Sáng nay, trong phiên thảo luận về Dự án sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - thay mặt ban soạn thảo đã giải trình thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm.
Liên quan đến trách nhiệm bồi thường oan sai, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết: Dự thảo luật có nhiều điểm mới so với luật hiện hành như quy định rõ hơn về trách nhiệm hoàn trả của người làm sai, tạm ứng kinh phí bồi thường oan sai.
Bộ trưởng cũng khẳng định quy định của Dự thảo là làm rõ hơn trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, đảm bảo quyền công dân nhưng cũng đảm bảo sự vận hành bình thường của cơ quan Nhà nước, không làm “chùn tay” khi thực thi nhiệm vụ.
Nói rõ hơn về trách nhiệm hoàn trả tiền cho Nhà nước, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, nguyên tắc trách nhiệm bồi thường khi công chức gây ra oan, sai, là trách nhiệm Nhà nước như tên của luật. Các nước cũng đi theo hướng không có bảo hiểm đối với hoạt động của công chức này.
“Công chức làm sai thì trước hết Nhà nước chịu trách nhiệm nhưng cùng với đó có trách nhiệm hoàn trả của người trực tiếp gây ra. Luật thiết kế hoàn trả với các trường hợp khác nhau, căn cứ mức độ lỗi của người thi hành công vụ để tính và đã được thể hiện tương đối cụ thể. Còn liên đới bồi hoàn thì luật giao Chính phủ quy định chi tiết” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết.
Về thủ tục bồi thường, cụ thể là ở khâu thương lượng, Bộ trưởng cho biết: Thương lượng là nguyên tắc được áp dụng khi bồi thường và đây cũng là tiếp cận chung của các nước. Dự thảo luật thiết kế kỹ về thương lượng, từ thành phần đến địa điểm, nội dung, quy trình thương lượng. Thành phần thương lượng dựa trên ý tưởng các cơ quan liên quan ngồi lại cùng lúc và thống nhất thực hiện luôn, góp phần đẩy nhanh thủ tục bồi thường.
Bộ trưởng khẳng định: “Thương lượng là đảm bảo đi đến thống nhất, thỏa thuận trước khi bồi thường chứ không hẳn cò kè thêm bớt với công dân".