Bốn yếu tố định hình chính trường xứ cờ hoa năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Năm 2022, nước Mỹ sẽ bước vào một cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, nơi mà người dân xứ sở cờ hoa sẽ bầu lại toàn bộ Hạ viện, một phần ba số ghế ở Thượng viện, 36 thống đốc các tiểu bang cùng hàng loạt các vị trí quan trọng trong chính quyền địa phương khác.
Nhân viên y tế Mỹ điều trị cho một bệnh nhân nặng nhiễm biến thể Omicron tại bang Ohio hôm 4 tháng 1 (© Nikkei Asia)
Nhân viên y tế Mỹ điều trị cho một bệnh nhân nặng nhiễm biến thể Omicron tại bang Ohio hôm 4 tháng 1 (© Nikkei Asia)

Kết quả của cuộc bầu cử này sẽ đóng một vai trò vô cùng lớn trong việc định hình chính sách của Hoa Kỳ sau đại dịch COVID-19 và quan trọng hơn, nó sẽ là tiền đề quyết định việc đảng nào sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Giới phân tích cho rằng, bốn yếu tố dưới đây sẽ định hình kết quả của cuộc bầu cử nói riêng và cả nền chính trị Mỹ năm 2022 nói chung.

Tỷ lệ lạm phát sẽ tăng?

Theo các chuyên gia kinh tế, có nhiều nguyên nhân đứng đằng sau tỷ lệ lạm phát tăng vọt ở Hoa Kỳ. Tuy vậy, trong thời gian qua, đảng Cộng hòa đã triển khai một chiến dịch tấn công nhằm đổ lỗi cho sự điều hành nền kinh tế yếu kém của chính quyền Tổng thống Biden. Chiến dịch tấn công tưởng chừng đơn giản đó đã trở nên hiệu quả một các bất ngờ.

Tỷ lệ lạm phát trong năm 2021 ở Hoa Kỳ chạm mốc 6.8%, mức cao nhất trong vòng 4 thập kỷ trở lại đây. Giá xăng dầu và đồ ăn tăng cao đóng góp lớn vào tỷ lệ lạm phát kỷ lục này. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng có một mối quan hệ khăng khít giữa tỷ lệ tín nhiệm của tổng thống và giá xăng dầu. Điều này lí giải cho tỷ lệ tín nhiệm thấp kỷ lục, chỉ đạt mức 43% vào cuối năm 2021 của Tổng thống Joe Biden.

Để làm giảm tỷ lệ lạm phát này trong thời gian ngắn không phải là một nhiệm vụ dễ dàng theo ý kiến của các chuyên gia. Larry Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Bill Clinton, cho rằng, không có nhiều biện pháp khả thi nhằm tác động đến tỷ lệ lạm phát trong vòng 6 đến 9 tháng tới. Vì vậy, cựu bộ trưởng kêu gọi chính quyền của Tổng thống Biden có những biện pháp thống nhất nhằm ngăn chặn lạm phát, đặc biệt là thông qua việc lựa chọn và bổ nhiệm những vị trí quan trọng của Cục Dự Trữ Liên bang. Ngoài ra, ông Larry Summers cũng cảnh báo Tổng thống Biden về những lời kêu gọi trừng phạt các tập đoàn lớn do tăng giá hàng hóa. Theo cựu bộ trưởng, việc có các động thái gây thiệt hại đến các tập đoàn lớn trong thời điểm này có thể mang lại nhiều tác hại hơn là lợi ích.

Kiểm soát đại dịch COVID-19

“Đánh bại COVID-19” là một lời hứa quan trọng của Tổng thống Biden trong chiến dịch tranh cử của mình. Những nỗ lực của chính quyền tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ trong việc thực hiện lời hứa này là rất đáng ghi nhận. Với nguồn lực dồi dào, Hoa Kỳ đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 62% trên tổng dân số 330 triệu người của mình. Các nghiên cứu về thuốc đặc trị virus cũng đang đạt được những kết quả khả quan.

Tuy vậy, đã hơn một năm trôi qua, câu hỏi là bao giờ đại dịch sẽ thực sự chấm dứt vẫn ám ảnh người dân Mỹ. Biến chủng Omicron đã trở thành một thách thức quá lớn với những nỗ lực của hệ thống y tế Mỹ. Đất nước này vừa ghi nhận con số nhiễm bệnh cao kỷ lục hơn 1 triệu ca mắc và hơn 1000 ca tử vong mỗi ngày. Những lệnh phong tỏa và hạn chế dai dẳng vẫn tiếp diễn và điều đó đang dần bào mòn những người Mỹ lạc quan nhất.

Mặc dù trách nhiệm về sự bùng phát của dịch bệnh có thể được quy cho những người không tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội (mà phần đông trong số họ là người ủng hộ đảng Cộng hòa và cựu Tổng thống Donald Trump), cử tri thường sẽ chỉ nhìn nhận vấn đề đó như một thất bại của chính quyền ông Biden và của đảng Dân chủ. Do đó, nếu tình hình dịch bệnh không được cải thiện, nó sẽ trở thành một điểm trừ rất lớn cho Tổng thống Biden và đảng của mình trước khi bước chân vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ dự kiến được tổ chức vào tháng 11 năm 2022.

Người Mỹ mua sắm thực phẩm trong tình trạng lạm phát tăng cao. (© New York Times)

Người Mỹ mua sắm thực phẩm trong tình trạng lạm phát tăng cao. (© New York Times)

Việc chia lại khu vực bầu cử

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 sẽ là cuộc bầu cử đầu tiên mà các khu vực bầu cử được chia lại dựa theo kết quả của cuộc tổng điều tra dân số năm 2020. Tính đến thời điểm này, hơn 30 bang đã hoàn thành bản đồ khu vực bầu cử mới.

Việc chia lại khu vực bầu cử đồng nghĩa với việc nhiều ứng viên đảng Dân chủ sẽ phải chạy đua với các đối thủ tại một khu vực bầu cử mới với tính chất cạnh tranh khốc liệt hơn khi phần đông dân cư là người ủng hộ đảng Cộng hòa. Ngoài ra, họ sẽ gặp phải nguy cơ đối đầu với những thành viên đương nhiệm khác của quốc hội Hoa Kỳ ngay từ vòng sơ loại. Vì thế, đối với nhiều nghị sĩ đương nhiệm, việc chia lại khu vực bầu cử này trở thành một thành tố quan trọng góp phần vào quyết định không tái tranh cử của họ.

Với đảng Dân chủ, việc chia lại khu vực bầu cử sẽ có những tác động không nhẹ. Đảng Cộng hòa đã và đang tận dụng ưu thế đó cho kế hoạch giành lấy 70 ghế hạ nghị sĩ đang được kiểm soát bởi đảng Dân chủ và qua đó chiếm quyền kiểm soát Hạ viện.

Tương lai của các dự luật xây dựng lại tốt hơn

Dự luật phúc lợi xã hội Build Back Better (“Xây Lại Tốt Hơn”) nhằm bơm 1.75 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế trong vòng 10 năm tới là một trọng tâm trong nhiệm kỳ này của Tổng thống Biden. Từng được hy vọng sẽ là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa giải cứu nước Mỹ sau cơn sóng thần COVID-19, giờ đây, dự luật nghìn tỷ này đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ vì phiếu chống của một thượng nghị sĩ của chính đảng Dân chủ.

Mặc dù đã được Hạ viện thông qua vào ngày 19 tháng 11 năm 2021, dự luật này vẫn cần sự phê duyệt của các Thượng viện trước khi được ban hành. Hiện nay, 100 ghế thượng nghị sĩ đang được chia đều giữa hai đảng, và đảng Dân chủ chỉ đang nắm giữ cơ quan này nhờ lá phiếu quyết định của Phó Tổng thống kiêm chủ tịch Thượng viện Kamala Harris. Do toàn bộ các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa sẽ phản đối dự luật này, tổng thống Joe Biden cần sự ủng hộ từ toàn bộ 50 thượng nghị sĩ Dân chủ tại Thượng viện nếu ông muốn dự luật này được thông qua. Tuy vậy, thượng nghị sĩ Joe Manchin từ tiểu bang West Virginia đã lên tiếng phản đối dự luật này, do lo ngại nó sẽ làm chỉ số giá tiêu dùng tăng vọt và qua đó làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát vốn đang khiến chính quyền của ông Biden đau đầu.

Thuyết phục thượng nghị sĩ 74 tuổi đến từ bang West Virginia bỏ phiếu ủng hộ dự luật hoặc thay đổi một phần dự luật theo hướng có thể chấp nhận được đang là ưu tiên hàng đầu của không chỉ Tổng thống Biden mà còn của cả các lãnh đạo đảng Dân chủ như chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hay lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer. Bởi nếu dự luật Xây Lại Tốt Hơn này không được thông qua, nó sẽ là một đòn đánh chí mạng nữa giáng vào uy tín của vị tổng thống 79 tuổi.

Đọc thêm