AFP dẫn thông tin từ giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, những kẻ tấn công đã nã đạn về phía các nhân viên an ninh tại nhà ga sân bay. Một cuộc đấu súng đã nổ ra trước khi những kẻ khủng bố lần lượt kích hoạt khối bom chúng mang trên người vào khoảng 22h00 (giờ địa phương).
CNN dẫn lời nhân chứng Sue Savage đang có mặt tại sân bay khi những tiếng súng và một tiếng nổ vang lên. Tiếp sau đó là những tiếng súng và lại một tiếng nổ nữa khiến cô vội vã chạy vào ẩn nấp trong nhà vệ sinh nam.
Khoảng 30 phút sau đó, cô và một người khác trở ra và nghe thấy thêm những tiếng hét và tiếng súng nữa. Sau đó, họ được các nhân viên an ninh đưa vào một căn phòng, nơi những người khác đang tiến hành kiểm tra hành lý. “Có rất nhiều máu. Trên sàn nhà cũng có rất nhiều mảnh kính vỡ” – cô Savage kể lại.
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, có 3 kẻ đánh bom tham gia vụ tấn công, trong đó 2 tên ở nhà ga đi quốc tế và tên thứ 3 ở gần bãi đỗ xe. AFP dẫn thông tin từ giới chức địa phương cho biết đã có ít nhất 41 người thiệt mạng trong vụ việc và 239 người bị thương, trong đó có 109 người đã được cho xuất viện trong ngày 29/6.
Cảnh sát đã ngay lập tức thiết lập hàng rào an ninh ở khu vực xung quanh hiện trường sau vụ tấn công. Tất cả các chuyến bay đến và đi tại sân bay Atatuk – sân bay đông đúc nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ - cũng đã bị đình chỉ ngay sau đó nhưng sân bay này đã nối lại hoạt động từ khoảng 3h00 sáng 29/6.
Đây là vụ đánh bom chết người thứ 4 xảy ra tại Istanbul chỉ riêng trong năm nay. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Yildirim cho biết các dấu hiệu như việc những kẻ tấn công đi bằng taxi tới sân bay, rồi thực hiện vụ tấn công theo trình tự xả súng và kích hoạt những khối bom đều cho thấy IS hay một nhóm nào đó có cảm tình với tổ chức này đứng sau vụ việc.
Ngay sau vụ thảm sát tại sân bay, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc họp với Thủ tướng và người đứng đầu lực lượng quân sự nước này. “Chúng tôi thúc giục cả thế giới, đặc biệt là các nước phương Tây có lập trường vững chắc trong việc chống lại chủ nghĩa khủng bố. Dù phải trả một mức giá đắt nhưng Thổ Nhĩ Kỳ có sức mạnh, quyết tâm và năng lực để tiếp tục cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố đến cùng” – ông Erdogan nói trong một tuyên bố.
Giới chức Mỹ đã lên án vụ đánh bom và tấn công bằng súng mà họ gọi là “ghê tởm” ở sân bay. “Sân bay quốc tế Ataturk, cũng giống như sân bay Brussels đã bị tấn công hồi đầu năm nay, là biểu tượng của sự kết nối quốc tế và liên kết các nước lại với nhau. Chúng tôi vẫn duy trì cam kết hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ - nước đồng minh NATO và cũng là một đối tác của chúng tôi, cũng như tất cả các nước bạn bè, đồng minh trên khắp thế giới trong cuộc chiến chống lại mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố” – Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nhấn mạnh trong một tuyên bố.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner thì nói rằng vụ tấn công là vụ việc mới nhất trong hàng loạt các vụ tấn công được thực hiện nhằm giết hại những người dân thường. “Những vụ tấn công như vậy sẽ chỉ củng cố quyết tâm của chúng tôi trong việc phối hợp với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ để chống lại chủ nghĩa khủng bố và hỗ trợ tất cả các nước trong khu vực trong việc thúc đẩy hòa bình và hòa giải ở đây” – ông Toner nói.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng đã gửi lời chia buồn tới người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ và lên án vụ đánh bom. “Tôi mạnh mẽ thúc giục các nước Hồi giáo đoàn kết và tăng cường hợp tác, đặc biệt là trong việc lên án và chống những hành động khủng bố do những kẻ lấy danh nghĩa người Hồi giáo thực hiện” – ông Razak nói.