Liên quan đến việc Bộ Nội vụ đề xuất bỏ hình thức kỷ luật giáng chức, ông Nguyễn Tư Long - Phó vụ trưởng Vụ Công chức viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết, hiện, Bộ Nội vụ đang trình Quốc hội dự thảo luật, xin ý kiến bỏ hình thức kỷ luật giáng chức.
Ông Long khẳng định, bỏ 1 hình thức không có nghĩa là giảm bớt nghiêm minh của pháp luật, vì hình thức này chỉ áp dụng với đối tượng là công chức lãnh đạo quản lý vi phạm. Bởi ngoài giáng chức, vẫn còn 4 hình thức kỷ luật khác là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc và các mức này tương thích với bốn hình thức kỷ luật theo quy định của Đảng.
“Thời gian qua, có nơi còn duy tình trong thực thi quy định. Đáng lẽ phải sử dụng biện pháp mạnh là cách chức thì lại giảm nhẹ, chỉ giáng chức. Vì vậy, Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ bỏ hình thức kỷ luật này. Nếu cần một hình thức kỷ luật nghiêm khắc hơn cảnh cáo thì lãnh đạo, quản lý sẽ bị cách chức"- ông Long cho hay.
Cũng theo ông Long, nếu giữ hình thức kỷ luật giáng chức sẽ có xung đột về các yêu cầu về vị trí việc làm. “Ví dụ như đơn vị xác định rõ có 1 trưởng, 3 phó, nếu giáng chức thì bổ nhiệm thấp hơn, nhưng nếu đã có 3 phó rồi thì không còn vị trí việc làm nào để bổ nhiệm nữa"- ông Long lý giải.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc vừa qua có nhiều cán bộ trẻ bị kỷ luật hoặc đề nghị kỷ luật. Chẳng hạn, trường hợp mới đây là ông Nguyễn Bá Cảnh, Phó Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư kỷ luật do ông này vi phạm về phẩm chất, đạo đức lối sống. Bộ Nội vụ có bình luận gì về việc nhiều cán bộ trẻ liên tục bị kỷ luật như vậy, và có rút được kinh nghiệm gì trong việc bổ nhiệm cán bộ trẻ?
Giải đáp thắc mắc này, ông Nguyễn Tư Long khẳng định, việc thu hút đội ngũ cán bộ trẻ là chủ trương của Đảng, Nhà nước và luôn được ngành tổ chức cán bộ đặt ra. Tuy nhiên, sau việc gần đây nhiều cán bộ trẻ bị kỷ luật, cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu giải pháp cần thiết, trong đó điều đầu tiên là thắt chặt việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ trẻ, kiểm soát tốt hơn đầu vào.
"Tuy nhiên như báo chí nêu, cái cần làm nhất là chúng ta phải thắt chặt và làm nghiêm túc hơn, tốt hơn đầu vào. Đầu vào tuyển đúng cán bộ trẻ có năng lực, có trình độ được đào tạo và có mong muốn cống hiến trong công việc, trong bộ máy nhà nước. Tuyển dụng rồi, cần đào tạo cán bộ, công chức luôn thực hiện đúng nhiệm vụ của mình không dẫn đến vi phạm…Chúng tôi cố gắng tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách tuyển dụng được những cán bộ trẻ có năng lực, trình độ thực sự; có mong muốn cống hiến cho hệ thống chính trị", ông Long nói.
Làm rõ thêm vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng hiện nay các chính sách đối với cán bộ trẻ được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Ít có nước nào quy định 15% cán bộ trẻ tham gia cấp ủy như Việt Nam và các chính sách về cán bộ trẻ của Việt Nam không thua kém bất cứ nước nào, thậm chí có những chính sách vượt trội.
Cũng tại buổi họp báo, phóng viên đã đặt câu hỏi liên quan đến những sai phạm trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 diễn ra tại một số địa phương. Cụ thể, Bộ Nội vụ đánh giá thế nào? Quan điểm của Bộ là có nên công khai đối với các cán bộ có con đươc nâng điểm trong kỳ thi này?
Trước vấn đề trên, ông Nguyễn Tư Long cho hay: quy định của pháp luật rất rõ, sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó, vấn đề là công bố danh tính để làm gì? Nếu các đồng chí đó có hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật tương ứng, như quy định của luật hình sự, luật xử lý vi phạm hành chính. Và, nếu phát hiện có việc tác động đến chạy điểm sẽ xử lý nghiêm, lúc đó đương nhiên việc công bố danh tính hay không? ở giai đoạn tố tụng nào? sẽ theo quy định của pháp luật.
“Chúng ta cũng thấy việc công bố danh tính phải cân nhắc rất nhiều vấn đề, vẫn dựa vào hành vi vi phạm, nếu không sẽ ảnh hưởng đến quyền nhân thân của các đồng chí này. Quan điểm của chúng tôi là sai đến đâu xử lý đến đó và công bố hay không công bố là theo quy định của pháp luật chuyên ngành”- ông Long nói./.