“Dưới ánh đèn” là tác phẩm thuộc đơn vị sân khấu xã hội hóa duy nhất của Hà Nội vào TP.HCM dự thi Liên hoan sân khấu kịch nói Toàn quốc 2018.
Vở kịch đề cập đến nhân vật người cha là kép Bền (Quang Tèo), một diễn viên tuồng gặp tai nạn nghề nghiệp lại gặp sự ghen ghét đố kỵ của đồng nghiệp luôn mang nỗi hận nghề cả đời, ông đã cấm con trai theo nghiệp của mình.
Đam mê con đường nghệ thuật, ca sĩ Bảo Long (con trai kép Bền, do ca sĩ Long Nhật thủ vai) dứt áo rời xa gia đình, quyết tâm dấn thân vào con đường làm nghề ca sĩ. Để rồi Bảo Long lại cũng đi vào sự lo lắng của chính cha mình đó là rơi vào cạm bẫy của bầu Nghệ (đạo diễn Nguyễn Công Vượng) và sự hãm hại của đồng nghiệp Lộc (Mạnh Kiên) dẫn đến đối diện với pháp luật, đối diện với sự từ mặt của gia đình và con đường sự nghiệp nghệ thuật gãy đổ…
“Dưới ánh đèn” là tác phẩm thuộc đơn vị sân khấu xã hội hóa duy nhất của Hà Nội vào TP.HCM dự thi Liên hoan sân khấu kịch nói Toàn quốc 2018. |
Vượt lên trên tất cả những điều kiện của “con nhà nghèo” ở CLB Sân khấu Thể nghiệm, các nghệ sĩ đã rút ruột nhả tơ một cách đúng nghĩa. Nó hấp dẫn các nghệ sĩ một phần cũng vì chính đề tài mà nhà viết kịch Chu Thơm đề cập đến. Kịch đấy nhưng lại là đời sống bên ngoài mà các nghệ sĩ thường xuyên đối mặt hoặc nhìn thấy. Ở đó có sự bon chen, đố kỵ nhưng vượt lên trên tất cả vẫn là sức mạnh của tình yêu nghệ thuật, là khát khao được cống hiến cho khán giả.
Điểm đáng ghi nhận của đạo diễn - NSND Trần Nhượng là ông đã làm cho sân khấu trở nên rất thật, rất gần gũi bằng cách mời chính “ông bầu” Nguyễn Công Vượng, nghệ sĩ Quang tèo và ca sĩ Long Nhật thủ vai. Thế nên, các nghệ sĩ như được “đo ni đóng giày”, diễn mà như không diễn.
Sân khấu là sự phản chiếu cuộc đời. |
Nghệ sĩ Vượng Râu không giấu niềm vui: “Vai diễn của tôi là một vai diễn nhỏ, nên không nghĩ, mình lại được mọi người chú ý đến thế. Cũng là lời thoại đó nhưng tôi nhấn nhá, nhả đài từ để nó có chất hài, làm mềm đi vở diễn. Có như thế thì dù là vai phụ nhưng khán giả vẫn sẽ nhớ đến cái riêng của mình, chứ tôi không nghĩ là mình được giải Vàng đâu, vì chỉ là vai phụ thôi mà. Bất ngờ nhưng cũng vui chứ".
Nghệ sĩ Vượng râu chia sẻ thêm, sân khấu là sự phản chiếu cuộc đời. Đời sống nghệ thuật luôn có sự cạnh tranh, ganh đua khắc nghiệt như vậy. Dưới ánh đèn sân khấu luôn có những góc tối, đó chính là nơi mà mọi hỉ nộ ái ố lộ diện. Nhưng khi bước ra ánh sáng, chính nó lại được khoác chiếc áo lộng lẫy. Người ngoài có thể bị che mắt nhưng trong nghề thì hiểu rất rõ.
Chia sẻ hướng đi mới của CLB Sân khấu Thể nghiệm, NSND Trần Nhượng cho biết: “Vở diễn “Dưới ánh đèn” đã đi theo định hướng tìm sự mới mẻ, khác biệt và táo bạo trong hình thức thể hiện lẫn nội dung, diễn xuất của diễn viên. Sự thử nghiệm này có thể thành công nhưng cũng có thể khiến chúng tôi thất bại, nhưng nó thể hiện sự tìm tòi, dám thể nghiệm của các nghệ sĩ. Như năm 2008, tại Liên hoan Sân khấu Thể nghiệm toàn quốc lần thứ nhất của Hội Nghệ sĩ sân khấu, tôi mang vở diễn “Những quân bài định mệnh” đi dự thi. Vở diễn có rất nhiều loại hình sân khấu như hội họa, tuồng, chèo, múa cổ điển, múa hiện đại, nghệ thuật sắp đặt”.
NSND Trần Nhượng đã lên kế hoạch để mang “Dưới ánh đèn” đi lưu diễn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, trải dài từ miền Bắc là Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh đến miền Trung như Huế, Đà Nẵng... |
Với sự tìm tòi này vở diễn đã giành được 7 giải thưởng, gồm HCV cho vở diễn, 2 HCV, 2 HCB cho diễn viên, giải cho họa sĩ và nhạc sĩ.