Bối rối dạy học, thay đổi môn học lớp 10

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chương trình mới lớp 10 đã triển khai được hơn 3 tháng nhưng đến nay cả thầy lẫn trò đều lúng túng khi thay đổi hoàn toàn cách dạy và học lâu nay. Hiện tại nhiều địa phương, các nhà trường đều đang bối rối khi nhiều học sinh muốn chuyển môn học…
Bối rối dạy học, thay đổi môn học lớp 10

Thầy trò thay đổi không dễ dàng

Học sinh (HS) lớp 10 năm học 2022 - 2023 là lứa HS hoàn thành bậc THCS theo chương trình cũ nhưng lại bắt đầu cấp học mới với chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 lần đầu tiên áp dụng nên cả thầy lẫn trò đều lúng túng. Bởi vì thầy cô phải thay đổi cách dạy. Ở chương trình cũ, thầy cô vào kiến thức mới ngay mà không cần dẫn dắt gì cả sau đó mới cho bài tập, vận dụng... Còn bây giờ thì ngược lại, để có kiến thức mới, thầy cô phải bắt đầu từ thực tế, dẫn đến tình huống để giúp HS lãnh hội kiến thức mới.

Tuấn Anh, HS lớp 10 tại một Trường THPT ở Đống Đa, Hà Nội, cho biết: “Kiến thức đầu năm em thấy không nặng nhưng cách tiếp cận kiến thức hoàn toàn khác. Vào lớp 10, chúng em không còn tập trung vào học lý thuyết như trước đây mà từ kiến thức cơ bản, từ kỹ năng định hướng của thầy cô, HS liên hệ, mở rộng kiến thức, tìm hiểu những vấn đề có liên quan. Với chương trình năm nay, chúng em phải chủ động tự học, tìm hiểu kiến thức, giải quyết vấn đề theo hình thức nhóm học tập nên gặp khá nhiều khó khăn. Hiện điểm số ở một số môn của lớp em bị thấp hơn nhiều so với khóa lớp 10 năm trước...”.

Một số giáo viên (GV) cho biết, khi triển khai chương trình mới môn ngữ văn được kỳ vọng sẽ khắc phục việc sử dụng văn mẫu lâu nay, nhưng khi bắt tay vào giảng dạy chương trình mới thì thầy cô cũng vô cùng vất cả vì phải dạy lại kiến thức bậc THCS cho HS. Bởi HS không có thói quen đọc, không có kỹ năng tiếp cận văn bản hay viết những vấn đề tự mình phải nghĩ, phải đưa ra các luận điểm, quan điểm; các em quen với việc đến lớp chờ GV đọc cho chép rồi học thuộc. Hơn nữa, đề thi vào lớp 10 chỉ loanh quanh trong mấy tác phẩm lớp 9, yêu cầu cũng đơn giản là phân tích một số đoạn nên GV và HS dạy và học theo “quy trình” đọc - chép - học thuộc, để đi thi. Trong khi đó, chương trình mới yêu cầu tích hợp giữa các phần đọc hiểu, viết và nói - nghe; nên khi dạy một dạng văn bản, nhiệm vụ của GV là hướng dẫn HS tự tìm ra cái hay, cái đẹp của văn bản và viết theo cái nhìn, theo cảm nhận của các em. Tương tự, với môn Lịch sử trước đây học theo chương trình, tiến trình lịch sử thì nay học theo chủ đề. Với nội dung kiến thức chuyên sâu, theo chủ đề cần có sự tổng hợp nên khả năng tự học phải đẩy lên cao.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho biết: “Dù bắt đầu triển khai chương trình mấy tháng nhưng hầu hết các em vẫn học theo kiểu cũ, đối phó thi cử chứ chưa chuyển được sang cách học qua trải nghiệm, chủ động tự học. Bản thân thầy giáo vẫn nặng về trang bị kiến thức, giao bài tập cho HS. Vì thế muốn thay đổi thì phải “rèn” GV trước, sau đó mới đến rèn HS. GV phải “phá” được thói quen dạy cũ để chuyển sang cách học mới, cho HS có được trải nghiệm, tự khám phá kiến thức, nâng cao năng lực tự chủ và tự học... Để thay đổi được thì cả thầy trò đều phải làm bền bỉ, cố gắng chứ không làm một thời gian thấy khó lại quay về cách làm cũ thì sẽ không đúng với mục tiêu của chương trình mới. Với môn hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, GV chưa được tập huấn kỹ nên chưa biết bố trí thời gian hoạt động sao cho phù hợp, khó bao quát và đánh giá HS theo đúng yêu cầu của chương trình. Trước đó, chúng ta mới chỉ huấn luyện GV đồng loạt rồi cấp chứng chỉ nên không mấy hiệu quả.

Một vị Hiệu trưởng một trường THPT ngoại thành ở TP HCM cũng cho rằng, trước đây, GV đã quen với bài giảng, giáo án cũ. Khi chương trình, sách giáo khoa và yêu cầu năng lực cần đạt của học sinh đều đổi mới, nhiều GV sẽ không theo kịp. Vì thế, cần phải thay đổi bắt đầu từ GV.

Tại sao học sinh thay đổi môn học?

Có không ít ý kiến cho rằng, chương trình mới tham vọng quá mức, quá bất cập trong mọi khâu, vội vã, thiếu sự nghiên cứu thực tiễn, gây quá nhiều khó khăn cho cả thầy và trò. Đặc biệt là, không có sự kế thừa, đúng ra những lớp HS phải cuốn chiếu lớp dưới lên chứ đâu áp đạt ngang xương luôn vào lớp 10. Riêng với môn hướng nghiệp thực sự rất khó để dạy, nếu đưa là môn học bắt buộc sẽ chỉ học cho có hình thức vì môn đó phải trả lời nhiều câu hỏi phức tạp đến GV chưa chắc giải quyết được.

Có thể khẳng định, mục tiêu cốt lõi của chương trình GTPT 2018 là giúp HS hình thành và phát triển những năng lực chung, năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Trong đó những năng lực đặc thù được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục nhất định như năng lực ngôn ngữ, tính toán, khoa học, công nghệ, tin học, thẩm mỹ, thể chất. Tuy nhiên, theo một số hiệu trưởng THPT thì, việc áp dụng vào thực tế sẽ rất khó đạt được mục tiêu đề ra, ít nhất là những năm đầu.

Thực tế, HS lớp 10 hiện nay theo chương trình cũ ở bậc THCS nên không có sự liên thông của chương trình mới ở cấp THPT. Đúng ra phải có lộ trình cuốn chiếu và chỉ áp dụng khi có một lứa HS đã hoàn thành cấp THCS theo chương trình mới. Hiện nay dù các trường đã rất cố gắng trong công tác định hướng tư vấn và giúp đỡ cho các em chọn tổ hợp môn học nhưng rõ ràng rủi ro rất cao. Một số em hiện nay bắt đầu bộc lộ lựa chọn không đúng và học không theo kịp chương trình GDPT 2018.

Với chương trình GDPT 2018, HS lớp cấp THPT sẽ học ít môn hơn và được lựa chọn nhiều môn học hơn, phù hợp với năng khiếu, sở thích của bản thân. Tuy nhiên khi áp dụng thực tế lại không như dự thảo ban đầu. Việc triển khai giảng dạy Âm nhạc, Mỹ thuật cơ bản là không triển khai ở hầu hết các trường vì không có GV. Việc chọn môn học cũng chỉ nằm trong các tổ hợp mà các trường xây dựng dựa trên điều kiện riêng của từng trường. Điều này dẫn đến HS không tự do lựa chọn như mục tiêu ban đầu mà chỉ được chọn cái có sẵn, chủ yếu đáp ứng việc xét tuyển vào đại học sau này.

Thực tế, năm học 2022-2023 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10 nên nhiều giáo viên bậc THCS cũng chưa hiểu rõ tổ hợp môn là gì.

Năm lớp 9 học sinh thường học 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ để thi tuyển sinh 10, nhiều em vẫn chưa có ý thức định hướng nghề nghiệp. Đến lúc vào lớp 10 được học các tổ hợp môn theo khối thi đại học nên nhiều học sinh bối rối. Trong khi, kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn chưa được công bố nên học sinh xin chuyển tổ hợp môn là điều dễ hiểu.

Mặc dù, vẫn còn tình trạng học sinh chọn môn học theo cảm tính mà không dựa vào năng lực, sở trường của bản thân. Đơn cử, có em tưởng học Âm nhạc, Mỹ thuật mình thích là dễ nhưng khi vào học rồi mới biết môn Nghệ thuật thực sự khó hơn những gì mình nghĩ. Chưa kể, học sinh chọn môn học vì đăng kí theo lời khuyên của bạn bè, thậm chí bị phụ huynh, gia đình chi phối theo định hướng nghề nghiệp sau này.

Bởi thế, sau gần một học kỳ, có học sinh xin chuyển môn, tổ hợp môn học vào giữa học kì 1, nhưng có em lại xin chuyển vào cuối kì 1, giữa học kì 2 hoặc cuối năm lớp 10. Theo quy định, học sinh chỉ được phép chuyển đổi môn học mới khi làm các bài kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kì đạt yêu cầu…

Môn tự chọn cần được tư vấn, định hướng sớm

Tại Hội nghị đánh giá triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022-2023 diễn ra mới đây, nhiều địa phương đề cập đến vấn đề chuyển trường, chuyển tổ hợp sau một thời gian học cho học sinh lớp 10. Nhiều ý kiến của lãnh đạo các Sở GD&ĐT bày tỏ sự lúng túng khi phụ huynh, học sinh THPT yêu cầu chuyển môn học.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, trong Công văn 1496/BGDĐT-GDTrH đã có hướng dẫn. Hiệu trưởng là người quyết định việc này.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, chương trình này đã khoán một năm với số tiết tổng nên không khuyến khích học sinh chuyển tổ hợp, chuyển trường trong học kỳ một mà phải đợi hết năm học. Nếu chuyển đổi môn thì học sinh phải đáp ứng được yêu cầu đủ năng lực để học các môn học mới ở lớp trên, còn các môn học cũ phải đủ điều kiện lên lớp.

Tuy nhiên, từ thực tế, các hiệu trưởng cho rằng, nếu hết năm học, HS lớp 10 mới được chuyển tổ hợp đồng nghĩa các em đã bỏ một khoảng thời gian dài bỏ lỡ môn học bản thân muốn đổi. Cần tư vấn, định hướng nghề nghiệp rõ ràng cho học sinh ngay khi quyết định tổ hợp môn tự chọn bởi việc thay đổi giữa chừng sẽ gây ra nhiều hệ lụy sau này.

Đọc thêm