Cần đẩy nhanh tốc độ truy vết tại Gia Lai
Chiều 2/2, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chủ trì họp trực tuyến với các điểm cầu của các tỉnh, huyện có dịch Covid-19. Tại buổi họp, tỉnh Gia Lai báo cáo tình hình dịch bệnh tại địa bàn, hiện tại tỉnh đã và đang tiếp tục truy vết các F1, đã lấy 6.500 mẫu, có 13 trường hợp dương tính. Dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 4 huyện là Ia Pa, Krông Pa, thị xã Ayun Pa và TP Pleiku.
Đặc biệt tại Gia Lai cũng mới ghi nhận 1 ca dương tính mới được phát hiện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai. Hiện đã có một số cán bộ y tế có nguy cơ cao tại các khoa được đưa vào cách ly tại khu cách ly của Bệnh viện; đồng thời phong toả, rà soát, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1 có liên quan.… Ngay từ khi có các ca bệnh đầu tiên, cả hệ thống chính trị và ngành y tế của tỉnh đã khẩn trương tiến hành truy vết các trường hợp F1, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly theo quy định.
“Tuy nhiên, đặc thù ở Gia Lai việc đi lấy mẫu rất khó, 4 huyện đều vùng núi, vùng sau vùng xa, nên không thể nhanh được. người dân lảng tránh, không hợp tác. Đến giờ người dân đã hiểu biết nên hi vọng có thể đẩy nhanh tiến bộ”. đại diện Sở Y tế tỉnh Gia Lai báo cáo.
Trước tình hình trên, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng: “Tình hình trước mắt, tỉnh Gia Lai cần tập trung đẩy nhanh tốc độ truy vết F1 bởi Gia Lai đang thực hiện rất chậm. Cần phải nhanh chóng cách ly ngay và lấy mẫu xét nghiệm F1. Bộ sẽ điều Viện Pasteurs TP.HCM và đã đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy vào Gia Lai trợ giúp. Trước mắt, địa phương nên tập trung cho xét nghiệm F1, rồi mới tới F2 và không chuyển mẫu xét nghiệm vào TP.HCM vì sẽ rất chậm”.
|
Đạih diện Sở Y tế tỉnh Gia Lai báo cáo trong buổi họp. |
Về việc phong toả bệnh viện, Bộ trưởng Long cho rằng, khi chưa có sự lây lan chéo thì bệnh viện chỉ nên phong toả những khoa bệnh nhân đó từng đến, không phong toả cả bệnh viện. Tất cả các nhân viên tiếp xúc phải đi cách ly ngay lập tức và phải khử khuẩn toàn bộ khu vực đó.
Ngày mai Bộ sẽ cử đoàn công tác vào Gia Lai để hỗ trợ. “Đối phó dịch lần này phải xác định làm càng nhanh, khoanh càng nhanh càng tốt. Các địa phương phải truy vết thật nhanh, tăng công suất xét nghiệm lên càng nhanh càng tốt”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Phải khoanh vùng trong phong tỏa
Cũng tại buổi họp chiều nay (2/2), Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết: “Từ đầu đợt dịch này đã ghi nhận 240 trường hợp bệnh nhân mới và có tới 80% trường hợp không có triệu chứng, đây chính là thách thức với các cơ sở khám, chữa bệnh. Bởi bệnh nhân không có triệu chứng, di chuyển trong khu vực bệnh viện rất dễ lây lan nguồn bệnh. Đề nghị, bệnh viện khai thác kỹ lịch sử, tiền sử và vùng dịch tễ khi bệnh nhân đến bệnh viện”.
Cũng theo ông Khuê: “Sau khi rà soát các bệnh nhân nhiễm Covid-19 chỉ có 1 bệnh nhân nặng, 3 bệnh nhân thở oxi, 20 bệnh nhân có diễn biến các bệnh cảnh lâm sàng, còn lại các bệnh nhân không có triệu chứng. Nếu đợi bệnh nhân có dấu hiệu mới kiểm soát thì rất khó Chính vì vậy, để tránh lây nhiễm, các bệnh viện phải thông thoáng, kiểm soát nhiễm khuẩn cực kỳ tốt”.
|
Buổi họp trực tuyến chiều 2/2. |
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu, các bệnh viện phải khám sàng lọc và phân loại bệnh nhân rõ ràng. Ngay trong mẫu hồ sơ bệnh án đã có mục khai tiền sử, quán triệt các bác sĩ, cần phải khai kỹ tiền sử: dịch tễ, bệnh, gia đình.
Về công tác phòng chống dịch, các văn bản đã khá đầy đủ, tại sao chỗ triển khai tốt, chỗ triển khai rất lúng túng. “Đề nghị đơn vị nào chưa có dịch, hoặc bắt đầu xảy ra ca bệnh. Tiến hành tập huấn ngay tổ truy vết, tổ lấy mẫu, tổ phòng chống dịch cộng đồng”, thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trước tình huống nhiều địa phương lúng túng trong việc xác định các F, Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh: “Phải xác định thế nào là F1, tức là F1 là những người tiếp xúc với F0 dưới 2m. Và F2 là những người tiếp xúc với F1 dưới 2m. Không thể nào cứ có nghi ngờ là phong tỏa toàn bộ được, chúng ta phải khoanh vùng trong phong tỏa”.