và những hội, đoàn. Cao ủy của Liên Hợp quốc về nhân quyền Michelle Bachelet đã lên tiếng kêu gọi Brunei duy trì việc không áp dụng án tử hình.

Luật mới của Brunei áp dụng với cộng đồng những người theo đạo Hồi chiếm khoảng 70% dân số nước này.

Các nước như Mỹ, Anh, Pháp và Đức đã lên án các hình phạt mới. “Mỹ phản đối mạnh mẽ các hình thức bạo lực, hình sự hóa và phân biệt đối xử nhắm vào các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực và người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới và liên giới”, Phó phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Robert Palladino tuyên bố.

Trong một tuyên bố, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền mô tả bộ luật hình sự mới của Brunei là “man rợ” đồng thời kêu gọi Quốc vương Brunei dừng ngay lập tức hình phạt cắt cụt chân tay, ném đá cùng nhiều điều khoản và hình phạt khác.

Nhà nghiên cứu về Brunei Rachel Chhoa-Howard cũng lên tiếng cho rằng một số hành vi theo luật mới của Brunei được liệt vào nhóm tội phạm lẽ ra không nên bị xem là tội ác như chuyện quan hệ tình dục của người trưởng thành hay của những người đồng giới. Bà này kêu gọi Brunei sửa luật hình sự theo hướng phù hợp với các nghĩa vụ của nước này trong việc bảo đảm nhân quyền. 

Các chính trị gia ở châu Âu và Mỹ cũng đã lên tiếng chỉ trích quyết định của Brunei. “Việc ném đá người ta đến chết vì quan hệ tình dục đồng tính hoặc ngoại tình là kinh khủng và vô đạo đức”, cựu Phó tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố.

Trong khi đó, nam diễn viên từng giành giải Oscar George Clooney đã kêu gọi tẩy chay các khách sạn hạng sang thuộc sở hữu của Công ty Đầu tư Brunei như Khách sạn Beverly Hills, Dorchester ở London và Plaza Athenee ở Paris để thể hiện sự phản đối với động thái của giới chức Brunei.

Song, Văn phòng Thủ tướng Brunei trong một tuyên bố khẳng định nước này là một quốc gia Hồi giáo có chủ quyền và hoàn toàn độc lập. Do đó, tương tự tất cả các quốc gia độc lập khác, nước này có quyền thực thi luật pháp riêng của họ. Vẫn theo Thủ tướng Brunei, luật Hồi giáo Sharia ngoài việc hình sự hóa và răn đe những hành vi trái với giáo lý của đạo Hồi còn nhằm mục đích giáo dục và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mọi cá nhân, xã hội của mọi người. 

Từ nhiều năm trước, Brunei bị đánh giá đã áp dụng các giáo lý của đạo Hồi cứng rắn hơn cả các nước Malaysia và Indonesia, là những nước có đông người theo đạo Hồi khác ở khu vực Đông Nam Á. Ở Brunei, việc bán rượu ở nơi công cộng bị cấm hoàn toàn. Những hình ảnh bạo lực cũng bị cấm xuất hiện trên nhưng tờ báo. 

Theo một tổ chức hoạt động vì quyền của những người đồng tính, chuyển giới, trên thế giới hiện có tám nước cũng đang áp dụng luật Hồi giáo Sharia như Brunei, trong đó có Ả rập Xê-út, Afghanistan, Indonesia, Sudan…

Tuy nhiên, ở những nước này, dù luật pháp có quy định việc áp dụng hình phạt tử hình với người đồng tính nhưng những người này thường bị áp dụng biện pháp đánh roi công khai hoặc nặng hơn là bị phạt tù đến chung thân chứ án tử hình ít khi được áp dụng. Có điều, một số người đồng tính hay ngoại tình có thể bị chính các thành viên trong gia đình sát hại dưới vỏ bọc những vụ “giết người vì danh dự”.

Đọc thêm