Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia dự báo, trong thời gian tới có nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng. Nắng nóng tiếp tục xảy ra, đặc biệt tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, số ngày nắng nóng xảy ra nhiều hơn trung bình nhiều năm và gay gắt hơn so với cùng kỳ năm 2022.
Bão số 1 đang đổ bộ miền Bắc nước ta có cường độ lớn nhất trong 3-5 năm trở lại đây, gây mưa rất lớn từ đêm nay (18/7) đến ngày 20/7... Bão số 1 cũng có thể gây nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng.
Hôm nay, bão số 1 sẽ vào vùng ven biển tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 12, mỗi giờ đi được 15-20km.
Theo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, bão lụt và các thay đổi bất thường về thời tiết là những điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, do đó dễ dẫn đến tình trạng ô nhiễm thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm thường gặp sau bão lụt, thiên tai như: Vibrio cholerae bệnh tả, Salmonella gây thương hàn, Shigella gây lỵ trực trùng, Bacillus anthracis gây bệnh than, bệnh tiêu chảy do virus (Rotavirus, Enterovirus...), viêm gan A, E...
Những ảnh hưởng của bão lụt đến thực phẩm có thể kể đến như: Nguồn cung cấp thực phẩm tươi, sạch, an toàn bị ách tắc do phương tiện vận chuyển bị hạn chế; Lương thực, thực phẩm gặp thời tiết mưa ẩm dễ bị ôi, thiu, mốc, hỏng, sinh độc tố có thể gây ngộ độc thực phẩm; Nguồn nước có thể bị ô nhiễm nặng dẫn đến ô nhiễm thực phẩm và nước uống dùng để chế biến thức ăn...
Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian mưa bão, ngay từ đầu tháng 6/2023, Cục An toàn thực phẩm có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành khẩn trương xây dựng kế hoạch công tác bảo đảm an toàn thực phẩm mùa hè và mùa bão, lụt trên địa bàn quản lý. Tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm… Phát hiện sớm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định.
Các đơn vị tăng cường thông tin, tuyên truyền kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm như: Hướng dẫn người dân lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn. Đối với các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão, lụt cao cần theo dõi các dự báo, diễn biến tình hình bão, lụt trên địa bàn và chủ động kế hoạch dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, thuốc men, các hoá chất sát khuẩn của ngành y tế.
Đồng thời cần tuyên truyền để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Thực hiện ăn chín, uống chín, nước sử dụng để ăn uống, chế biến thực phẩm phải khử trùng, đặc biệt là trong thời gian bão, lụt xảy ra.
Phổ biến các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố tại các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu chế xuất… Tăng cường công tác phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên và ngộ độc do Clostridium botulinum.
Phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt nhằm đảm bảo không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng đến tay người dân...