Bộ Tài chính cần có những giải pháp đột phá, sáng tạo để vượt qua khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khẳng định những kết quả của ngành Tài chính trong năm 2023 đã góp phần tạo niềm tin của nhân dân, của doanh nghiệp vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và sự điều hành của Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị ngành tiếp tục nghiên cứu để có những giải pháp đột phá, sáng tạo để vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024…
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: VGP

Chiều 27/12, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính - NSNN năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Bám sát chủ đề điều hành năm 2023 của Chính phủ “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, ngành Tài chính đã chủ động nỗ lực, quyết liệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Liên quan đến công tác thu NSNN, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, đến ngày 25/12, thu NSNN đã đạt 1.693,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% so dự toán (ngân sách trung ương tăng 4,6%; ngân sách địa phương tăng 4,4% so dự toán). Trong đó, thu nội địa tăng 5,7%, thu dầu thô đạt tăng 44,6%, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 92,1% dự toán.

Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng (trong đó, miễn, giảm khoảng 78,4 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (Ảnh: Đức Minh)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (Ảnh: Đức Minh)

Báo cáo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt công tác thu trong những ngày còn lại của năm, phấn đấu thu đạt mức cao nhất, góp phần đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ theo dự toán, dành nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương, xử lý các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh, tăng chi cho đầu tư phát triển.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định: “Nhờ chủ động trong điều hành và vận dụng hiệu quả nhiều giải pháp quản lý thu, chi NSNN, ngành tài chính đã đảm bảo nguồn lực cân đối ngân sách các cấp, nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ quan trọng cấp bách phát sinh, song vẫn kiểm soát được bội chi, nợ công trong phạm vi Quốc hội quyết định 4%GDP…”.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng ghi nhận, Bộ Tài chính cũng đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát bội chi và vay nợ của ngân sách địa phương.

Đề cập đến chi NSNN, Phó Thủ tướng nhắc lại con số báo cáo của Bộ Tài chính ước chi đến hết ngày 31/12/2023 đạt khoảng 1.730 nghìn tỷ đồng, bằng 83% dự toán. Trong đó chi đầu tư phát triển ước tăng so với cùng kỳ năm 2022 cả về quy mô vốn (tăng 144 nghìn tỷ đồng) và tỷ lệ giải ngân (đạt 81,9% kế hoạch so với 75,1% năm 2022), phấn đấu cả năm (đến hết ngày 31/01/2024) đạt 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

“Trong nhiều năm giải ngân vốn đầu tư công thường chậm so với mong muốn. Tuy nhiên, năm nay tình hình đã cải thiện rất nhiều cả về con số tuyệt đối và tương đối…”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Bộ Tài chính và trực tuyến tại 63 điểm cầu (ảnh: Đức Minh)

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Bộ Tài chính và trực tuyến tại 63 điểm cầu (ảnh: Đức Minh)

Phó Thủ tướng cũng biểu dương và đánh giá cao cơ quan thuế, hải quan đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng, vừa hướng dẫn tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp, người dân, vừa quản lý chặt chẽ số phát sinh, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong thực thi pháp luật về thuế, thu đầy đủ kịp thời vào NSNN.

Đồng thời, chủ động triển khai các biện pháp tăng cường quản lý thu, khai thác nguồn thu, nhất là từ các hoạt động kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới. Đẩy mạnh hiện đại hóa, điện tử hóa công tác thu thuế, mở rộng hóa đơn điện tử...

Nhấn mạnh các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 mà Hội nghị Trung ương 8 và Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XV vừa qua đã thông qua, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Tài chính cần phải quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu năm 2024. Phó Thủ tướng đồng thời lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp tài chính - NSNN mà ngành Tài chính cần tập trung thực hiện.

Liên quan đến thu NSNN, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Tài chính tập trung làm tốt công tác quản lý thu NSNN, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh; rà soát, nắm chắc nguồn thu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thu, tiếp tục mở rộng cơ sở thuế cả về đối tượng lẫn địa bàn, nhất là đối với dịch vụ ăn uống, giải trí.

Đặc biệt, ngành Tài chính nghiên cứu, áp dụng các giải pháp, công cụ phân tích dữ liệu phù hợp để quản lý rủi ro, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi giả mạo, gian lận về hóa đơn.

Giảm bớt phạm vi, tỷ lệ quản lý thuế theo phương pháp khoán; rà soát, xác định lại các mức thuế khoán để phù hợp với tình hình thực tế; chống thất thu thuế, chống chuyển giá.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa phương thức quản lý thuế tiết giảm hơn nữa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính thuế; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử.

Đồng thời quyết liệt xử lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; phấn đấu tăng thu NSNN.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại trụ sở Bộ Tài chính (ảnh: Đức Minh)

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại trụ sở Bộ Tài chính (ảnh: Đức Minh)

Để làm tốt việc này, Phó Thủ tướng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các cấp ở địa phương phải vào cuộc, chỉ đạo sát sao thực hiện các giải pháp về tài chính ngân sách đã được Quốc hội, Chính phủ quyết định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường quản lý thu, nghiêm túc thực hiện các quy định về sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần chống thất thu, chống chuyển giá, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính như yêu cầu tại các công điện gần đây của Thủ tướng Chính phủ.

“Với các kết quả đã đạt được năm 2023, tôi tin tưởng Bộ Tài chính sẽ tiếp tục kế thừa, nghiên cứu để có những giải pháp đột phá, sáng tạo để vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2024, góp phần vào hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, tạo điều kiện thuận lợi để đạt được các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược 10 năm 2021-2030 theo Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ XIII…”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ.

Đọc thêm