Tham gia Đoàn kiểm tra còn có Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Ngọc Anh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa. Về phía Bộ Tư pháp, có Bộ trưởng Lê Thành Long, các Thứ trưởng: Nguyễn Khánh Ngọc, Phan Chí Hiếu, Trần Tiến Dũng, Đặng Hoàng Oanh, nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Nguyễn Kim Tinh cùng lãnh đạo một số đơn vị, tổ chức đoàn thể thuộc Bộ.
Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho biết Ban Dân vận Trung ương và Ban Cán sự đảng Chính phủ đã ký kết và tích cực triển khai Chương trình phối hợp công tác nhằm thực hiện tốt hơn các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước và đã xác định năm 2018 là “Năm dân vận chính quyền”. Sau một thời gian triển khai thì Trung ương thành lập 3 đoàn kiểm tra tại một số bộ, ngành, địa phương, trong đó với các bộ thì đoàn sẽ làm việc với Bộ Tư pháp và Bộ Công Thương.
Toàn cảnh buổi làm việc
Về nội dung, theo bà Trương Thị Mai, đoàn kiểm tra sẽ nghe báo cáo các vấn đề liên quan đến nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước (tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thực thi); phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân; công tác cải cách hành chính, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan; việc thực hiện công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo…
Bà Trương Thị Mai đánh giá cao vai trò của Bộ Tư pháp trong việc tham gia vào một quá trình rất quan trọng là xây dựng pháp luật và muốn được hiểu thêm việc triển khai quy trình lấy ý kiến nhân dân vào quá trình hoạch định chính sách của Bộ Tư pháp. Bà đồng thời biểu dương Bộ Tư pháp đứng trong nhóm dẫn đầu về công tác cải cách hành chính. Qua theo dõi, bà Trương Thị Mai nhận thấy các chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp liên quan mật thiết đến đời sống chính trị, đến người dân như xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra văn bản, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, bổ trợ tư pháp, bồi thường nhà nước…
Vinh dự được đón Đoàn kiểm tra đến làm việc tại Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, đây cũng chính là cơ hội để Bộ báo cáo cụ thể với Đoàn về những việc đang triển khai. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, việc thực hiện “Năm dân vận chính quyền” 2018 đã được Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ Tư pháp quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc; nhiều văn bản chỉ đạo, cụ thể hóa, thể chế hóa được ban hành và tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả, đã tạo không khí dân chủ, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã thực hiện tốt nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” |
Công tác dân vận chính quyền và dân vận của tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện đồng bộ, phù hợp với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định. Các tổ chức chính trị, đoàn thể đã phát huy được vai trò tham gia quản lý cơ quan, đơn vị.
Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã thực hiện tốt nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; các đề xuất, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã được tiếp thu, giải đáp kịp thời, nhiều đề xuất, sáng kiến hợp lý đã được áp dụng vào thực tế, đem lại hiệu quả thiết thực.
Các Thứ trưởng Bộ Tư pháp (từ phải sang): Nguyễn Khánh Ngọc, Phan Chí Hiếu, Trần Tiến Dũng, Đặng Hoàng Oanh tại buổi làm việc
Ngoài ra, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, cùng với các cơ quan liên quan, Bộ Tư pháp đã tích cực tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội thể chế hóa những chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận thành các quy định trong Hiến pháp 2013, trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của Chính phủ, của các bộ, ngành và tổ chức theo dõi việc thi hành các văn bản đó trong thực tiễn.
Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện “Năm dân vận chính quyền” 2018 vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như việc phổ biến, quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức còn chậm; một số cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự quan tâm đến việc thực hiện các văn bản về công tác dân vận, nhất là việc thực hiện quyền giám sát của mình đối với việc thực hiện chế độ tài chính và các chế độ, chính sách khác liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Ý thức kỷ luật, tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình ở một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chưa cao; vẫn còn tình trạng đơn thư nặc danh, tin nhắn nặc danh. Các tổ chức chính trị - xã hội chưa có giải pháp mạnh mẽ để động viên, khích lệ thành viên của tổ chức mình tham gia ý kiến, đề xuất những giải pháp, biện pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý của cơ quan, đơn vị.
Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc
Trên cơ sở những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong thực hiện “Năm dân vận chính quyền” trong 9 tháng đầu năm 2018 cũng như bám sát các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ thì Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thực hiện “Năm dân vận chính quyền” thời gian tới.
Bộ cũng kiến nghị Ban Dân vận Trung ương có ý kiến với ban cán sự Đảng, cấp ủy các cấp tiếp tục quan tâm, ưu tiên đầu tư thích đáng cho công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thực thi pháp luật; thường xuyên chỉ đạo việc tổng kết, đánh giá để nhân rộng các mô hình hay trong công tác dân vận tại các cơ quan hành chính nhà nước các cấp…