Có việc trốn thuế và trục lợi về thuế
Khẳng thời gian qua có việc trốn thuế và trục lợi về thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay, Bộ đã có 2 văn bản chỉ đạo cơ quan thuế siết chặt vấn đề thu thuế để đúng với giá trị mua bán, từ đây tác động đến vấn đề đầu cơ kinh doanh bất động sản.
“Có những trường hợp ban đầu kê khai có 500 triệu đồng, nhưng sau đó được giải thích đã kê khai là là 10 tỷ đồng, có nghĩa gấp đến 20 lần. Có trường hợp kê khai lại gấp 40 lần. Còn bình quân gấp khoảng 6 lần", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay; đồng thời khuyến nghị, đây là vấn đề mà cần phải thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Về phía cơ quan thuế, Bộ Tài chính đã có công điện nghiêm cấm việc cơ quan thuế, cán bộ thuế nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, làm tốt công tác “tiền phòng, hậu kiểm” sẽ giải quyết được các vấn đề, không để các vụ án hình sự xảy ra.
“Nếu cơ quan thuế có tình trạng nhũng nhiễu, lót tay, trục lợi, hối lộ thì sẽ xử xử lý nghiêm. Sắp tới, Bộ Tài Chính cũng sẽ đề nghị các địa phương xây dựng hệ số điều chỉnh, xây dựng dữ liệu về mua bán bất động sản để minh bạch hơn trong quá trình thu thuế bất động sản thông qua vấn đề chuyển nhượng”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói thêm.
Về quản lý thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay, về thị trường cổ phiếu, năm 2021, chúng ta đạt được 7.774.000 tỷ đồng, chiếm 92% GDP, tăng trưởng gần 47%. Trái phiếu của doanh nghiệp năm 2021 là 1.374.000 tỷ đồng, tức khoảng 15% GDP. Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận định, thị trường chứng khoán thời gian vừa rồi có thể nói là "vẫn tốt" để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Về những vụ việc sai phạm vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định là do sai phạm so với Luật Chứng khoán và các quy định trong các nghị định của Chính phủ.
“Ví dụ như thao túng thị trường, lừa dối khách hàng, giả mạo hồ sơ, tài liệu để lừa dối khách hàng... “, ông Hồ Đức Phớc nói và nhấn mạnh những sai phạm này đã được cơ quan pháp luật xử lý nghiêm minh.
Nhấn mạnh thêm về những rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, nhà đầu tư cần cẩn trọng khi mua bán và khi tham gia đầu tư.
Dù vậy, Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng thị trường chứng khoán vẫn là một kênh huy động vốn trung, dài hạn tốt trong thời gian tới.
“Tới đây, chúng tôi đang trình với Chính phủ để sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP để thực hiện một cách minh bạch hơn, tốt hơn và bịt một số lỗ hổng trong vấn đề thị trường chứng khoán. Đặc biệt là phải sửa Luật Chứng khoán, bởi, Luật Chứng khoán không khống chế điều kiện phát hành. Ví dụ như doanh nghiệp lỗ cũng được phát hành, không khống chế về mục đích phát hành, không quy định về vấn đề vốn, chỉ tiêu nợ trên vốn chủ sở hữu”, Bộ trưởng Tài chính nói.
Chống lạm phát là nhiệm vụ cấp bách
Về vấn đề giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là phải chống được lạm phát bởi nước ta đang hội nhập kinh tế quốc tế nên các nguyên liệu phụ thuộc nước ngoài, chịu sự tác động của nước ngoài. Do đó, chống lạm phát là một vấn đề rất quan trọng.
Theo Bộ trưởng Tài chính, gói giải pháp chống lạm phát hiện nay là tập trung vào vấn đề chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, quản lý giá tốt.
Một vấn đề quan trọng nữa là phải tăng năng lực sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp; phải tái cơ cấu và tăng cường sản xuất kinh doanh trong nước.
“Có như vậy sẽ tạo ra được những sản phẩm và nâng cao được mức thu nhập của người dân và doanh nghiệp; từ đó có sức để chống lạm phát”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Đối với xăng dầu, giải trình về nhiều ý kiến cho rằng cần phải được giảm giá xăng dầu, Bộ Tài chính nói rằng, việc giảm thuế để giảm giá xăng dầu là một trong nhiều giải pháp. Muốn giảm được giá xăng dầu, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp.
“Ví dụ, thuế trong giá xăng dầu của nước ngoài chiếm từ 45 đến 60% nhưng đối với nước ta từ 29 đến 30% thuế trong giá xăng dầu. Như xăng A92, các loại thuế trong xăng dầu chỉ chiếm 28% trong giá xăng dầu. Vừa qua chúng ta đã giảm 50% thuế môi trường là 2.000, bây giờ còn 2.000 nữa thì thẩm quyền này của Thường vụ Quốc hội; còn lại thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và một số thuế khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Chính sách thuế gắn liền với chính sách tài khóa. Khi chúng ta giảm thuế, đương nhiên chúng ta phải cắt giảm các khoản chi, chính sách tài khóa đã đưa được duyệt rồi. Nước ta là nước xuất khẩu dầu thô, mỗi năm chúng ta chỉ được trên 8 triệu thùng dầu thô. Như vậy, giá dầu thô lên chúng ta cũng bù đắp được một phần. Tuy nhiên, vấn đề giảm thuế là một biện pháp Bộ Tài chính sẽ cân nhắc, đánh giá tác động và sẽ báo cáo với Chính phủ để báo cáo với Thường vụ Quốc hội và Quốc hội về vấn đề giảm thuế trong giá xăng, dầu”, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng, cần phải tính đến vấn đề chống buôn lậu, bởi vì giá xăng dầu của chúng ta đang chênh so với Lào, Campuchia... Về vấn đề thúc đẩy nguồn cung xăng dầu, Bộ trưởng nhấn mạnh phải tập trung để nâng công suất của hai Nhà máy chế biến xăng dầu Dung Quất và Nghi Sơn trong thời gian tới./.