Bộ Nội vụ cần chấn chỉnh việc quản lý cán bộ, công chức

(PLO) - Đó là ý kiến của Thủ tướng được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác truyền đạt khi làm việc tại Bộ Nội vụ về tình hình thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Bộ Nội vụ cần chấn chỉnh việc quản lý cán bộ, công chức

Tại buổi làm việc diễn ra hôm qua (27/6), Bộ trưởng Dũng truyền đạt 5 vấn đề lớn Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ cần hết sức quan tâm để làm tốt hơn trong thời gian tới trong khi cả hệ thống đang thực hiện quyết liệt Nghị quyết TW 6, TW 7. 

Thứ nhất, cần quan tâm đến vấn đề quản lý cán bộ, công chức. “Đây là vấn đề rất quan trọng. Trước đây yêu cầu mỗi năm giảm 1,5 - 2% biên chế công chức, biên chế sự nghiệp và qua báo cáo của kiểm toán cho biết, vấn đề quản lý sử dụng công chức, viên chức, hợp đồng lao động, quỹ lương, việc sử dụng đang vượt thẩm quyền tại nhiều đơn vị sự nghiệp công lập. Chúng ta có kiểm soát kiểm tra ở dưới địa phương thấy rằng, khi bí, các cơ quan dùng cả lao động hợp đồng ngồi trong phòng công chức. Vấn đề này cũng cần chấn chỉnh ngay”, ông Dũng nói.

Theo ông  Dũng, Bộ Nội vụ cần chuyển đổi mạnh mẽ các đơn vị sự nghiệp còn phụ thuộc nhà nước sang tự chủ tài chính và Thủ tướng rất quan tâm về vấn đề này. “Chúng ta có 2,5 triệu công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách. Lẽ ra số lương này chi cho đầu tư công thì chúng ta làm rất nhiều việc”, ông Dũng nói.

Thứ hai là vấn đề bộ máy tổ chức. Hiện nước ta đang trong giai đoạn khó để sắp xếp, tổ chức bộ máy nhà nước. Do đó, nếu thấy các văn bản không phù hợp với thực tiễn thì Bộ Nội vụ đề xuất mạnh dạn áp dụng thí điểm. 

Thứ ba, cần quan tâm, chú trọng quản lý, đào tạo công chức, viên chức, nhất là trong thi tuyển cán bộ. 

Thứ tư, cần thực hiện mạnh mẽ cải cách thủ tục cải cách hành chính. “Việc cắt giảm thủ tục cho người dân cần làm ngay và làm quyết liệt, trong khi Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực mong Bộ cần làm quyết liệt hơn nữa”, ông Dũng nói.

Cuối cùng, công tác quản lý hội và tín ngưỡng tôn giáo cần chú trọng. Việc thực hiện Luật Tín ngưỡng tôn giáo cần làm đúng Luật Tín ngưỡng tôn giáo. Bộ cần lên tiếng những vụ việc như “Hội đức chúa trời mẹ” trái với phong tục tập quán, trái luân thường đạo lý.

Đọc thêm