Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật

(PLVN) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, phải nâng cao nhận thức, thống nhất hành động, tiếp tục đổi mới đồng bộ, toàn diện công tác xây dựng pháp luật trên cơ sở bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo công tác này.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, tập trung cho nhiệm vụ hoàn thiện môi trường pháp lý, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Sáng ngày 25/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Bộ Tư pháp về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới và giải quyết các kiến nghị, đề xuất của ngành.

Cùng dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ gợi ý các đại biểu phát biểu về những điểm “trăn trở, day dứt nhất” trong công việc; công tác phối hợp với các bộ, ngành; phân tích các nguyên nhân, các bài học kinh nghiệm; các nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới… trên các lĩnh vực hoạt động của ngành tư pháp như xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp, phổ biến, giáo dục pháp luật, bổ trợ tư pháp và hợp tác quốc tế về pháp luật.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong bối cảnh nhiệm vụ được giao ngày càng nhiều, yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao, nguồn lực còn nhiều hạn chế, với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, sự tâm huyết, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp đã có nhiều cố gắng, triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, bám sát phương châm hành động, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đạt được nhiều kết quả cụ thể, có những lĩnh vực trở thành điểm sáng.

Tuy nhiên, Báo cáo của Bộ Tư pháp và các ý kiến tại cuộc làm việc cũng cho rằng, hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập. Tính dự báo, khả thi của hệ thống pháp luật chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; chi phí tuân thủ pháp luật nhìn chung còn cao.

Các đại biểu cho biết, trong một số trường hợp, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa được tiếp thu, giải trình đầy đủ. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành ở Trung ương, giữa Trung ương với địa phương trong thực hiện công tác tư pháp vẫn còn hạn chế.

“Một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa thực sự chú trọng công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật; sự quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác này chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ. Hiện nay, mới chỉ có 5 Bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp phụ trách công tác xây dựng pháp luật”, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.

Các ý kiến đề nghị đẩy mạnh triển khai “tư pháp điện tử”; quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử (chiếm 2/3 trường thông tin của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư); tăng cường cử cán bộ nghiên cứu, học tập về luật pháp quốc tế tại các cơ sở đào tạo hàng đầu thế giới, các tổ chức quốc tế; một số kiến nghị liên quan đến đào tạo nhân lực ngành tư pháp…

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật là nhiệm vụ quan trọng nhất của Bộ Tư pháp, cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ. Bộ đã có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao, trong hoạt động có những chuyển biến quan trọng, góp phần rà soát, khắc phục các quy định chồng chéo, khắc phục cơ bản tình trạng chậm ban hành văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh…

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Xây dựng và hoàn thiện thể chế đòi hỏi các bộ, cơ quan cùng vào cuộc, nhưng Bộ Tư pháp phải đóng vai trò “tham mưu trưởng” cho Chính phủ, phối hợp với các bộ, cơ quan trong công tác này, nhất là Bộ phải quyết liệt hơn nữa trong khâu thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật…

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhiều nơi nhận thức chưa đúng tầm và đầu tư chưa ngang tầm

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, công tác tư pháp, ngành tư pháp có vị trí, vai trò rất quan trọng. Bộ Tư pháp là cơ quan tham mưu chiến lược, chủ lực của Đảng, của Chính phủ trong bối cảnh chúng ta xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; trong thực hiện các quy định của Hiến pháp và pháp luật, các nguyên tắc hoạt động của Đảng; triển khai 3 khâu đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bảo vệ, thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân.

Thủ tướng nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt trong thời gian sắp tới là phải nâng cao nhận thức, thống nhất hành động để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường đầu tư, kinh phí, cơ sở vật chất và nguồn lực con người cho hoạt động tư pháp.

Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, Bộ và ngành tư pháp đã đạt được những thành tích, thành tựu lớn, có tính chất quyết định, cơ bản. Để đạt được kết quả này, Bộ và ngành đã thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước để thực hiện các mục tiêu lớn về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, các nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá chiến lược. Đoàn kết, thống nhất, nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm phấn đấu vượt qua những khó khăn thách thức, trong sáng, vô tư trong thực hiện nhiệm vụ.

Đồng tình với các hạn chế, yếu kém, bất cập được nêu tại buổi làm việc, Thủ tướng chỉ ra một số nguyên nhân chính: Quy trình xây dựng, phê duyệt, thông qua các quy định pháp luật còn nhiều thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian, cầu toàn, trong khi thực tiễn cuộc sống diễn biến rất nhanh, khó dự đoán, khó lường. Nhiều nơi nhận thức chưa đúng tầm và đầu tư chưa ngang tầm nhiệm vụ cho công tác tư pháp, các quy định về chi tiêu, bố trí nguồn lực cho công tác này còn bất cập. Sự phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chưa tốt, Bộ Tư pháp cũng chưa thực sự chủ động trong công tác này. Kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật chưa rõ ràng, chặt chẽ, chưa cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; công tác thi đua, khen thưởng kỷ luật chưa được coi trọng.

Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm, trước hết là phải bám rất sát chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp và các quy định của pháp luật có liên quan để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

“Các đồng chí phải lao vào tháo gỡ vướng mắc cùng các bộ, ngành, địa phương, điều này sẽ giúp nâng cao vị thế, vai trò, tầm quan trọng của ngành tư pháp”, Thủ tướng chia sẻ và nêu ví dụ cụ thể về một số vướng mắc hiện nay trong các quy định pháp luật. “Trách nhiệm không chỉ của các bộ chuyên ngành, mà có cả trách nhiệm của Bộ Tư pháp. Quá trình thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải thực sự vì lợi ích quốc gia dân tộc, thực sự có trách nhiệm thì mới thấy được bất cập”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Một bài học kinh nghiệm khác là phải coi trọng nguồn lực con người, đầu tư cho con người; dành sự đầu tư, quan tâm thích đáng từ lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, cơ sở vật chất… cho công tác tư pháp. Coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, nghiên cứu khoa học, bám sát thực tiễn để tiếp tục đổi mới trong thực hiện nhiêm vụ.  “Xây dựng chính sách thì mời các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu là đúng, là cần thiết, nhưng cũng phải mời các nhà hoạt động thực tiễn”, Thủ tướng lưu ý.

Giữ vững đoàn kết thống nhất, chân thành, cởi mở nhưng phải tránh tư tưởng “xuôi chiều”, không có đấu tranh. Coi trọng công tác truyền thông về chính sách pháp luật để người dân biết, hiểu rõ, có ý thức tham gia xây dựng và thực hiện pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại cuộc họp. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Lấy thực tiễn làm thước đo, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, việc lớn nhất là phải hoàn thiện môi trường pháp lý, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược.

Trên cơ sở nhiệm vụ lớn nhất này, Thủ tướng yêu cầu, trước hết, tập trung nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngành và của môi trường pháp lý với sự phát triển của đất nước ta để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược quan trọng.

Thứ hai, tiếp tục kế thừa, phát huy và nhân rộng khí thế, thành tích, thành tựu, kết quả, kinh nghiệm đã đạt được, nhất là truyền thống đoàn kết, yêu nghề, trách nhiệm, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức qua các thời kỳ. Thủ tướng lưu ý trong công việc, Đảng, Nhà nước tạo điều kiện nhưng phải luôn suy nghĩ, tìm tòi, trăn trở, “không ai làm thay, không ai làm tốt cho mình hơn mình”.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới đồng bộ, toàn diện công tác xây dựng pháp luật trên cơ sở bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để phục vụ các nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược với tinh thần phải rút ngắn quy trình, thủ tục xây dựng pháp luật. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Thủ tướng lưu ý làm tốt việc lấy ý kiến các đối tượng có liên quan, bị tác động khi xây dựng pháp luật, “quy định ban hành tối qua mà sáng nay thấy bất cập rõ ràng thì cũng phải sửa, không cứng nhắc”. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn cho các bộ, cơ quan, địa phương, nhất là những vấn đề đã kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết.

Thứ tư, tập trung sơ kết, tổng kết, nghiên cứu khoa học, nâng cao lý luận phát triển ngành tư pháp sát với tình hình thực tế Việt Nam, nhất là phục vụ xây dựng môi trường pháp lý.  

Thứ năm, coi trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên trong ngành. Thực hiện nghiêm các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng bộ với thực hiện các quy định nêu gương.

Xây dựng bộ máy, tổ chức, biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo các Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW; chuẩn bị xây dựng Nghị định mới về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp theo tinh thần tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm trung gian, xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đầu mối bên trong và trên cơ sở đó, xây dựng vị trí việc làm, miêu tả khung năng lực để xác định biên chế, gắn với việc nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, một người làm nhiều việc nhưng một việc chỉ giao một người. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu, đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ…

Sửa đổi ngay các quy định về chi tiêu ngân sách trong xây dựng pháp luật

Thứ sáu, coi trọng công tác đào tạo và nâng  cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức; lưu ý dùng chung nguồn lực, tránh tình trạng phân tán nguồn lực tại các cơ sở đào tạo.

Thứ bảy, coi trọng công tác hội nhập và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, xử lý các vấn đề luật pháp liên quan đến lợi ích hợp pháp của công dân và của đất nước ta.

Thứ tám, coi trọng đầu tư hơn nữa cho công tác hỗ trợ tư pháp, nhất là coi trọng xây dựng đội ngũ luật sư, phát huy tối đa trí tuệ, phẩm chất, lòng yêu nước và trách nhiệm của đội ngũ luật sư, kiên trì lắng nghe các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, xây dựng, các phản biện có lý, có tình của họ trên tinh thần khiêm tốn học hỏi và giữ đúng nguyên tắc.

Thứ chín, coi trọng và đầu tư cho công tác truyền thông chính sách, những kinh nghiệm quý, bài học hay, những điển hình tiên tiến; truyền thông phải đi trước một bước, đóng vai trò dẫn dắt, truyền cảm hứng cho người dân, tạo đồng thuận xã hội, theo tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”.

Thứ mười, đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền, coi trọng xây dựng, củng cố, hoàn thiện bộ máy của các cơ quan tư pháp các cấp. 

Thủ tướng cơ bản đồng tình với các kiến nghị của Bộ Tư pháp. Trong đó, Thủ tướng bày tỏ “rất tâm đắc, tán thành ngay” và cho biết sẽ có ngay văn bản giao các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, cơ chế, chính sách – một trong ba khâu đột phá chiến lược.

Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp sửa đổi ngay các quy định về chi tiêu ngân sách trong xây dựng pháp luật và nghiên cứu khoa học. Bộ Tư pháp làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các nhiệm vụ đầu tư liên quan đến xây dựng môi trường pháp lý, như vấn đề cơ sở dữ liệu dùng chung. Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, cơ quan rà soát, tổng hợp các vướng mắc về pháp luật, cơ chế, chính sách, sớm trình Chính phủ báo cáo Quốc hội và các cấp có thẩm quyền xử lý, giải quyết.

Đọc thêm