Bộ Pháp điển Việt Nam: Giải pháp quan trọng để truyền thông chính sách

(PLVN) - Bộ Pháp điển Việt Nam là một công cụ tra cứu pháp luật hữu ích trong Kỷ nguyên mới. Việc Công bố và đưa Bộ Pháp điển vào cuộc sống là một trong các giải pháp quan trọng để truyền thông chính sách, giảm chi phí tuân thủ pháp luật đồng thời mở ra những nguồn lực, tạo nên sức mạnh, hiệu quả cao trong việc xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật…
Ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp.
Ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp.

Ngày 5/11 vừa qua, Bộ Tư pháp đã Công bố Bộ Pháp điển Việt Nam. Để giúp người dân và các cơ quan, tổ chức có thể hiểu thêm về vai trò, ý nghĩa cũng như cách thức tra cứu, sử dụng Bộ Pháp điển Việt Nam, Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp.

-Thưa ông Nguyễn Duy Thắng, việc xây dựng Bộ Pháp điển được tiến hành từ thời điểm nào?

Ngày 16/4/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật (QPPL), tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho công tác pháp điển.

Theo đó, “pháp điển là việc cơ quan nhà nước rà soát, tập hợp, sắp xếp các QPPL đang còn hiệu lực trong các văn bản QPPL do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành, trừ Hiến pháp, để xây dựng Bộ pháp điển”. Bộ pháp điển của Nhà nước Việt Nam là Bộ pháp điển điện tử, được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển (phapdien.moj.gov.vn) phục vụ việc tra cứu, khai thác, sử dụng miễn phí của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

-Làm thế nào để có thể pháp điển được một hệ thống văn bản đồ sộ như vậy thưa ông?

Bộ pháp điển được xây dựng, hình thành từ gần 9.000 văn bản QPPL đang còn hiệu lực của cấp trung ương và được sắp xếp, cấu trúc vào 45 chủ đề, trong mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục (có 271 đề mục thuộc 45 chủ đề). Mỗi đề mục được pháp điển từ nhiều văn bản khác nhau cùng điều chỉnh một lĩnh vực nhất định và được sắp xếp theo một trật tự khoa học, logic.

Để triển khai xây dựng Bộ pháp điển, ngày 29/7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1267/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển, xác lập lộ trình xây dựng Bộ pháp điển diễn ra và hoàn thành trong thời hạn 10 năm (2014-2023). Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã quyết tâm, nỗ lực để bảo đảm công tác xây dựng Bộ pháp điển hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng.

Sau 10 năm triển khai, thực hiện, đến nay đã có 265/271 đề mục được Chính phủ thông qua và đưa vào khai thác, sử dụng. Có thể nói, Bộ pháp điển cơ bản đã hoàn thành. Về cơ bản, Bộ pháp điển có cấu trúc hợp lý, khoa học và bảo đảm tính logic; việc thực hiện ghi chú, chỉ dẫn tương đối rõ ràng giúp cho việc tra cứu, tìm kiếm các quy định của pháp luật được dễ dàng, thuận lợi. Bước đầu, Bộ pháp điển đã được xã hội đón nhận tích cực, khai thác và sử dụng. Cho đến nay đã có gần 2.000.000 lượt truy cập khai thác, sử dụng Bộ pháp điển, trung bình mỗi một ngày có khoảng gần 5.000 lượt truy cập.

-Người dân rất phấn khởi trước thông tin có Bộ Pháp điển có thể tra cứu mọi thông tin pháp luật còn hiệu lực thi hành một cách miễn phí. Vậy xin hỏi ông Nguyễn Duy Thắng, việc tra cứu miễn phí này được thực hiện trong giai đoạn đầu hay sẽ kéo dài mãi?

Bộ pháp điển Việt Nam là sản phẩm chính thức của Nhà nước, được giao cho Bộ Tư pháp thống nhất quản lý. Bộ pháp điển hướng đến mục tiêu phục vụ nhu cầu tra cứu, áp dụng pháp luật của người dân, của xã hội.

Điều 14 Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật năm 2012 đã khẳng định: Bộ pháp điển được duy trì liên tục trên Cổng thông tin điện tử pháp điển và được sử dụng miễn phí.

Việc Công bố và đưa Bộ Pháp điển vào cuộc sống là một trong các giải pháp quan trọng để truyền thông chính sách, giảm chi phí tuân thủ pháp luật đồng thời mở ra những nguồn lực, tạo nên sức mạnh, hiệu quả cao trong việc xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật, tạo bước chuyển biến mới về chất của hệ thống pháp luật, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

-Được biết Bộ Tư pháp đang có kế hoạch đẩy mạnh số hoá, dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ hoạt động pháp điển. Ông có thể chia sẻ thêm về lộ trình này?

Hiện nay chúng tôi mới ứng dụng công nghệ, sắp xếp các điều khoản trong Bộ pháp điển, chưa ứng dụng công nghệ AI. Tuy nhiên, chúng tôi đã đưa vào kế hoạch năm tiếp theo, trong đó có việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ AI vào Bộ pháp điển. Kế hoạch năm 2025 là xây dựng app Bộ pháp điển để ứng dụng công nghệ AI trong việc tra cứu, nhằm giúp người dân, luật sư, doanh nghiệp… có thể tra cứu quy định một cách thuận lợi nhất.

PV: Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Đọc thêm