Theo PGS. TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, vi rút cúm có 3 typ là A, B, C, trong đó cúm typ A là typ thường xuyên có sự biến đổi và có thể tạo thành các chủng vi rút có độc lực cao, sự lây truyền rộng rãi nên ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân. Với 16 loại kháng nguyên H và 9 loại kháng nguyên N, vi rút cúm A có thể có nhiều loại phân typ cúm (có thể tới 144 loại) như: H1N1, H2N2, H3N2, H5N1, H7N9, H5N6, H9N2, H5N2, H5N3, và H5N8…
“Trên thế giới, một số phân typ cúm A đã gây nên các đại dịch cúm như H2N2, H3N8, H3N2, H1N1... Trong một vài năm trở lại đây trên thế giới đã ghi nhận sự xuất hiện và tái bùng phát của nhiều chủng cúm mới như: H5N1, H7N9, H5H6, H9N2, H5N2, H5N3, và H5N8.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, đặc tính biến đổi thường xuyên của các chủng vi rút cúm là rất đáng quan tâm, các gen của vi rút cúm có thể tái tổ hợp để tạo thành các chủng vi rút cúm đe dọa cho sức khỏe con người”- PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, đặc biệt, từ năm 2013 tại Trung Quốc đã ghi nhận chủng vi rút cúm A(H7N9) làm mắc khoảng 1.600 người, trong đó có hơn 600 trường hợp tử vong. Tại Mỹ, các trường hợp ghi nhận cúm mùa bắt đầu ghi nhận tăng từ các tháng cuối năm 2017 và đầu 2018, đến nay đã có khoảng 11.965 trường hợp xác định cúm được báo cáo từ bệnh viện.
Chưa phát hiện chủng vi rút cúm mới tại Việt Nam
Cục trưởng Trần Đắc Phu cho hay, nước ta nằm trong điểm nóng của khu vực Đông Nam Á, nơi có nhiều giao lưu, đi lại, thương mại với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, vì vậy có nhiều nguy cơ lây lan các chủng vi rút cúm từ các nơi khác trên thế giới vào Việt Nam. Tại Việt Nam, vi rút cúm A(H5N1) bắt đầu ghi nhận vào tháng 12/2003 trên các đàn gia cầm và ở người đã tạo nên các đợt dịch cúm gia cầm và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như gây thiệt hại lớn đến chăn nuôi của người dân.
Mặc dù tại Trung Quốc đã ghi nhận nhiều trường hợp cúm A(H7N9) với 5 đỉnh dịch xảy ra vào các tháng cuối năm và dịp Tết nguyên đán, song nước ta qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm vẫn chưa ghi nhận trường hợp cúm A(H7N9) kể cả trên người và trên gia cầm. Nước ta cũng chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H5N6) ở người, cũng như chưa ghi nhận các ổ dịch cúm A(H5N8), cúm A(H5N2) trên cả gia cầm và người.
Để chủ động giám sát sự lưu hành và biến đổi của các chủng vi rút cúm ở nước ta, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia và đã thiết lập hai Trung tâm cúm quốc gia tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh. Đến nay hai Trung tâm cúm quốc gia này đều có khả năng xét nghiệm phát hiện các chủng vi rút cúm, kể cả chủng vi rút cúm có độc lực cao.
"Hiện chưa phát hiện thấy chủng vi rút cúm mới cũng như sự đột biến làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng vi rút cúm lưu hành trên người tại Việt Nam và cũng chưa phát hiện thấy các chủng vi rút mới (lạ) nào tại Việt Nam"-Cục trưởng Trần Đắc Phu khẳng định.
Thêm vào đó, để chủ động giám sát các chủng vi rút cúm A(H7N9) có nguy cơ xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp với USAID, WHO, FAO tổ chức giám sát lấy mẫu bệnh phẩm trên gia cầm và ở người tại một số tỉnh có nguy cơ cao, nơi tập trung buôn bán gia cầm, kết quả giám sát từ năm 2013 đến nay chưa phát hiện chủng vi rút cúm A(H7N9) cả trên gia cầm và ở người.