Anh con rể giản dị và không bao giờ tỏ phong thái ngôi sao
Hai ngày sau chiến thắng lịch sử của đội tuyển Việt Nam, những niềm vui vẫn còn dư âm trong mỗi trái tim người Việt, đặc biệt là người thân của những anh hùng đã tạo nên kỳ tích. Mặc dù không thể có mặt tại sân Mỹ Đình để theo dõi trực tiếp trận chung kết, nhưng ông Lê Quang Đạt (bố vợ của cầu thủ Anh Đức) vẫn luôn dõi theo từng bước chân của chàng con rể.
"Cả gia đình đều ra Hà Nội để làm hậu phương tinh thần cho con, vì trận đấu này rất quan trọng, sẽ vô cùng áp lực, nên gia đình chú nghĩ Anh Đức cần có người thân bên cạnh. Tuy nhiên vì công việc kinh doanh khá bận rộn nên chú không thể thu xếp đi cùng mọi người ra Hà Nội", ông Đạt tiếc nuối chia sẻ.
Cũng như hàng triệu cổ động viên Việt Nam, ông Đạt đã vỡ oà khi Anh Đức ghi bàn trong trận đấu quyết định. Ông bảo: "Có rất nhiều cảm xúc lẫn lộn, khó có thể tả thành lời, nhưng tựu chung đó là hạnh phúc, hạnh phúc hoà chung với niềm vui của cả dân tộc".
Hãnh diện về cậu con rể, ông Đạt cho biết trước đây ông từng lo lắng khi con gái của mình kết hôn với một cầu thủ. "Cha mẹ nào mà không muốn con mình hạnh phúc, cầu thủ thì phải đi xa nhiều, lại tiếp xúc với nhiều người, nhưng khi hiểu được tính tình của con rể tôi lại vô cùng yên tâm", ông Đạt tâm sự.
Với ông Đạt và rất nhiều nhân viên khác trong quán cơm của gia đình, Anh Đức ở trên sân bóng hay ở ngoài đời thường đều rất giản dị. Anh rất gần gũi mới mọi người và không bao giờ cố tỏ phong thái ngôi sao, chính vì vậy ai nấy đều quý mến.
Ông Đạt kể: "Đêm sau khi chiến thắng chú hiểu là con rất bận rộn, nên không gọi điện để hỏi thăm tình hình. Nhưng sáng hôm sang vừa rảnh được một chút là Anh Đức nó gọi về cho chú để chia sẻ niềm vui. Với chú như vậy là đủ".
"Đôi khi chỉ vì nó thích được đá bóng, chứ không hẳn vì một sự nghiệp"
Khi nhắc về câu chuyện của những đồng đội của Anh Đức - lứa cầu thủ vàng của Việt Nam 10 năm về trước, có Phạm Văn Quyến, Phan Thanh Bình, Lê Công Vinh... từng người từng người chạm đến vinh quang của sự nghiệp, nhưng Anh Đức vẫn mãi chìm trong lãng quên, ông Đạt mỉm cười: "Mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Ngay cả bàn tay 10 ngón cũng không ngón nào giống ngón nào. Vậy nên mỗi cầu thủ đều có điểm mạnh, yếu khác nhau. bản thân chú là người thân của Anh Đức, đôi khi ý kiến sẽ hơi chủ quan nhưng với chú, Anh Đức là một cầu thủ kiên trì với đam mê. Đôi khi đó chỉ là vì nó thích được đá bóng, chứ không hẳn là vì một sự nghiệp".
Trong khoảng thời gian hơn một thập kỷ sự nghiệp của Anh Đức gần như chẳng có gì. Hoặc là ngồi ghế dự bị hoặc trở thành "người tàng hình" trên sân cỏ. Đỉnh điểm của sự thất vọng là vào mùa giả AFF Cup 2010, khi Anh Đức cùng đồng đội đã thất bại trước Malaysia tại bán kết. Cũng từ sau mùa giải đó người ta không còn thấy Anh Đức trong màu áo của đội tuyển Việt Nam.
"Dẫu vậy nó vẫn rất vững tâm, nghị lực với đam mê của mình. Anh Đức không sa vào những cuộc ăn chơi, mà chú tâm vào tập luyện hàng ngày trên sân cỏ, chăm sóc cho gia đình và công việc kinh doanh. Thời gian rảnh thì đi chơi bóng chuyền hoặc tennis", ông Đạt kể.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống về thể thao, bố ruột của cầu thủ Anh Đức trước đây cũng từng có một thời gian thi đấu bóng đá, thế nên ngày từ nhỏ anh chàng đã được định hướng rõ ràng. Bởi vậy chàng cầu thủ này luôn chuyên tâm tập luyện và nghiêm túc với đam mê của bản thân.
Để rồi sau 10 năm, khi Văn Quyến không thoát nỗi bóng đen của sự nghiệp, Thanh Bình chìm vào lãng quên, Công Vinh từ giả sân cỏ, thì Anh Đức đã toả sáng trở thành anh hùng của hàng triệu người hâm mộ Việt Nam tại AFF Cup 2018.
Ông Đạt tâm sự: "Chú rất tự hào khi có một người con tài giỏi như Anh Đức. Nhưng chú cũng hiểu rằng chẳng có thứ gì tồn tại mãi mãi. Vinh quang nó đến trong một thời điểm nào đó, rồi sẽ qua, người ta rồi sẽ quên đi Anh Đức là ai, quên cầu thủ nào đã ghi bàn thắng trong trận chung kết, nhưng quan trọng là chúng ta hạnh phúc vì đã đạt được những thành quả tốt sau những tháng ngày không ngừng cố gắng".