Tư pháp đi vào mọi mặt cuộc sống
Phát biểu trong buổi làm việc, bà Phùng Thị Dâu, Phó Giám đốc phụ trách Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh đã báo cáo về các nội dung hoạt động trong thời gian qua trong lĩnh vực tư pháp của tỉnh. Bên cạnh những thành tích đạt được, Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh đã cũng chỉ ra nhiều tồn tại, nêu ra những khó khăn, vướng mắc và đề xuất lên Bộ trưởng cùng lãnh đạo các Cục, Vụ có biện pháp giúp Sở Tư pháp của địa phương có phương hướng tháo gỡ.
Tỉnh Tây Ninh với đặc thù là một tỉnh biên giới với 8 huyện và 1 thành phố loại III, dân số hơn 1 triệu người nhưng lực lượng cán bộ ngành tư pháp rất thiếu, trong khi đó khối lượng công việc của một địa phương có đường biên giới giáp với Campuchia, các vấn đề liên quan đến tư pháp, hộ tịch... vô cùng phức tạp vì có tỷ lệ trường hợp liên quan đến các yếu tố nước ngoài cao.
Có thể nói, tỉnh Tây Ninh là một trong những địa phương có lực lượng, biên chế, cán bộ hoạt động trong lĩnh vực tư pháp mỏng nhất cả nước. Đơn cử như Thanh tra chỉ có 1 người, Phòng Phổ biến Giáo dục Pháp luật thì có 2 người... nên gặp rất nhiều khó khăn trong công việc.
Bà Phùng Thị Dâu (Phó giám đốc Sở Tư pháp Tây Ninh) báo cáo về các nội dung công tác |
Dù nhân lực hạn hẹp, tuy nhiên Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh vẫn nỗ lực triển khai các nhiệm vụ được giao, cũng như phối hợp với các ban ngành chức năng, thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho địa phương trong lĩnh vực tư pháp, ban hành các văn bản qui phạm pháp luật (QPPL)... Từ đầu năm 2016, Sở Tư pháp Tây Ninh đã thực hiện góp ý trên 200 văn bản của Trung ương và địa phương; thẩm định 139 dự thảo văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh Tây Ninh.
Trong giai đoạn này, lĩnh vực tư pháp đã đi sâu vào rất nhiều mặt trong cuộc sống, từ giải quyết khiếu nại tố cáo, cung cấp lý lịch tư pháp, rồi việc kết hôn, khai sinh có yếu tố nước ngoài... Trước những khó khăn, vướng mắc, lãnh đạo cùng cán bộ Sở Tư pháp Tây Ninh đã đề xuất nhiều vấn đề lên Bộ Tư pháp nhằm tháo gỡ, hỗ trợ giải quyết.
Lần làm việc này của đoàn công tác lại đúng vào lễ kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống ngành Tư pháp (28/8/1945 - 28/8/2017), nhân dịp này, Bộ trưởng Lê Thành Long nhắc lại chặng đường khó khăn, chông gai mà ngành tư pháp đã trải qua, để đến nay đã thực sự trưởng thành, sâu rộng trong mọi mặt đời sống, từ việc nhỏ nhất như khai sinh khai tử cho người dân, hay đến những vấn đề lớn của đất nước như tham mưu xây dựng hiến pháp, chính sách, hay các vụ tranh tụng có tính chất quốc tế... Tất cả những đóng góp của ngành tư pháp đã và sẽ được ghi nhận, trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền.
Bộ trưởng Lê Thành Long đã ghi nhận, chúc mừng những thành tựu đã làm được và chia sẻ với địa phương trước những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại.
Bộ trưởng Lê Thành Long chia sẻ với những khó khăn của địa phương, đồng thời nhắc nhở cán bộ phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ. |
Trong giai đoạn mới, ngành tư pháp nói chung và Sở Tư pháp Tây Ninh nói riêng tiếp nối những thành tựu mà lớp trước đã để lại, phát huy, duy trì và có định hướng phát triển rõ ràng. Dù nhân lực ít, còn nhiều khó khăn nhưng vẫn phải cố gắng hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngày càng khẳng định vị thế, của Bộ, ngành trong phát triển kinh tế xã hội.
Chính vì thế, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh cần phải tiếp tục thực hiện định hướng chiến lược về cải cách tư pháp, xã hội hóa các hoạt động tư pháp; tăng cường kiểm tra, thanh tra để các lĩnh vực đang xã hội hóa đi đúng hướng.
Giải quyết bài toán nhân lực, Bộ trưởng Lê Thành Long định hướng, với lực lượng còn hạn hẹp, ngành tư pháp tỉnh Tây Ninh nên chủ động, sáng tạo và sắp xếp khoa học hơn để vẫn có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Trước hết, phải xác định rõ trọng tâm, phải xác định việc nào quan trọng làm trước, cái nào làm sau... Trong khâu chuẩn bị, xử lý công việc phải chuẩn bị kỹ nội dung, để giảm bớt thời gian phải họp bàn, từ đó tăng thời gian làm việc.
Bộ trưởng Lê Thành Long chụp ảnh lưu niệm cùng các cán bộ tư pháp tỉnh Tây Ninh. |
Trong thời gian tới, về những luật và các đề án mới sẽ được đưa vào áp dụng cũng như triển khai, Bộ trưởng nhắc nhở Sở Tư pháp Tây Ninh trong quá trình tham mưu, biết cân nhắc và đưa ra những ý kiến đóng góp giúp lãnh đạo địa phương thực hiện, áp dụng tốt, đúng luật. Nắm bắt được các vấn đề trong địa bàn để có thể ứng phó, giải quyết kịp thời và tham mưu cho chính quyền tỉnh để có biện pháp tháo gỡ.
Thi hành án dân sự: yếu tố quan trọng nhất là con người
Chiều ngày 28/8, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã có buổi làm việc với lãnh đạo, cán bộ thuộc Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Tây Ninh.
Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Tiễn (Cục trưởng Cục THADS tỉnh Tây Ninh) đã báo cáo những kết quả đạt được từ năm 2016 đến nay. Theo con số thống kê, riêng năm 2016, Cục THADS tỉnh Tây Ninh đã thụ lý 32.214 việc, giải quyết xong 17.259/24.937 việc có điều kiện.
10 tháng đầu năm 2017: đã thụ lý 28.474 việc, qua phân loại có 21.667 việc có điều kiện giải quyết. Kết quả THA trong 10 tháng đầu năm 2017 còn chưa đạt chỉ tiêu được giao, trong 2 tháng còn lại của năm 2017, Cục THADS tỉnh Tây Ninh sẽ tập trung chỉ đạo xử lý tài sản bán đấu giá thành, giao tài sản cho người được THA nhằm kết thúc hồ sơ xong, tăng tỷ lệ THA, nhất là kết quả THA về tiền đang còn thấp; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2017.
Bộ trưởng Lê Thành Long và Đoàn công tác làm việc với Cục THADS Tây Ninh |
Tỉnh Tây Ninh có số lượng án thụ lý giải quyết rất lớn nhưng lại thiếu nhân lực, năm 2017 Tây Ninh không có Chấp hành viên (CHV) biệt phái hỗ trợ giải quyết án như những năm trước nên CHV luôn bị quá tải công việc. Trong 10 tháng, trung bình mỗi CHV (kể cả lãnh đạo, quản lý) thụ lý 412 việc.
Án chuyển kỳ sau giải quyết còn lớn, nhiều vụ việc phức tạp, khó thi hành; nhiều trường hợp tài sản bán đấu giá phải giảm giá nhiều lần nhưng không có người mua; người phải THA lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kéo dài việc THA...
Bên cạnh đó, công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy nhìn chung chưa đáp ứng được yêu câu, nhiệm vụ hiện nay của ngành, còn thiếu chức danh lãnh đạo Cục, lãnh đạo cấp phòng và Chi cục.
Sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng Lê Thành Long ghi nhận sự cố gắng của THADS tỉnh Tây Ninh, Bộ trưởng chia sẻ những khó khăn như số lượng vụ việc lớn, đặc thù địa bàn. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhận xét rằng dù công tác THADS tại Tây Ninh có nhiều cố gắng nhưng chưa có nhiều điểm sáng. Cần khắc phục các sai phạm của CHV, làm dứt điểm công tác bồi thường, giải quyết khiếu nại tố cáo.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất là con người. Trước hết, trong công tác cán bộ cần kiện toàn bộ máy lãnh đạo Cục, phòng ban chuyên môn, kế hoạch bồi dưỡng CHV, thẩm tra viên về chuyên môn nghiệp vụ... Quy hoạch cán bộ cần nghiêm túc, thay đổi tư duy, mạnh dạn đề xuất cán bộ trong ngành, nhìn xa ra các cán bộ trong ngành nội chính để chọn những cán bộ có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất. Nếu chọn đúng người thì trong một thời gian ngắn có thể củng cố được hệ thống.
Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý kỷ luật... cần chủ động, vào cuộc sớm, nếu phát hiện vi phạm, có đầy đủ cơ sở thì phải xử lý, chấn chỉnh, kỷ luật,
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, địa phương. Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, các cấp chính quyền địa phương. Xác định rõ trọng tâm công việc để động viên cán bộ thực hiện, hoàn thành.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục THADS cần phải hỗ trợ trực tiếp, tính toán cơ chế biệt phái, tăng cường cán bộ hỗ trợ cho THADS Tây Ninh trong tình thế khó khăn về nhân lực. Bên cạnh yếu tố con người, phải tận dụng được tối đa những nguồn lực như chất xám, công nghệ, phương tiện truyền thông... để cải thiện đến mức tốt nhất công tác THADS, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao.