Bộ Tài chính đề xuất cắt giảm và đơn giản hóa 193 điều kiện kinh doanh

(PLO) - Trong tổng số 370 điều kiện kinh doanh (ĐK) ban đầu thuộc 7 lĩnh vực (tài chính - ngân hàng, hải quan, chứng khoán,  bảo hiểm, kế toán - kiểm toán, giá, thuế), Bộ Tài chính đề xuất cắt giảm và đơn giản hóa 193 ĐK (cắt giảm 99 ĐK,  đơn giản hóa 94 ĐK). 
Nhiều điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm được đề xuất cắt giảm
Nhiều điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm được đề xuất cắt giảm

Cụ thể, trong lĩnh vực tài chính -  ngân hàng, trong tổng số 64 ĐK ban đầu, sẽ cắt giảm 14 ĐK, đơn giản hóa 15 ĐK. 

Trong lĩnh vực hải quan, với 31 ĐK ban đầu, Bộ đề xuất cắt giảm 1 ĐK và đơn giản hóa 15 ĐK. Đáng chú ý, trong lĩnh vực này dự kiến sẽ không yêu cầu nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan phải có trình độ cao đẳng trở lên trong các ngành kinh tế, luật, kỹ thuật, mà chỉ cần có trình độ cao đẳng trở lên trong bất cứ ngành nào.

Với các quy định về phần mềm, thay vì yêu cầu phần mềm của DN phải đáp ứng các tiêu chí về quản lý hàng nhập, lưu giữ, tồn của các loại hình kinh doanh kho bãi, địa điểm theo từng mặt hàng, đối tượng mua hàng, tờ khai hải quan…, hướng sửa đổi chỉ quy định các phần mềm này chỉ cần đáp ứng kết nối trực tiếp với hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để cung cấp thông tin.

Trong lĩnh vực chứng khoán, với số lượng 148 ĐK ban đầu, Bộ đề xuất cắt giảm 38 ĐK và đơn giản hóa 40 ĐK. Bộ này cho biết, việc thực thi phương án đơn giản hóa, bãi bỏ các ĐK sẽ được nghiên cứu đầy đủ trong quá trình soạn thảo Luật Chứng khoán sửa đổi và văn bản hướng dẫn thi hành. Theo kế hoạch, Luật sửa đổi này được đưa vào Chương trình xây dựng Luật 2018, trình Quốc hội xem xét thông qua vào năm 2019. 

Đối với lĩnh vực bảo hiểm, Bộ Tài chính đề xuất cắt giảm 21 ĐK, đơn giản hóa 7 ĐK trong tổng số 54 ĐK ban đầu. Đáng chú ý, để phù hợp với Luật DN, trog đó cho phép chủ đầu tư góp vốn bằng các hình thức đa dạng (không chỉ bằng tiền, Bộ đề xuất bỏ quy định phải góp vốn bằng tiền  và  chỉ quy định về nguyên tắc, chẳng hạn chủ đầu tư phải sử dụng vốn góp của chính mình để góp vốn; đảm bảo việc góp vốn không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN và đáp ứng các quy định của pháp luật chuyên ngành.

Đối với DN  bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, DN môi giới bảo hiểm dự kiến được thành lập, Bộ đề nghị cắt giảm ĐK: có loại hình DN, điều lệ công ty (đối với DN bảo hiểm, DN môi giới bảo hiểm), quy chế tổ chức và hoạt động (đối với chi nhánh nước ngoài) phù hợp với quy định…

Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư hoạt động trong các lĩnh vực khác đầu tư vào thị trường bảo hiểm Việt Nam, trong quy định về ĐK thành lập công ty TNHH bảo hiểm, Bộ Tài chính cũng đề xuất bỏ ĐK DN phải hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (với các tổ chức của Việt Nam và tổ chức nước ngoài?).

Về ĐK thành lập công ty cổ phần bảo hiểm, Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ quy định trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy phép, các cổ đông sáng lập phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 50% số cổ phần phổ thông được quyền chào bán của công ty cổ phần bảo hiểm.

Trong lĩnh vực kế toán kiểm toán, trong tổng số 50 ĐK ban đầu, Bộ đề nghị cắt giảm 17 ĐK và đơn giản hóa 2 ĐK. Trong lĩnh vực giá, Bộ đề xuất cắt giảm và đơn giản hóa cả 21 ĐK (cắt giảm 7 ĐK, đơn giản hóa 14 ĐK).

Đối với lĩnh vực thuế,  mặc dù chỉ có 2 ĐK kinh doanh ban đầu song cả 2 ĐK này đều được đề nghị cắt giảm và đơn giản hóa. Cụ thể, trong lĩnh vực kinh doanh các dịch vụ về thuế, Bộ đề xuất bỏ ĐK về nhân lực “có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất, đạo đức tốt, trung thực, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật”.

Với kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Bộ đề xuất cắt giảm các ĐK có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, không có tiền án với người quản lý, giám đốc chi nhánh và người lao động…

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất đơn giản hóa nhiều ĐK trong lĩnh vực kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, kinh doanh casino, kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó…

Đọc thêm