Trong 2 ngày 24-25/9, tại trường THPT Hoàng Văn Thụ, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn đã diễn ra lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, an toàn trong trường học.
Tham gia lớp bồi dưỡng tập huấn là 263 cán bộ, giáo viên được chia thành 2 lớp cụ thể: Lớp 1 có 165 người đến từ 11 phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) các Huyện, Thành phố; mỗi phòng GDĐT cử 15 người tham dự bao gồm 01 chuyên viên của phòng GDĐT, 14 cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục phụ trách phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc” và công tác đảm bảo an toàn trường học.
Lớp 2 có 98 người đến từ Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn, các đơn vị trực thuộc, các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên: mỗi đơn vị cử 02 người bao gồm 01 cán bộ quản lý và 01 giáo viên phụ trách phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc” và công tác đảm bảo an toàn trường học.
|
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn Hà Thị Khánh Vân phát biểu tại buổi tập huấn |
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn Hà Thị Khánh Vân chia sẻ: Thời gian gần đây trên phạm vi toàn quốc có nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, những tai nạn gây thương tích trong cuộc sống hàng ngày, những sự việc đau lòng từ các vụ đuối nước của trẻ nhỏ, nhất là độ tuổi học sinh.
Điều đó sẽ được hạn chế đi rất nhiều nếu mỗi bản thân chúng ta trang bị cho mình một kiến thức về cách phòng, chống và xử lý tình huống tai nạn thương tích gặp phải. Cho nên muốn xây dựng một phong trào “Trường học an toàn, trường học hạnh phúc”, thì cần triển khai các buổi tập huấn đào tạo kiến thức và kĩ năng cho không chỉ các giáo viên mà còn phải cho các em học sinh.
Chính vì vậy mà Sở GDĐT tỉnh Lạng Sơn đã lên kế hoạch và phối hợp với Công ty cổ phần Giáo dục Khoa học An Toàn Việt Nam tổ chức buổi tập huấn ý nghĩa này.
|
Trong quá trình tập huấn, các học viên được giảng viên giới thiệu, phổ biến kiến thức cũng như cho xem các tài liệu video về các tình huống về tai nạn xảy ra với con người đặc biệt là với các bạn trong độ tuổi học sinh. Với nhiều tình huống thiết thực thường gặp trong thực tế như: xử lý đúng chọn chỗ tắm khi đi biển, quy trình sơ cấp cứu tại chỗ trong các trường hợp đuối nước, điện giật, bỏng, hóc dị vật và các trường hợp nạn nhân ngưng tim ngưng thở, xử lý khi gặp lũ lụt đổ về bất chợt, xử lý tình huống khi xảy ra hỏa hoạn ở các địa điểm, môi trường khác nhau,...
|
|
Mỗi tình huống giảng viên đều đưa ra các câu hỏi và yêu cầu học viên phải trả lời theo hiểu biết của bản thân, sau đó sẽ phân tích những sai sót và đưa ra những luận điểm đúng mà các chuyên gia về an toàn tai nạn thương tích đúc kết lại, để các học viên hiểu rõ và đúng hơn trong cách xử lý các tình huống. Qua đó, các học viên được nâng cao trình độ nghiệp vụ xử lý tình huống, kĩ năng sinh tồn để có thể về chia sẻ lại với các đồng nghiệp, học sinh của mình để trang bị cho những người xung quanh kiến thức, kĩ năng cần thiết trong cuộc sống.
|
Bà Đinh Thị Kim Ngân, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần giáo dục khoa học an toàn Việt Nam chia sẻ: Hiện nay, rất nhiều người trong chúng ta vẫn còn hiểu sơ sài hoặc chưa biết đúng cách để xử lý những tình huống tai nạn gặp phải trong cuộc sống.
Nếu mỗi chúng ta có một phần kiến thức và hiểu biết đúng về các cách phòng, chống và xử lý tình huống thì nếu gặp phải trường hợp bất trắc xảy ra trong cuộc sống thì chính chúng ta đã cho chúng ta hay những người xung quanh thêm được một cơ hội sống cao hơn.
Chính vì lẽ đó, Công ty cổ phần Giáo dục Khoa học An toàn Việt Nam tự đặt cho mình một trọng trách phải hỗ trợ củng cố kiến thức về an toàn tai nạn thương tích cho cộng đồng để cùng nhau có một cuộc sống an toàn và hạnh phúc hơn.
|
|
Các học viên thực hành thoát khỏi đám cháy và cách tự dập lửa bảo vệ bản thân |
Tiếp đó, các học viên được thực hành trực tiếp những bài tập trong chương trình tập huấn như: thoát khỏi đám cháy, khỏi giả định trong lớp học; khả năng ứng biến thoát khỏi đám cháy và tự dập lửa; cách thoát khỏi nhà cao tầng bằng dây thừng, cách tự nổi trên mặt nước, sơ cấp cứu ban đầu cho người bị tai nạn,...
Trong quá trình thực hành, các học viên đều tham gia hào hứng và tuân thủ theo hướng dẫn của giảng viên nên đều vượt qua các bài kiểm tra mà giáo trình đề ra.
|
Học viên thực hiện động tác thoát hiểm bằng dây hạ chậm |
|
Giảng viên Phạm Quốc Đạt hướng dẫn cách tự nổi cho người chưa biết bơi |
Kết thúc khóa tập huấn ngắn ngày, các học viên ngành giáo dục đã có thêm cho bản thân một trải nghiệm đáng nhớ và điều đáng kể nhất là đã tự trang bị cho mình một kiến thức về khả năng phòng, chống tai nạn thương tích một cách hiệu quả.
Hy vọng với những gì tiếp thu được trong khóa học, các cán bộ, giáo viên sẽ chia sẻ và giúp ích được cho những người xung quanh và nhất là truyền đạt lại được cho các em học sinh thân yêu, những chủ nhân tương lai của đất nước. Đây cũng là tâm nguyện cũng như nhiệm vụ chính trị mà ngành giáo dục tỉnh Lạng Sơn hướng đến, ngôi trường hạnh phúc và an toàn.