Bồi dưỡng văn hoá ứng xử trên mạng xã hội cho sĩ quan trẻ

(PLVN) -  Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích nhưng không phải ai cũng sử dụng mạng xã hội có văn hóa và trách nhiệm. Trong điều kiện đó, sĩ quan trẻ với vai trò là người trực tiếp quản lý, huấn luyện, rèn luyện bộ đội, cần phải thực sự mẫu mực, vững vàng tư tưởng, nhạy bén chính trị, ứng xử có văn hoá và có trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội.
Bồi dưỡng văn hoá ứng xử trên mạng xã hội cho sĩ quan trẻ

Lan toả những điều tốt đẹp

Dạo quanh một vòng mạng xã hội, không khó bắt gặp những tin, bài, hình ảnh, video về hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị, các hoạt động gắn kết tình quân dân, các tấm gương quân nhân vượt khó vươn lên. Không ít bài viết ca ngợi những cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang đã hi sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ, giúp dân phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Phía dưới là hàng chục nghìn lượt tương tác, bình luận, chia sẻ thể hiện sự kính trọng và khâm phục đối với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

Trong quá trình theo dõi, chỉ đạo hoạt động tuyên truyền trên không gian mạng của đơn vị, Đại tá - TS Lê Khắc Huy, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 4 đã rất quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa ứng xử cho sĩ quan trẻ khi sử dụng mạng xã hội.

Một buổi bồi dưỡng kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho sĩ quan của Sư đoàn 309, Quân đoàn 4.

Một buổi bồi dưỡng kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho sĩ quan của Sư đoàn 309, Quân đoàn 4.

Đồng chí cho biết: “Sĩ quan trẻ với tư cách là một người dùng mạng xã hội cần có thái độ tôn trọng người khác, biết quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, thông cảm. Mọi lời nhận xét, bình luận phải khách quan và tế nhị, tỏ thái độ, cảm xúc phù hợp, không nói xấu, a dua nhằm hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người khác; chia sẻ, lan toả những điều tốt đẹp trong xã hội, nhân lên gương người tốt, việc tốt vì cộng đồng. Điều này sẽ làm cho mọi người và ngay cả sĩ quan trẻ có thêm cảm hứng sống đẹp, động lực phấn đấu để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Thượng úy Nguyễn Hải Hùng, cán bộ Phòng Chính trị, Sư đoàn 309, Quân đoàn 4 bày tỏ quan điểm: “Thực tế có một bộ phận không nhỏ người trẻ trên trang cá nhân của mình chỉ đăng tải, chia sẻ các bài viết giật tít, câu view (lượt xem), các sự việc tiêu cực trong xã hội hay là hoạt động của các ngôi sao trong làng giải trí. Đó là biểu hiện của sự thiên lệch trong tiếp cận, chia sẻ thông tin, thậm chí là thờ ơ trước thời cuộc, những thành tựu đáng tự hào của đất nước, những cử chỉ, hành động đẹp, nhân văn trong xã hội”.

Nhiều đồng chí khác cũng cùng chung quan điểm, sẽ là rất phản văn hoá nếu trên mạng xã hội chỉ toàn là những ngôn từ tranh cãi tục tĩu, bình luận mang tính xúc phạm, phân biệt vùng miền, bài xích nhau theo kiểu “quan toà mạng”, “anh hùng bàn phím”. Các cơ quan chức năng cần xử lý những hành động như thế.

“Miễn nhiễm” trước những thông tin độc hại

Có thể nói, mạng xã hội như một kho tàng thông tin đồ sộ. Nếu đội ngũ sĩ quan trẻ biết tận dụng, “gạn lọc khơi trong” thì sẽ có thể tự làm phong phú thêm đời sống tinh thần, mở rộng tầm nhìn và nâng cao trí tuệ. Thế nhưng, với số lượng người sử dụng top đầu thế giới, tập trung từ độ tuổi 18 – 34, mạng xã hội ở nước ta cũng là nơi dễ dàng bị kẻ xấu dùng làm công cụ, phương tiện để truyền bá những tư tưởng lệch lạc, suy đồi, xấu độc, trực diện chống phá chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội ta. Đã không ít người trẻ nhẹ dạ tin vào những nội dung ấy đến mức “tự diễn biến” trong tư tưởng, hoang mang, mất niềm tin, lệch lạc trong hành động.

“Sĩ quan trẻ trong Quân đội được đào tạo cơ bản trong các học viện, nhà trường, bản lĩnh chính trị được tôi luyện thường xuyên qua học tập, rèn luyện và thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên tuổi đời, tuổi quân còn ít, lập trường tư tưởng chưa có nhiều dịp được rèn giũa, kỹ năng kiểm soát cảm xúc cá nhân còn hạn chế… nên vẫn có nguy cơ bị mắc bẫy các thủ đoạn tinh vi của kẻ xấu. Chính vì vậy, sĩ quan trẻ nhất thiết cần phải trau dồi, bồi đắp nội lực “văn hoá” đủ mạnh để “miễn nhiễm” trước những thông tin xấu độc, xuyên tạc, gieo rắc tư tưởng, lối sống lệch lạc”, Đại tá - TS Lê Khắc Huy cho biết thêm.

Để làm được điều đó, theo Đại tá Hoàng Đắc Nhất, Trưởng phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Quân đoàn 4, trước hết, mỗi sĩ quan trẻ phải tích cực, tự giác học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ về mọi mặt; trên cơ sở đó, biết nhận định, đánh giá chính xác bản chất hiện tượng chính trị - xã hội đang xảy ra. Đồng thời, sĩ quan trẻ cần phải nắm chắc các quy định của pháp luật về an toàn, an ninh mạng, quy định của đơn vị về phát ngôn, lan truyền và bảo mật thông tin trên internet.

Chiến sĩ trẻ và buổi rèn luyện bồi dưỡng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội

Chiến sĩ trẻ và buổi rèn luyện bồi dưỡng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội

“Khi đã trang bị cho mình một nền kiến thức nhất định, sĩ quan trẻ sẽ có khả năng nhận diện, phân loại các thông tin thật – giả, đúng – sai, tốt – xấu, tự định hướng tư tưởng trước những tác động đa chiều của mạng xã hội; không dễ bị tin giả lừa bịp, không dễ bị ảnh hưởng bởi những trào lưu không lành mạnh, mê tín dị đoan, không dễ bị sập bẫy các chiêu thức lừa đảo trên mạng xã hội”, Đại tá Hoàng Đắc Nhất chia sẻ.

Tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, sĩ quan trẻ có thể lựa chọn các cách thức đấu tranh phù hợp như bình luận phân tích rõ đúng – sai, báo cáo bài viết vi phạm đến nhà mạng, cảnh báo mọi người xung quanh về bản chất độc hại của trang mạng hoặc “phủ xanh” mạng xã hội bằng những nội dung tích cực, truyền cảm hứng theo phương châm “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.

Bồi dưỡng kỹ năng sử dụng mạng xã hội

Những năm qua, nhiều đơn vị trong toàn quân, trong đó có Quân đoàn 4 đã xây dựng, hoàn chỉnh bộ quy tắc ứng xử của quân nhân khi sử dụng internet, mạng xã hội; cung cấp cho quân nhân những kỹ năng cơ bản trong việc tạo lập, khai thác, sử dụng an toàn mạng xã hội, không vi phạm các quy định của Quân đội về bảo vệ bí mật quân sự và các nguyên tắc ứng xử chung của cộng đồng. Bên cạnh đó, người chỉ huy, cơ quan chức năng đã kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở, xử lý, ngăn chặn những hành vi tán phát các thông tin, hình ảnh có nội dung tiêu cực, phản cảm và các biểu hiện lơ là mất cảnh giác khi tham gia mạng xã hội.

Theo Thượng úy Lê Văn Quý - Quân đoàn 4, sĩ quan trẻ không nên dành quá nhiều thời gian “lướt” mạng xã hội mà xao nhãng việc thực hiện nhiệm vụ, không dành đủ thời gian để giao tiếp trực tiếp với các mối quan hệ xã hội và trong tập thể quân nhân. Thượng úy Quý cho biết: “Thực tế cho thấy, môi trường văn hóa trong đơn vị tốt đẹp, lành mạnh, phong phú sẽ là nhân tố thuận lợi để giáo dục, bồi dưỡng, phát triển nhân cách người quân nhân cách mạng; giúp “kéo” sĩ quan trẻ ra khỏi nguy cơ bị “nghiện” mạng xã hội, giúp họ giải toả tâm lý căng thẳng, áp lực trong công việc, hình thành tư tưởng yêu mến, gắn bó với đơn vị, đồng chí, đồng đội. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy sĩ quan trẻ rèn luyện, vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh còn là bức tường thành vững chắc vô hiệu hóa sự tấn công của những yếu tố phản văn hóa, bảo vệ “trận địa” tư tưởng văn hóa của Đảng trên không gian mạng. Với tư cách là người cán bộ của Đảng, sĩ quan trẻ cần phải được giáo dục, xây dựng tính chiến đấu nhằm góp phần phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Các cơ quan chuyên môn cần thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng cho sĩ quan trẻ kỹ năng viết bình luận, bài viết ngắn với những lý lẽ, lập luận thuyết phục; tuỳ vào đặc thù chức trách, nhiệm vụ của từng sĩ quan trẻ để có mức độ, tần suất, cách thức đấu tranh phù hợp, an toàn.

Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích nhưng không phải ai cũng sử dụng mạng xã hội có văn hóa và trách nhiệm. Trong điều kiện đó, sĩ quan trẻ với vai trò là người trực tiếp quản lý, huấn luyện, rèn luyện bộ đội, cần phải thực sự mẫu mực, vững vàng tư tưởng, nhạy bén chính trị, ứng xử có văn hoá và có trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội. Đó là tấm gương phản chiếu quá trình hoàn thiện phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành lạnh, tích cực, lạc quan; là hành động thiết thực chung tay đầy lùi các trào lưu, tư tưởng, âm mưu xấu độc trên mạng xã hội của đội ngũ sĩ quan trẻ.

Đọc thêm