Bộ trưởng Tài chính nêu 'nút thắt' trong cổ phần hóa doanh nghiệp

(PLVN) - Trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng nay, 8/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận, việc sắp xếp nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất là một trong những nút thắt của cổ phần hóa, doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai. Vừa qua, việc cổ phần hóa chậm cũng do khâu này.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn.

Cổ phần hóa doanh nghiệp chậm vì đâu?

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc rà soát phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất; phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc xác định lợi thế giá trị quyền sử dụng đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm, đánh giá thương hiệu quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa lịch sử được quy định tại Nghị định 32 để xác định giá khởi điểm khi thoái vốn nhưng có nhiều cách nghĩ còn khác nhau. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để xử lý những vấn đề này.

Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Thị Lệ đề cập đến việc số doanh nghiệp thực hiện thoái vốn nhưng thực hiện chưa triệt để. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn của một số bộ, ngành, địa phương còn một số hạn chế, đặc biệt liên quan đến đất đai dẫn đến làm thất thoát vốn và tài sản của nhà nước. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết quan điểm khi tham mưu cho Chính phủ các biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Thành Công (đoàn Ninh Bình) cũng cho rằng, tình hình cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua cho thấy, công tác xử lý về đất đai gặp nhiều vướng mắc, trong đó có việc xác định thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất, phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhà nước có số lượng nhà, đất lớn nằm trên địa bàn, nhiều địa phương có lịch sử pháp lý đất đai phức tạp.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng báo cáo, giải trình về tính hợp lý của việc gắn phương án xử lý, sắp xếp nhà, đất vào quy trình cổ phần hóa, thoái vốn.

“Liệu đây có phải là một trong những nguyên nhân chính gây vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn hay không?”, đại biểu đặt câu hỏi và đề nghị Bộ trưởng đề xuất giải pháp cho vấn đề này.

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận, việc sắp xếp nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất là một trong những nút thắt của cổ phần hóa, doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai. Vừa qua, việc cổ phần hóa chậm cũng do khâu này.

Theo đó, khi trình phương án sắp xếp tài sản công, nhà cửa đất đai của doanh nghiệp Nhà nước, UBND các tỉnh được giao thẩm quyền phê duyệt phương án, nhưng việc này triển khai rất chậm.

Năm 2021, chỉ 18 doanh nghiệp được thoái vốn, cổ phần hoá được 4 đơn vị, tổng thu ngân sách hơn 4.000 tỷ đồng. Bộ trưởng Tài chính cho rằng cần hoàn thiện thêm khung pháp lý để đẩy nhanh vấn đề này.

Ngoài ra, theo Nghị định 32 của Chính phủ, tài sản doanh nghiệp gắn liền với đất thuê hàng năm thì không được tính vào giá trị doanh nghiệp, nhưng nộp tiền đất một lần thì lại được gắn vào giá trị doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, đây là lỗ hổng cần xử lý để không thất thoát đất đai khi chuyển sang cổ phần hoá doanh nghiệp.

Khẳng định việc tính giá đất không sát giá thị trường tạo ra thất thoát, tài sản nhà nước, chuyển sang tài sản tư nhân, Bộ trưởng Tài chính cho hay, giải pháp trong thời gian tới là việc chuyển mục đích sử dụng đất, doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.

“Kiên quyết thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm”, Bộ trưởng Tài chính nêu rõ.

Mỗi năm luân chuyển hàng chục nghìn cán bộ thuế, hải quan, kho bạc

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Bình Nguyên (đoàn Bình Thuận) về giải pháp đột phá của ngành tài chính trong luân chuyển cán bộ, nhất là với những lĩnh vực có thể nhạy cảm như thuế, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, cứ 5 năm, ngành Tài chính luân chuyển một lần và việc này đã được thực hiện mạnh. Ông khẳng định, một người không giữ vị trí quá 8 năm.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ đặt câu hỏi chất vấn tại phiên họp.

"Hàng năm, chúng tôi luân chuyển hàng chục nghìn cán bộ thuế, hải quan, kho bạc. Việc luân chuyển được thực hiện công bằng, minh bạch, tạo tính tự giác với các bộ ngành thuế, hải quan, kho bạc", Bộ trưởng Tài chính nêu rõ.

Vẫn theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, cuối mỗi năm, danh sách luân chuyển của năm sau sẽ được công khai. Cán bộ thuế, hải quan... luân chuyển từ địa phương này sang địa phương khác; cán bộ công chức luân chuyển trong cơ quan, từ phòng này sang phòng khác, vị trí này sang vị trí khác. Hiện ngành tài chính có 67.000 cán bộ, khi thực hiện luân chuyển không có đơn thư kiện cáo.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu về trách nhiệm của Bộ Tài chính khi để xảy ra những vi phạm trên thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng cơ quan này đã nỗ lực ngăn chặn, xử lý một số sai phạm, làm cho thị trường minh bạch hơn.

Đầu tháng 4, cơ quan này thanh tra các công ty kiểm toán độc lập của các công ty chứng khoán, từ đó phát hiện nhiều sai phạm, chuyển cơ quan điều tra 34 vụ, xử phạt hành chính 568 vụ, với số tiền hơn 29 tỷ đồng. Ông Phớc cho rằng đây cũng là bước làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán.

"Tuy nhiên, cán bộ Bộ Tài chính cũng có trách nhiệm trong việc này. Chúng tôi đã cách chức 2 cán bộ lãnh đạo, cảnh cáo 2 cán bộ, kiểm điểm nhiều người khác, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, Tổng giám đốc HOSE bị cách chức...", ông Phớc nói.

Bên cạnh đó, Bộ cũng rà soát đồng bộ từ Luật đến các Nghị định và văn bản hướng dẫn để tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường. Đối với các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính, sẽ tập trung rà soát để đề xuất sửa đổi các chính sách nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động của các công ty chứng khoán, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ, tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Đọc thêm