Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền. Bệnh lưu hành quanh năm và gây dịch trong mùa Hè, thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi.
Đặc biệt, trên con lợn và chim là những ổ chứa virus viêm não Nhật Bản. Muỗi là trung gian truyền bệnh hút máu động vật có chứa virus rồi truyền cho người khi đốt. Muỗi thường đẻ trứng ở ruộng, kênh, mương và hay trú đậu ở các chuồng gia súc (lợn, trâu bò). Muỗi hoạt động cả ngày lẫn đêm, nhưng hoạt động mạnh từ 18-22 giờ.
Người mắc bệnh viêm não Nhật Bản có biểu hiện chính là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương như: Sốt cao từ 38-39 độ C, nhức đầu, buồn nôn và nôn.
Trẻ có các dấu hiệu như mất ngủ quấy khóc, vật vã mê sảng hoặc ly bì, co giật, tăng trương lực cơ, rối loạn thần kinh thực vật (da lúc đỏ lúc xám, vã mồ hôi, mạch nhanh).
Để phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, nên dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.
Các gia đình khi đi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi trong các hộ gia đình, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt.
Với trẻ nhỏ cần tiêm vắcxin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tiêm chủng với 3 liều cơ bản: Mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần, mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Các chuyên gia về dịch tế khuyến cáo, người dân khi thấy có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời./.