Trong hơn hai tuần qua, các vụ bạo lực đẫm máu tại các vùng lãnh thổ của Palestine và Israel liên tiếp xảy ra làm hàng chục người thiệt mạng.
Gia tăng bạo lực đẫm máu
Trong một diễn biến mới nhất, ngày 17/10 các vụ tấn công nhằm vào người Israel ở Đông Jerusalem và khu Bờ Tây đã làm 5 người Palestine thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Ba vụ tấn công xảy ra ở thành phố Hebron thuộc khu Bờ Tây, nơi khoảng 500 người Do Thái định cư với an ninh được kiểm soát chặt chẽ tại khu vực xung quanh có gần 200.000 người Palestine sinh sống.
Trong vụ tấn công thứ nhất, một thanh niên Palestine đã bị một người định cư Israel bắn chết sau khi tấn công bằng dao vào người này. Vụ tấn công thứ hai do một thiếu nữ Palestine, 16 tuổi, tiến hành nhằm vào một nữ binh sĩ Israel bên ngoài căn cứ bảo vệ biên giới, sau đó đối tượng tấn công này cũng bị bắn chết. Bên cạnh đó, một người Palestine đã thiệt mạng sau khi đâm bị thương một binh lính Israel.
Theo nguồn tin y tế của Palestine, quân đội Israel đã xả súng vào nhóm thanh niên Palestine ném đá ở một số khu vực của Hebron, làm một thiếu niên thiệt mạng và 11 người khác bị thương do trúng đạn cao su và đạn thật.
Trong khi đó, hai vụ tấn công bằng dao đã xảy ra tại hai chốt kiểm soát ở Đông Jerusalem. Đáng chú ý, một người Palestine đã bị bắt chết khi tấn công một binh sĩ tại chốt kiểm soát Đông Talpiot. Theo Bộ trưởng Y tế Palestine Ashraf al-Qudra, tại Dải Gaza cũng nổ ra một cuộc đấu súng của quân đội ở khu vực biên giới làm ít nhất 4 dân thường bị thương.
Ngày 18/10, thêm một người Israel thiệt mạng và 5 người khác bị thương khi bị hai đối tượng chưa rõ danh tính xả súng tại Trạm xe buýt trung tâm ở phía Nam thành phố Be’er Sheva. Cảnh sát đã bắn chết một trong hai thủ phạm, đối tượng còn lại bị thương.
Theo Đài Phát thanh Israel, kể từ khi bạo lực bùng phát từ đầu tháng 10/2015, gần 10 người Israel đã thiệt mạng và hơn 90 người khác bị thương, trong đó có 10 người trong tình trạng nguy kịch. Trong khi đó, Bộ Y tế Palestine cho biết từ đầu tháng này, 43 người Palestine đã bị Israel bắn chết, trong đó có 29 người ở khu Bờ Tây và 14 người ở Dải Gaza, hơn 200 người Palestine khác bị thương.
Israel: Phong tỏa “điểm nóng”
Để đối phó với các cuộc biểu tình bạo động và hành động tấn công của người biểu tình Arab và Palestine, chính quyền Israel đã triển khai nhiều biện pháp mạnh tay: từ trấn áp, bắt giữ hành chính, phong tỏa những “điểm nóng” cho tới nới lỏng việc cho phép cảnh sát sử dụng đạn thật.
Tuy nhiên, bất chấp việc huy động một lực lượng cảnh sát hùng hậu và lần đầu tiên đưa quân đội vào các thành phố để tăng cường an ninh, các cuộc biểu tình và phản đối của người Arab và Palestine không những không giảm mà còn leo thang căng thẳng.
Tình hình diễn biến xấu tới mức quân đội Israel đã triển khai thêm nhiều khẩu đội phòng thủ tên lửa Vòm Sắt tại các thành phố miền Nam để ngăn chặn những vụ bắn rốc-két qua biên giới Gaza cũng như các cuộc đụng độ tại khu vực giáp ranh. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu còn ra lệnh điều động thêm 13 đại đội dự bị của cảnh sát biên phòng nhằm phòng ngừa và ngăn chặn các cuộc xung đột đang lan rộng với người Palestine.
Đặc biệt, ngày 18/10, cảnh sát Israel đã bắt đầu xây dựng một bức tường an ninh tại Đông Jerusalem để bảo vệ khu vực người Do Thái, đang chịu nhiều vụ tấn công bằng bom và ném đá từ khu vực của người Palestine cạnh đó. Đây là biện pháp an ninh tiếp theo sau một loạt chốt kiểm soát mới được Israel dựng lên gần đây tại lối ra vào của một số khu người Palestine sinh sống ở Đông Jerusalem.
Bức tường an ninh trên sẽ ngăn cách khu Jabel Mukaber của người Palestine với khu Armon Hanatziv của người Do Thái. Cảnh sát đã đặt 6 phiến đá tấm ở phía Jabel Mukaber, “điểm nóng” trong làn sóng bạo lực gần đây. Mỗi phiến đá cao 2,5m và dài 2m, trên đó in dòng chữ màu đen bằng tiếng Do Thái có nghĩa là “hàng rào an ninh di động tạm thời”. Chính quyền thành phố cho biết bức tường có chiều dài 300 mét này không phải là đường biên mà chỉ đặt ở những nơi “hay xảy ra ném đá và đánh bom nhằm vào nhà cửa và xe ô tô của người Do Thái”.
Tuy nhiên, việc xây tường an ninh ngay giữa thành phố Jerusalem đã khiến phe đối lập ở Israel chỉ trích kịch liệt vì cho rằng động thái này trên thực tế chia cắt thành phố linh thiêng. Trong một tuyên bố, đảng đối lập chính ở Israel, Liên minh Do Thái (ZU, trung tả) nhận định: “Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã không đảm bảo được sự an toàn cho công dân Israel và sự thống nhất của Jerusalem”. Bởi người Israel vốn coi Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của mình. Trong khi người Palestine lại muốn phần Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine độc lập trong tương tai.
Bên cạnh đó, Tel Aviv và ít nhất 3 thành phố khác của Israel đã bắt đầu cấm người lao động Arab tới các trường học vì lý do an ninh. Các thành phố áp dụng lệnh cấm này gồm Rehovot (ở miền Trung) và hai thành phố giáp với Tel Aviv là Hod Hasharon và Ness Tziona. Theo lệnh cấm mới, các lao công và nhân viên kỹ thuật người Arab sẽ không được tới trường vào các giờ học sinh đi học và chỉ được làm việc ngoài giờ học. Trước đó, một lệnh cấm tương tự đã được áp dụng tại một số trường học ở Jerusalem.
Thảm cảnh sau những cuộc xung đột |
Trước tình hình trên, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã tuyên bố ủng hộ “đấu tranh hòa bình” chống lại sự chiếm đóng của Israel. Phát biểu trên truyền hình vệ tinh chính thức của Palestine, Tổng thống Abbas nhấn mạnh quyền của người dân Palestine “được bảo vệ chính mình” và “theo đuổi cuộc đấu tranh của dân tộc”. Ông Abbas cũng cáo buộc
Israel leo thang các hành động bạo lực, đồng thời cho rằng các chính sách của Israel “đang đe dọa đến tiến trình hòa bình và sự ổn định của khu vực”. Theo Tổng thống Abbas, hòa bình và an ninh sẽ không thể đạt được nếu Israel không chấm dứt việc chiếm đóng và Nhà nước Palestine không được thành lập theo đường biên giới đã định năm 1967.
Tổng Thư ký Ủy ban điều hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Saep Erakat đã đề nghị Bộ Tứ (gồm Liên Hợp quốc - LHQ, Liên minh Châu Âu, Nga, Mỹ) đưa ra các biện pháp nhằm bảo vệ người dân Palestine cũng như ngăn chặn các “hành động chiếm đóng vi phạm luật quốc tế”. PLO cũng đề nghị LHQ điều tra các vụ sát hại người Palestine do Israel tiến hành ở khu Bờ Tây và Dải Gaza.
Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Bin Hali đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế triển khai những nỗ lực khẩn cấp để bảo vệ người Palestine. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng kêu gọi tổ chức một cuộc họp khẩn cấp cấp bộ trưởng để thảo luận về các vụ tấn công bạo lực nhằm vào người Palestine. Lời kêu gọi này đã được AL chấp nhận. Đại diện thường trực của UAE tại AL nhấn mạnh, Chính phủ Israel phải chịu trách nhiệm đối với tất cả các tội ác chiến tranh chống lại người Palestine, đồng thời cho rằng những người gây tội ác phải bị đưa ra xét xử trước cơ quan công lý quốc tế.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng đề nghị Israel “xem xét thận trọng” về việc “liệu lực lượng an ninh nước này có lạm dụng vũ lực trong các cuộc đụng độ với người Palestine hay không”. Theo ông Ban Ki-moon, đề nghị này nhằm tránh làm leo thang căng thẳng, dẫn tới tình trạng đổ máu”.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng căng thẳng leo thang giữa Palestine - Israel, đồng thời hối thúc các bên tiến hành các bước đi nhằm khôi phục ổn định và ngăn chặn các hành động có thể làm leo thang căng thẳng. Washington sẽ liên lạc thường xuyên với chính quyền Israel và chính quyền Palestine. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết đang nỗ lực xoa dịu tình trạng căng thẳng giữa người Palestine và Israel, đồng thời thông báo sẽ sớm tới khu vực này để tìm cách tháo gỡ vấn đề.
Và “bóng ma” Intifada…
Theo các nhà phân tích, những diễn biến căng thẳng thời gian qua ở Trung Đông cho thấy vòng xoáy bạo lực mới nhất đã xuất hiện trở lại ở vùng đất máu lửa này. Làn sóng bạo lực này được châm ngòi từ giữa tháng 9/2015, thời điểm bắt đầu dịp lễ năm mới Rosh Hashana của người Do Thái và lễ hiến sinh Al-Adha của người Hồi giáo. Xung đột khởi phát từ khu vực đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa (Jerusalem) - địa điểm tín ngưỡng linh thiêng đối với cả người Do Thái và người Hồi giáo - đã nhanh chóng lan sang những khu vực khác ở Bờ Tây, biên giới với Dải Gaza, thậm chí các thành phố lớn của Israel.
Bạo lực gia tăng và kéo dài trên diện rộng gây thương vong lớn cho cả hai bên, nhất là người Palestine, khiến giới chức Israel thực sự lo ngại về nguy cơ tái diễn cuộc nổi dậy (Intifada) năm 1987 của người Palestine chống lại sự chiếm đóng của Israel tại khu Bờ Tây và Dải Gaza.
Báo chí Israel mới đây đã đồng loạt đăng các bài viết phân tích về nguy cơ tái diễn phong trào này. Ông Nahum Barnea, nhà bình luận hàng đầu của Israel trên tờ “Yediot Ahronot” đã gọi làn sóng bạo lực mới nhất này là “Intifada thứ ba”. Theo ông Barnea, các giới chức chính trị, quân sự không dùng cái tên này để chỉ những diễn biến hiện nay bởi chính họ đang muốn ngăn chặn kịch bản ấy thực sự tái diễn.
Còn theo nhà phân tích chính trị người Palestine Hani Al-Masri, những gì đang diễn ra không phải là tín hiệu của một cuộc nổi dậy mới. Cuộc khởi nghĩa Intifada lần thứ ba nếu muốn lặp lại thì cần phải có người lãnh đạo, song giới chức chính trị Palestine lại phản đối điều này.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, nếu xét về quy mô và tính chất, cuộc xung đột hiện nay chưa thể so sánh với hai cuộc nổi dậy của người Palestine chống Israel vào những năm 1980 và 2000. Các cuộc biểu tình và hành động tấn công của người Palestine vẫn chưa mang tính tổ chức và diễn ra ở phạm vi hẹp, chủ yếu ở Jerusalem.
Mặc dù vậy, giới quan sát đều cho rằng chỉ cần xuất hiện thêm một vài diễn biến kịch tính, căng thẳng sẽ thực sự dẫn tới một Intifada nữa của người Palestine. Tình hình đó sẽ đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông rơi vào bế tắc và hy vọng về giải pháp hai Nhà nước Israel và Palestine cùng tồn tại hòa bình sẽ càng trở nên xa vời...