Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn: Báo chí phải là hạt nhân định hướng thông tin trên mạng xã hội

(PLO) -Từ 10h20 sáng 17/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn đăng đàn trả lời chất vấn về nhóm vấn đề triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, công tác quản lý Nhà nước về báo chí, truyền thông; giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, phản cảm trên mạng xã hội (MXH)…    
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn tại phiên họp

Những nơi khó khăn nhất đều có vai trò của báo chí 

Tại phiên họp, trước băn khoăn của đại biểu (ĐB) Mong Văn Tình (Nghệ An) và một số ĐB khác về những sai phạm của báo chí trong thời gian qua, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định “Nếu không có báo chí thì mọi mặt của đời sống xã hội không được phản ánh đầy đủ như hiện nay… Những nơi khó khăn nhất đều có vai trò của báo chí. Báo chí đi tiên phong, góp phần tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Phải nói trong mọi bước thành công của Đảng, Nhà nước, của đất nước thì đều có vai trò của báo chí”.

Tuy cho rằng báo chí thời gian qua có những sai phạm “đáng báo động” nhưng Bộ trưởng Tuấn nhận định sai phạm đó không thể làm biến dạng dòng chảy chính của nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay. “Dòng chảy chính của báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay vẫn là dòng chủ lưu”, ông nói. Theo Bộ trưởng Tuấn, trong năm 2016, Bộ TT&TT đã kiểm tra và xử phạt các vi phạm hành chính đối với gần 150 cơ quan báo chí. “Việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý rất nghiêm”, Bộ trưởng khẳng định.

Về hiện tượng báo chí đưa tin một chiều, thiếu kiểm chứng được ĐB Phạm Văn Tuân (Thái Bình) đề cập, Bộ trưởng Tuấn cho biết đã chỉ đạo các cơ quan liên quan vào cuộc để xem xét, xử lý, khắc phục tình trạng thông tin phiến diện, một chiều. “Chúng tôi cũng mong muốn các địa phương cần cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí để khắc phục tình trạng phiến diện, một chiều này. Bởi có hiện tượng anh em phóng viên xuống tác nghiệp nhưng người phát ngôn không cung cấp thông tin, anh em khai thác thông tin phải qua nhiều nguồn nên nhiều lúc lấy được thông tin thì thông tin không chính xác, thậm chí có những thông tin trái ngược nhau hoặc thông tin nửa sự thật”, Bộ trưởng nói thêm.i

Hạn chế tối đa năng lượng xấu trên MXH

Tại phiên họp, nhiều ĐB đặt câu hỏi về mặt trái của MXH. ĐB Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) cho rằng dù Bộ TT&TT đã có nhiều giải pháp để kiểm soát nhưng lượng tin giả, tin xuyên tạc, thông tin chống phá chế độ, bôi nhọ lãnh đạo vẫn còn rất nhiều, gây bất an dư luận và ảnh hưởng không tốt đến Đảng và Nhà nước. 

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thông tin, việc sử dụng internet, MXH đã phát triển với tốc độ rất nhanh ở Việt Nam. Bên cạnh những tiện ích rất lớn thì những tác hại do MXH đem lại cũng không phải nhỏ. “Nhiều người nói rằng MXH phát triển như vậy thì có nên sử dụng MXH nữa không? Chúng ta phải coi MXH là một phương tiện, một công cụ cho người dùng như một con đường và chúng ta đi trên con đường đó. Trách nhiệm là của người sử dụng bởi vì trên con đường đó có người tốt, có người xấu, thậm chí có kẻ cướp nên đừng coi việc sử dụng MXH là xấu mà phải coi ý thức của người sử dụng MXH là vấn đề”, ông nói.

Nhận định “năng lượng xấu bắt đầu lấn lướt trên MXH”, Bộ trưởng Tuấn cho biết, Bộ TT&TT đã làm việc với rất nhiều cơ quan liên quan để phối hợp xử lý, “tăng cường năng lượng tốt ở trên MXH, giảm bớt năng lượng xấu và đi đến hạn chế tối đa năng lượng xấu trên MXH”. Trong các giải pháp được đề cập, Bộ trưởng Tuấn cho biết Bộ TT&TT đã làm việc với các MXH ở nước ngoài, yêu cầu họ khi đã hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam cũng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. “Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã tác động để gỡ bỏ khoảng gần 5.000 clip ở trên Youtube khi những clip đó xâm hại đến lợi ích của Đảng, Nhà nước, Nhân dân, xâm hại đến quyền của cá nhân”, Bộ trưởng cho hay.

Vẫn theo Bộ trưởng Tuấn, trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương để đẩy mạnh các thông tin ở trên báo chí. “Chúng ta phải làm thế nào để chính báo chí phải là hạt nhân dẫn dắt thông tin, định hướng những thông tin đúng trên MXH”- ông nhấn mạnh.

Khắc phục một cách đồng bộ

Theo Bộ trưởng Tuấn, Luật Báo chí ra đời năm 2015 quy định quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận của công dân trong khi thông tin trên MXH có nhiều yếu tố không khác báo chí nhưng lại không được điều chỉnh bởi Luật Báo chí. “Đây cũng là một lỗ hổng khiến việc quản lý nhà nước về quyền tự do ngôn luận trở nên lúng túng khi đụng chạm những vấn đề liên quan đến MXH. Với tư cách cơ quan quản lý chúng tôi không né tránh. Đó là rủi ro mà chúng ta cần phải khắc phục một cách đồng bộ bằng các giải pháp của Nhà nước pháp quyền XHCN”. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tuấn cũng khẳng định chúng ta vẫn có đầy đủ công cụ pháp luật để điều chỉnh những hành vi vi phạm pháp luật trên MXH. Theo đó, với trường hợp người dùng có đầy đủ danh tính, địa chỉ thì đều có thể truy cứu trách nhiệm hoặc khởi kiện ra tòa án dân sự. Tuy nhiên, ông cho hay, thực tế có nhiều trường hợp biết rõ danh tính và địa chỉ người dùng vi phạm pháp luật nhưng họ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không bị kiện ra tòa vì các cơ quan, các cá nhân bị công kích, bôi nhọ đã không có động thái đòi lại sự công bằng cho chính bản thân mình. “Vấn đề ở đây không phải là luật mà là thực thi pháp luật và công bằng trong thực thi pháp luật”, Bộ trưởng nói.

Đối với người dùng MXH nặc danh, Bộ đang làm việc tiếp để Youtube, Google để có bộ chặn lọc, xoá. Cùng với đó, Bộ trưởng Tuấn nhấn mạnh việc ban hành văn bản pháp luật mới điều chỉnh riêng cho MXH để đảm bảo thực thi nghiêm theo đúng tinh thần Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.

 Bộ trưởng đã nắm chắc được thực trạng và trả lời thẳng thắn

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn trước QH, Bộ trưởng đã nắm chắc được tình hình, thực trạng và trả lời thẳng thắn, làm rõ các vấn đề được ĐBQH nêu. Phần trả lời của Bộ trưởng và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cơ bản nhận được sự hài lòng của ĐBQH. Theo Chủ tịch QH, có thể thấy các nội dung thuộc nhóm vấn đề chất vấn đối với Bộ trưởng đều là các vấn đề quan trọng và rất rộng, liên quan trực tiếp đến hoạt động của các cơ quan nhà nước, môi trường xã hội và đời sống của nhân dân, do đó nhận được nhiều sự quan tâm của các ĐBQH thông qua số lượng đăng ký chất vấn và tranh luận nhiều. Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn dù còn một số tồn tại, hạn chế nhưng Chính phủ, Bộ TT&TT, các bộ, ngành liên quan đã tích cực có giải pháp, có đề án, có chương trình để triển khai cụ thể, chủ động trong xử lý các hành vi sai phạm, bước đầu có hiệu quả. 

Đọc thêm