Bộ trưởng LĐ,TB&XH làm rõ vấn đề "hỗ trợ nhầm" đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh

(PLVN) - Việc triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân trong thời gian qua cơ bản tốt đẹp nhưng vẫn có một vài điểm khiến dư luận băn khoăn như hỗ trợ khó khăn cho cả nghệ sĩ có thu nhập cao hay một địa phương được báo chí phản ánh có tới 22.000 trường hợp được phát nhầm và nhận nhầm chính sách hỗ trợ cho đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì đại dịch là chính sách rất nhân văn. (Ảnh minh họa)
Hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì đại dịch là chính sách rất nhân văn. (Ảnh minh họa)

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 10/11, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình) cho hay, một bộ phận cử tri rất băn khoăn về việc hỗ trợ đối với nghệ sĩ vì dư luận cũng không đồng tình khi nhiều người trong số họ có thu nhập rất cao mà vẫn được hỗ trợ khó khăn.

Làm rõ vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo, trong quá trình triển khai xây dựng Nghị quyết 68, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có đề nghị với Bộ Lao động 2 đối tượng: đối tượng thứ nhất là hướng dẫn viên du lịch. Đối tượng thứ hai là văn nghệ sĩ hạng 4, tức là những người có mức lương từ 1,86, đa số số này còn trẻ, mới vào nghề.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình).

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình).

Qua khảo sát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì số này có khoảng 2.000 người, nhìn chung là đời sống khó khăn. Số này đưa ra Chính phủ cũng có thảo luận và đồng ý về chính sách vì thấy phù hợp, bởi 3 lẽ: đời sống rất khó khăn, mức lương rất thấp; có thời gian phải giãn cách hoặc dừng hoạt động 15 ngày trở lên trong suốt thời gian vừa qua; gặp khó khăn trong đại dịch COVID.

"Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, có một địa phương khi xét 33 trường hợp thì có 3 trường hợp thuộc diện đúng đối tượng nhưng có cuộc sống khá giả bởi vì thực sự các trường hợp này cũng có tài năng và cũng đang là những người được dư luận xã hội quan tâm nên trong quá trình rà soát thì “bỏ rơi” yếu tố là có hoàn cảnh khó khăn và vì vậy dư luận không đồng tình", Bộ trưởng giải thích.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay, trong số 2.000 trường hợp này đã hỗ trợ là 1.590 trường hợp và "rất nhiều trường hợp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã đi kiểm tra thì thấy rằng rất khó khăn". Đến giờ này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định, "chính sách là đúng, nhưng quá trình tổ chức thực hiện có thể còn điều này, điều kia, các cơ sở cũng như Bộ cần phải chú ý rút kinh nghiệm hơn trong quá trình tổ chức thực hiện".

Cũng liên quan đến việc hỗ trợ nhầm đối tượng, Đại biểu Vương Thị Hương (Đoàn Hà Giang) cho biết, báo chí gần đây đưa tin trường hợp tại một tỉnh có tới 22.000 trường hợp được phát nhầm và nhận nhầm chính sách hỗ trợ cho đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Đại biểu Vương Thị Hương (Đoàn Hà Giang).

Đại biểu Vương Thị Hương (Đoàn Hà Giang).

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm và việc xử lý, giải quyết việc hỗ trợ nhầm đối tượng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung "xin phép được Quốc hội cho điều chỉnh nội dung này, vì thực sự không phải là phát nhầm và nhận nhầm 22.000 người". Bởi sau khi có dư luận báo chí, Bộ trưởng đã trực tiếp điện cho Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và yêu cầu Sở báo cáo lại đầy đủ nội dung này bằng văn bản.

Ông cũng đã cử một Thứ trưởng cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của Trung ương và Công đoàn, một số đoàn đi vào kiểm tra thực tế tình hình, gặp cả những người trực tiếp phát, gặp cả những người nhận nhầm thì con số cụ thể thực chất không phải 22 nghìn mà chỉ có khoảng 1.490 trường hợp.

Vậy tại sao lại có con số 22 nghìn? Bộ trưởng Dung giải thích, đây là một chính sách của Bình Dương hỗ trợ thêm cho người lao động và người ở các khu nhà trọ để giảm giá nhà trọ trong lúc khó khăn với mức là 800.000 đồng một người, “khi kê khai là đi đến các nhà, báo cáo lại với Quốc hội là ngồi trong nhà này cũng khai, người khác cũng khai... dẫn đến nó vọt lên con số quá lớn”.

Do đó, Bình Dương thấy con số bất thường, tiến hành rà soát lại bằng máy, nhờ Bộ Công an và nhờ Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát lại trên cơ sở dữ liệu thì mới thấy bật ra là 22 người trùng nhau về tên tuổi… nên tỉnh Bình Dương đã dừng việc này lại và tiến hành rà soát lại thì mới phát hiện ra 1.990 người đã phát rồi với số tiền khoảng 1,6 tỷ đồng, sau đó phần đông số người này cũng đã tự hoàn trả lại vì thấy mình nhận không đúng chính sách.

Như vậy đến nay công việc này đã giải quyết xong và 1,6 tỷ đồng cũng đã thu hồi lại đầy đủ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Đọc thêm