Bộ Tư pháp làm việc với IDLO và UNIDROIT về Kế hoạch hợp tác 2017- 2018

(PLO) - Ngay sau khi tham dự Hội nghị thường niên các quốc gia thành viên của Tổ chức quốc tế về Luật Phát triển (IDLO) và ký Hiệp định gia nhập Tổ chức này, tại Rome, thủ đô Cộng hòa Italia, bà Đặng Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp Việt Nam đã có buổi làm việc với Tổng giám đốc Tổ chức IDLO để thảo luận về chương trình hợp tác cụ thể với Việt Nam và các nước khu vực ASEAN trong thời gian tới.
Bà Đặng Hoàng Oanh tại buổi gặp và làm việc với Tổng Thư ký UNIDROIT
Bà Đặng Hoàng Oanh tại buổi gặp và làm việc với Tổng Thư ký UNIDROIT

Cũng tại Rome, đồng thời với sự kiện gia nhập và làm việc với IDLO, Bà Đặng Hoàng Oanh đã kết hợp gặp và làm việc với Tổng Thư ký (người đứng đầu) Tổ chức quốc tế về Nhất thể hóa pháp luật tư (UNIDROIT), tham dự Hội nghị thường niên và các hội thảo của tổ chức này để tham khảo các kinh nghiệm quốc tế của UNIDROIT và bàn về phương hướng hợp tác trong thời gian tới với Việt Nam.

Làm việc với Tổng Giám đốc IDLO

Tại buổi làm việc với IDLO, bà Irene Khan, Tổng Giám đốc rất vui mừng khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của IDLO và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong khuôn khổ các lĩnh vực hoạt động của IDLO. Để triển khai các hoạt động, IDLO thực hiện các chương trình, dự án hợp tác thông qua các thỏa thuận hợp tác ký kết với các đối tác phát triển (như UNDP) để hỗ trợ các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước thành viên. Tại buổi làm việc, các đại diện của IDLO giới thiệu các hoạt động đã và đang triển khai tại các nước châu Á như: hoạt động hợp tác với Bộ Tư pháp Philippines trong lĩnh vực tư pháp hình sự, trong đó có đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tư pháp, đặc biệt là công tố viên mới, thanh tra viên (ombudsman); hợp tác với Indonesia trong lĩnh vực xây dựng pháp quyền, trong đó có các hoạt động tăng cường năng lực cho thẩm phán, nâng cao năng lực cán bộ trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em, phụ nữ, bảo vệ môi trường; hợp tác với Miama thông qua dự án 3 năm về bình đẳng giới v.v...

Bà Đặng Hoàng Oanh (phải) tại buổi làm việc với IDLO
Bà Đặng Hoàng Oanh (phải) tại buổi làm việc với IDLO

Bà Đặng Hoàng Oanh bày tỏ niềm vui và cảm ơn cá nhân bà Irene Khan và Hội đồng Điều hành IDLO đã hỗ trợ tích cực, hoàn thiện các thủ tục để Việt Nam chính thức trở thành thành viên của IDLO - tổ chức quốc tế liên Chính phủ có mục tiêu thúc đẩy pháp quyền và phát triển, hỗ trợ các nước trong xây dựng, cải cách thể chế, pháp luật, hỗ trợ thực hiện các hoạt động tư pháp, bảo đảm tiếp cận công lý và các cơ hội phát triển kinh tế cho người dân. Việt Nam nhận thức rất rõ việc trở thành thành viên chính thức của IDLO mang lại những cơ hội lớn nhưng cũng không ít thách thức cho Việt Nam; đồng thời thông báo cho IDLO biết tình hình triển khai chuẩn bị sau khi gia nhập. Trên cơ sở nhiệm vụ của Chính phủ giao Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối trong quan hệ với IDLO (Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về việc gia nhập IDLO), Bộ Tư pháp Việt Nam đã xây dựng kế hoạch tổng thể để chuẩn bị tốt cho việc thực hiện nghĩa vụ thành viên IDLO, trong đó có việc kiện toàn và nâng cao năng lực cho Bộ Tư pháp với vai trò là Cơ quan đầu mối Quốc gia; Xây dựng Kế hoạch đào tạo cán bộ, chuyên gia pháp lý và luật sư của Việt Nam trong khuôn khổ hoạt động hợp tác với IDLO, xây dựng các diễn đàn pháp luật về  IDLO tại Việt Nam và nhiều hoạt động phối hợp với các Bộ, ngành của Việt Nam, các cơ quan của Liên hợp quốc tại Việt Nam trong việc triển khai các hoạt động trong lĩnh vực IDLO quan tâm. Ngay sau Hội nghị, Bộ Tư pháp Việt Nam sẽ thực hiện các đợt tuyên truyền về việc gia nhập IDLO của Việt Nam cũng như phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch nêu trên.

 

Là một thành viên mới gia nhập, Việt Nam mong IDLO, cá nhân Bà Tổng Giám đốc và Hội đồng Điều hành, các nước thành viên giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ thành viên của Tổ chức, đặc biệt là trong việc đào tạo đội ngũ chuyên gia pháp lý của Việt Nam có trình độ và kinh nghiệm quốc tế; cử các chuyên gia có trình độ và kinh nghiệm đến Việt Nam để giảng các chủ đề thế mạnh của IDLO về pháp quyền, tiếp cận công lý, quyền của phụ nữ và trẻ em, về phát triển cộng đồng, phát triển bền vững và các cơ hội phát triển kinh tế. Đồng thời, bà Đặng Hoàng Oanh đề nghị IDLO, các cơ quan của IDLO và các nước thành viên hỗ trợ các hoạt động thông qua ký kết các Thỏa thuận hợp tác với Bộ Tư pháp Việt Nam, trên cơ sở đó sẽ xây dựng và thực hiện Kế hoạch hợp tác hàng năm do IDLO tài trợ, trong đó chú trọng hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực.

Là một nước thành viên, Việt Nam mong muốn luôn tham gia tích cực vào sự phát triển chung của IDLO, đề xuất sáng kiến thúc đẩy các hoạt động của IDLO trong các nước ASEAN. Với tư cách là Trưởng ASLOM Việt Nam trong ASEAN, Bà Đặng Hoàng Oanh được IDLO mong muốn và đề nghị là cầu nối thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước ASEAN, làm đầu mối trong các hoạt động của IDLO với ASEAN. Đại diện Việt Nam cũng đề xuất các giải pháp cụ thể để IDLO tiếp cận và hỗ trợ các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, Lào và Cam- pu-chia có những chương trình, dự án hợp tác cụ thể để thực hiện hiệu quả hơn  Mục tiêu Phát triển bền vững thứ 16 của Liên hợp quốc về xây dựng một nền hòa bình, bảo vệ công lý và xây dựng thể chế vững mạnh.

Bà Irene Khan ghi nhận những đề xuất của phía Việt Nam, cho biết IDLO sẽ xem xét, hỗ trợ trên cơ sở kết quả nguồn tài trợ sẽ được xác định tại Hội nghị các nhà tài trợ đầu năm 2017; đồng thời IDLO sẽ cử đại diện sang làm việc tại Việt Nam vào tháng 2/2017 để triển khai các hoạt động hợp tác với Việt Nam. Ngoài ra IDLO cũng sẽ quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ để cán bộ Việt Nam tham gia các chương trình nghiên cứu ngắn hạn do IDLO tổ chức (study tour) tại các nước nơi IDLO có trụ sở và các khóa đào tạo hàng năm tại Rome, Italy.

Làm việc với Tổng Thư ký UNIDROIT

Tại buổi làm việc với Tổng Thư ký UNIDROIT, ông José Angelo Estrella Faria,    bà Đặng Hoàng Oanh đã thông báo về việc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Đề án nghiên cứu khả năng gia nhập Viện quốc tế về nhất thể hóa pháp luật tư (UNIDROIT) (Công văn số 10668/VPCP-QHQT ngày 22/12/2015 của Văn phòng Chính phủ). Theo lộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến năm 2018 Việt Nam sẽ gia nhập UNIDROIT.

Để triển khai thực hiện Đề án, Bộ Tư pháp đang xây dựng để sớm ban hành “Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án nghiên cứu gia nhập Viện quốc tế nhất thể hóa pháp luật tư (UNIDROIT), giai đoạn 2016 - 2018” trong ngành Tư pháp. Trên cơ sở Kế hoạch này, Việt Nam sẽ triển khai thực hiện 6 nhóm hoạt động, bao gồm:

i) Tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các nội dung thuộc một số công ước quan trọng của UNIDROIT và thực hiện nghiên cứu, rà soát với các quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể trong các lĩnh vực: hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, thương mại, thừa kế, tài chính, chứng khoán; hàng không, thiết bị di động, văn hóa…


ii)  Tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu thông tin về UNIDROIT, bao gồm: Nghiên cứu, rà soát các Quy chế tổ chức và hoạt động, các nghị quyết, báo cáo công tác hàng năm của UNIDROIT; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hợp tác hàng năm với UNIDROIT và tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về quyền và nghĩa vụ thành viên UNIDROIT;

iii) Tuyên truyền, phổ biến về UNIDROIT trong Bộ, ngành Tư pháp như: Tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề giới thiệu về các nhóm Công ước của UNIDROIT; tuyên truyền, phổ biến về các kế hoạch, Đề án, các hoạt động của Việt Nam nhằm chuẩn bị việc gia nhập UNIDROIT và việc nghiên cứu gia nhập, thực thi các Công ước của UNIDROIT của Việt Nam;

iv) Cử cán bộ, công chức tham gia các hoạt động của UNIDROIT với tư cách là quan sát viên (như các hội nghị thường niên, các diễn đàn, hội nghị, hội thảo chuyên đề và một số hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp quốc tế);

v) Đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tư pháp quốc tế, hợp tác quốc tế và các công tác chuyên môn có liên quan đến tư pháp quốc tế. Để thực hiện, Bộ Tư pháp sẽ tiến hành: Xây dựng tài liệu về các quy định pháp luật của UNIDROIT; đưa các nội dung của UNIDROIT và các Công ước của Tổ chức này vào giáo trình luật quốc tế Trường Đại học Luật Hà Nội, các cơ sở đào tạo luật của Bộ; tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo, tọa đàm về tư pháp quốc tế do chuyên gia của UNIDROIT giảng dạy

v) Chuẩn bị cho việc gia nhập UNIDROIT; tăng cường hợp tác pháp luật và tư pháp với các quốc gia thành viên của UNIDROIT, các đối tác nước ngoài khác trong đó có EU, UN nhằm tranh thủ sự hợp tác của các nước thành viên, các tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ Việt Nam gia nhập UNIDROIT

Vui mừng về triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và UNIDROIT, Tổng Thư ký UNIDROIT José Angelo Estrella Faria dự kiến sẽ sang thăm và làm việc tại Việt Nam vào tháng 2/2017 (vào dịp Hội nghị thượng đỉnh APEC) để bàn về Kế hoạch hợp tác giữa hai Bên. Đồng thời, ông Tổng Thư ký cũng sẽ mời Việt Nam tham gia các hội thảo chuyên đề do UNIDROIT tổ chức (dự kiến tháng 3/2017, UNIDROIT sẽ tổ chức Hội nghị về Công ước Cape Town mà Việt Nam đã gia nhập) và các lớp tập huấn ngắn hạn do UNIDROIT tổ chức.

Nhân dịp này, Đoàn Việt Nam cũng đã tham dự với tư cách là quan sát viên Hội nghị thường niên của UNIDROIT, dự các hội thảo chuyên đề của Tổ chức này về Nghị định thư Luxembourg bổ sung Công ước về lợi ích quốc tế đối với trang thiết bị di động (Công ước Cape Town 2001) về các vấn đề đặc thù đối với đầu máy xe lửa (gọi tắt là Nghị định thư về đầu máy xe lửa (Nghị định thư Luxembourg) thông qua ngày 23/02/2007 và hiện nay chưa có hiệu lực thi hành. Hiện mới có Nghị định thư của Công ước về Quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động về các vấn đề đặc thù đối với trang thiết bị tàu bay (Protocol to the Convention on International Interests in Mobile Equipment on Matters Specific to Aircraft Equipment), thông qua tại Cape Town ngày 16/11/2001, có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 01/01/2015).

Hội thảo về Nghị định thư về đầu máy xe lửa có sự tham dự của đại diện các nước thành viên của UNIDROIT, các nước thành viên của Công ước Cape Town để thảo luận về các khía cạnh của Nghị định thư và các lợi ích của Nghị định thư này. Nghị định thư về đầu máy xe lửa có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt đối với các nước châu Âu trong điều kiện ngành đường sắt phát triển nhằm bảo đảm quyền tự do di chuyển của người dân giữa các nước, đồng thời mở rộng và phát triển các thị trường. Theo ước tính, tại các nước châu Âu, ngành đường sắt phải đầu tư khoảng 24 triệu Euro mỗi năm, thậm chí còn nhiều hơn để sản xuât đầu máy xe lửa, trong khi các chính phủ không thể luôn đáp ứng nhu cầu vốn này, chưa nói tới việc tăng đầu tư. Không có hỗ trợ tín dụng của nhà nước, các quỹ tư nhân trong lĩnh vực thiết bị đường sắt sẽ yêu cầu phải có bảo lãnh bảo đảm tín dụng thông qua các khoản vay hoặc cho thuê tài chính sẽ được hoàn trả và quyền sở hữu của họ sẽ được bảo đảm ngay cả khi tài sản thế chấp của họ dịch chuyển giữa các quốc gia. Trên cơ sở đó, bên cho vay sẽ tịch biên tài sản nếu xảy ra tình trạng vỡ nợ hoặc không trả nợ. Tuy nhiên, chưa có hệ thống đăng ký quốc tế để bảo đảm tài sản thế chấp của họ cũng như hệ thống đăng ký tài sản trong nước nhằm ưu tiên bảo vệ quyền lợi của bên cho vay. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tháng 2/2007, tại Hội nghị ngoại giao ở Luxembourg do UNDROIT và OTIF đồng tài trợ với sự tham gia của 42 quốc gia và 12 tổ chức quốc tế, Nghị định thư Luxembourg bổ sung Công ước về lợi ích quốc tế đối với trang thiết bị di động về các vấn đề đặc thù đối với đầu máy xe lửa đã được thông qua, tạo khuôn khổ pháp lý quốc tế mới để công nhận và bảo đảm quyền lợi bảo lãnh cho bên cho vay, cho thuê và bên bán hàng theo các thỏa thuận bán hàng có điều kiện, trong đó mỗi bên sẽ được bảo lãnh bằng đầu máy xe lửa. Nghị định thư áp dụng đối với tất cả các loại đầu máy xe lửa (từ tài hỏa cao tốc tới tàu điện) và xây dựng hệ thống đăng ký quốc tế và dành ưu tiên cho các bên được bảo lãnh tiếp cận 24/7 cơ sở dữ liệu đăng ký thông qua internet, cho phép các bên đăng ký lợi ích và tạo điều kiện cho những bên cho vay tiềm năng có thể kiểm tra bát kỳ thiết bị đang được tài trợ vốn đã thuộc diện bảo lãnh. Nghị định thư cũng sẽ tạo hệ thống tịch biên tài sản thống nhất khi xảy ra vỡ nợ hoặc không trả nợ theo các quy định về bảo vệ lợi ích công. Nghị định thư còn hỗ trợ việc huy động vốn trong nước, đồng thời, nhở giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tài chính tài trợ thiết bị đường sắt, Nghị định thư sẽ thu hút thêm nhiều tổ chức tín dụng tư nhân tham gia thị trường, tạo nguồn vốn rẻ hơn, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn, mở rộng quy mô sản xuất đầu máy xe lửa, các hợp đồng cho thuê đầu máy, tạo nên sự phát triển năng động trong ngành đường sắt.

Mặc dù Việt Nam chưa gia nhập UNIDROIT và Nghị định thư về đầu máy xe lửa, Nghị định thư nêu trên vẫn có ý nghĩa tham khảo quan trọng đối với Việt Nam trong việc thực hiện chiến lược phát triến ngành đường sắt và thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Việc ngay sau khi gia nhập, Việt Nam đã rất tích cực triển khai các cuộc làm việc cụ thể và hiệu quả với IDLO về Kế hoạch hợp tác cụ thể với Việt Nam và ASEAN trong thời gian tới; tranh thủ kết hợp làm việc thêm với một tổ chức pháp lý nổi tiếng khác tại Rome - UNIDROIT – để tìm hiểu thêm về khả năng và lộ trình cụ thể gia nhập của Việt Nam, đề xuất chương trình hợp tác của Việt Nam với Tổ chức này… thể hiện sự tích cực, chủ động và đầy trách nhiệm của một nước thành viên trẻ trong việc hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, góp phần xứng đáng vào các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy pháp quyền và phát triển, bảo đảm tiếp cận công lý và các cơ hội phát triển kinh tế cho người dân….

Đọc thêm