Bóng đá nam vào top 10 châu Á - Liệu có 'mộng mơ'?

(PLVN) -  Chiến lược phát triển thể dục thể thao (TDTT) Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu cụ thể: bóng đá nam lọt vào tốp 10 châu Á, bóng đá nữ trong tốp 8 châu Á, đồng thời giành quyền tham dự World Cup. Để đạt được các mục tiêu trên, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã xây dựng, đưa ra những kế hoạch cụ thể, chi tiết để biến khát vọng thành hiện thực. Vậy các mục tiêu đó là gì?
Đội tuyển Việt Nam đang có thể trạng tốt. Ảnh: VFF

“Sự ra đời của Chiến lược đã mang đến những cơ hội cũng như thách thức đối với sự phát triển của bóng đá Việt Nam trong thời gian tới. Và VFF nhận thức rõ ràng về trách nhiệm của mình trong việc hiện thực hóa những mục tiêu đặt ra cho bóng đá Việt Nam”, đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú tại Hội nghị triển khai thực hiện Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội vào trung tuần tháng 11 vừa qua.

Cũng theo ông Trần Anh Tú, khi VFF đặt ra mục tiêu như vậy là “không mơ hồ và có cơ sở, nền tảng và thành tích đã có của bóng đá Việt Nam như: Đội tuyển bóng đá nữ xuất sắc giành vé tham dự vòng chung kết bóng đá nữ thế giới năm 2023 cùng với thành tích 3 lần liên tiếp giành HCV tại các kỳ SEA Games 2017, 2019, 2022 nâng tổng số lần vô địch SEA Games của bóng đá Nữ Việt Nam lên 8 lần. Đội tuyển nam giành chức vô địch Đông Nam Á năm 2018, lọt vào vòng tứ kết giải vô địch châu Á, lần đầu tiên tham dự vòng loại cuối cùng World Cup 2022…

Để tiếp tục phát triển bóng đá Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo tới 2030 và tầm nhìn tới 2045, VFF sẽ bám sát các nội dung nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược mới ban hành, tập trung xử lý dứt điểm những tồn tại.

“VFF sẽ có tổng hợp và tham mưu các cơ quan quản lý nhà nước xem xét điều chỉnh hoặc ban hành mới các quy định trong việc thực hiện chế độ chính sách, các giải pháp hỗ trợ đầu tư và ưu đãi đối với các tổ chức có sự ưu tiên đầu tư cho bóng đá; tạo sự tập trung thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện chế độ chính sách và đầu tư cho phát triển bóng đá.

Nghiên cứu áp dụng chính sách ưu đãi cho các CLB bóng đá chuyên nghiệp có truyền thống đóng góp cho thành tích của bóng đá quốc gia được hưởng ưu đãi về chính sách, thuế suất, đất đai phục vụ hoạt động thể thao như chính sách của Nhà nước dành cho các doanh nghiệp công ích được Nhà nước giao nhiệm vụ phát triển bóng đá, đóng góp cho quốc gia và cộng đồng”, ông Tú nhấn mạnh.

Chiến lược của VFF cũng cho biết sẽ bố trí ngân sách và triển khai một số Đề án trọng điểm về đào tạo bóng đá trẻ. Đặc biệt chú trọng đầu tư các lứa cầu thủ 17 tuổi đến 20 tuổi (tính ở thời điểm năm 2023) khi đến thời điểm tổ chức World Cup 2030 và 2034 các cầu thủ này ở lứa tuổi từ 24 - 28 là lứa tuổi “vàng” cho bóng đá đỉnh cao.

Ngoài ra, VFF tiếp tục tích cực tìm kiếm nguồn đầu tư thông qua các tổ chức bóng đá quốc tế và các nhà tài trợ, đối tác dành cho hoạt động bóng đá; tăng cường hợp tác với các quốc gia có nền bóng đá phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE, Qatar… Đầu tư về khoa học công nghệ, nhân lực quản lý… để tạo cơ hội phát triển cho bóng đá Việt Nam.

Đồng thời Nhà nước cần đầu tư, thực hiện cơ chế xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) để nhanh chóng phát triển và hoàn thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động bóng đá; sẵn sàng đăng cai tổ chức các giải bóng đá châu lục và thế giới.

Đặt mục tiêu có mặt vòng chung kết FIFA World Cup trong giai đoạn 2030 - 2045 của VFF xa hay gần đều do cách làm và tầm nhìn của lãnh đạo VFF. Khi các nước láng giềng đang chuyển mình mạnh mẽ, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc.