Bộ trưởng Công an Tô Lâm: Còn hơn 11.700 tội phạm trốn truy nã

(PLO) - “Chúng tôi thống kê được lượng đối tượng truy nã hiện nay còn tồn tại là trên 11.700 đối tượng, đây là một số lượng rất lớn. Chúng tôi nhận thức được là để đối tượng truy nã còn lượng lớn sẽ gây những hành vi nguy hiểm cho xã hội”, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội. 
Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời chất vấn tại phiên họp.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời chất vấn tại phiên họp.

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn (TP Hà Nội) đề cập đến 11.714 tội phạm truy nã đang sống "nhởn nhơ" ngoài vòng pháp luật và đề nghị Bộ trưởng Công an cho biết phương pháp và giải pháp nào căn cơ để giảm đi nguy hại đó.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn (TP Hà Nội) chất vấn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn (TP Hà Nội) chất vấn.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, theo thống kê của Bộ Công an, hiện nay, lượng đối tượng truy nã thống kê được còn tồn tại trên 11.700 đối tượng.

“Đây là một số lượng rất lớn. Chúng tôi nhận thức được là để đối tượng truy nã còn lượng lớn, sẽ gây những hành vi nguy hiểm cho xã hội mà không được ngăn chặn”, Bộ trưởng công an thông tin.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng công an thừa nhận kết quả điều tra vạch trần tội phạm cũng chưa hoàn thành được, việc thực hiện nghiêm minh của luật pháp với những đối tượng gây ra hành vi tội phạm còn chưa được vạch trần. “Đó là việc rất nguy hiểm nên phải tập trung để truy bắt những đối tượng trốn truy nã”, ông cho hay. 

Về biện pháp, theo Bộ trưởng Tô Lâm, có rất nhiều biện pháp. Ông đề cập đến một số biện pháp cơ bản.

Thứ nhất, phải tăng cường công tác quản lý dân cư, quản lý cư trú và tăng cường việc nắm người, nắm hộ ngay từ cơ sở vì những biện pháp này trong lực lượng công an đã làm rất cơ bản. “Vừa qua phải tăng cường việc này, đặc biệt là quản lý những giấy tờ tùy thân, chúng tôi đang cải cách từ chứng minh nhân dân, quản lý hộ khẩu cho đến quản lý căn cước công dân, sẽ có một quá trình để không thể làm giả và làm những giấy tờ giả mạo này mà những đối tượng trốn truy nã đã lợi dụng”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Thứ hai, phải tăng cường thông tin tội phạm, trước hết là trong lực lượng công an, khi mỗi đơn vị xử lý những vụ án, phát hiện ra những đối tượng trốn truy nã thì phải có thông báo, thông tin tội phạm rộng rãi trong nhân dân để huy động được lực lượng này. Đồng thời, tránh những trường hợp phạm một tội nghiêm trọng, nguy hiểm nhưng lại phạm một tội khác nhẹ hơn, đối tượng đó đã nằm trong trại giam, khi đó vẫn chưa phát hiện được những đối tượng trốn truy nã. “Vừa qua chúng tôi đã rút kinh nghiệm về những vấn đề này để tăng cường thông tin tội phạm”, ông Lâm thông tin.

Thứ ba, các lực lượng công an đều phải phát hiện và phải thực hiện công tác truy nã tội phạm. “Trước đây, việc tổ chức rộng rãi, không để các đối tượng này lớn lên nhưng sau đó có cải cách lại bộ máy, trong khoảng chục năm trở lại đây có thành lập lực lượng chuyên trách về truy nã tội phạm. Thực sự, nếu chỉ có lực lượng đó thôi thì cũng không đủ sức bao quát phạm vi toàn quốc những đối tượng này. Vừa qua, chúng tôi đã sửa đổi, thay đổi lại, không còn lực lượng đó nữa mà tội phạm của phạm vi, đơn vị nào, lực lượng nào truy nã đối tượng nào thì phải truy đến cùng các vụ án và các đối tượng đó”, ông lý giải.

Giải pháp thứ 4 được Bộ trưởng công an đề cập là phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, không để các đối tượng này chạy trốn, đặc biệt ra nước ngoài, phối hợp với bộ đội biên phòng, cơ quan của Bộ Quốc phòng để quản lý biên giới, quản lý bờ biển phải làm rất chặt chẽ; tăng cường hợp tác quốc tế với những nước xung quanh. 

“Chúng tôi cũng đang xúc tiến đẩy mạnh hợp tác, dẫn độ tội phạm trong phạm vi của các nước ASEAN, tiến hành nhiều năm nhưng chưa nhận được sự đồng thuận trong phạm vi chung của ASEAN. Vừa qua, chúng tôi đã tổ chức hội nghị, hiện nay đang trong quá trình đàm phán và mở rộng đến các nước khác trên phạm vi thế giới. Hiện nay, mở rộng hành vi pháp lý này để ngăn ngừa tội phạm trốn ra nước ngoài. Đồng thời, có các biện pháp nghiệp vụ, không để cho tội phạm trốn ra nước ngoài, nhất là những đối tượng tội phạm truy nã”, ông nói.

Bộ trưởng công an cũng đề cập đến việc tăng cường phát động quần chúng, nhân dân phát hiện các đối tượng truy nã, góp phần rất lớn phát hiện loại đối tượng này trong cư trú. 

“Một trong những biện pháp tích cực, gần sát với dân nữa là sẽ tăng cường lực lượng công an ở cơ sở để quản lý những đối tượng này ngay từ cơ sở để phát hiện ra sớm, bắt được, phát hiện được những đối tượng truy nã hiện nay đang trốn”, ông nói.

Đọc thêm