Bóng ngừng lăn, trọng tài... bán hàng online mưu sinh?

(PLVN) -Bóng đá trong nước cũng như trên thế giới phải ngưng lại do dịch Covid-19, cầu thủ vẫn nhận lương từ CLB. Vậy những vị vua sân cỏ kiếm tiền từ đâu khi không có cơ hội cầm còi?
Các trọng tài mong mỏi bóng đá sẽ trở lại để họ tiếp tục công việc của mình

Ông Dương Văn Hiền – Trưởng Ban Trọng tài VFF cho biết: "80-90% trọng tài Việt Nam đều làm cơ quan nhà nước như giảng viên hoặc cán bộ Trung tâm TDTT ở các Sở, Ban, Ngành. Các giải đấu trong nước không diễn ra họ sẽ mất một phần thu nhập”.

Trợ lý trọng tài Phạm Mạnh Long cho biết ông vẫn tập luyện đều để duy trì thể lực và chờ đợi V.League khởi tranh trở lại: ““Nghề của chúng tôi rủi ro tương đối lớn, chỉ vài giây không tập trung thì sẽ phạm sai lầm ngay, thậm chí là sai lầm nghiêm trọng nên với tôi khi rảnh như thế này dù rất nhớ công việc nhưng phải tranh thủ tự rèn luyện, học hỏi bất cứ lúc nào từ video hay từ các đồng nghiệp ngoại quốc”.

Ông Long cho biết thêm: “Hằng tuần, Ban Trọng tài AFC đều gửi email các bài test tình huống và chúng tôi phải hoàn thành các bài tập đó. Đây cũng là cách để mình tích luỹ kinh nghiệm cũng như nâng cao chuyên môn”.

Nghề trọng tài là một nghề đầy áp lực, nên đã chọn theo nghiệp này, đam mê phải là lựa chọn hăng đầu, nếu không có đam mê sẽ khó mà theo đuổi được. Áp lực từ sức khỏe, chuyên môn, cho đến điều kiển trận đấu. Sự lạnh lùng, công tâm phải đặt lên hàng đầu.

Khi bóng không còn lăn, coi như trọng tài sẽ mất đi thu nhập:: “V.League tạm hoãn cũng buồn lắm chứ nhưng biết làm sao được, cả xã hội đang phải chống dịch Covid-19 nên tôi hoàn toàn không oán trách bất cứ điều gì, dù không đi làm thì không có thu nhập. Đây là trường hợp bất khả kháng nên chúng ta cần chia sẻ với giải đấu”, Trợ lý Phạm Mạnh Long ngậm ngùi.

Trọng tài Ngô Duy Lân là lao động chính của gia đình, khi giải đấu tạm ngưng khó khăn với ông là điều hiển nhiên nên ông phải chọn thêm công việc mới để trang trãi cuộc sống. “Thông thường khi mùa giải tạm dừng thì cầu thủ, HLV đều có lương còn các trọng tài thì không bởi chỉ có đi làm nhiệm vụ thì mới được tính tiền công. Chúng tôi hiểu quy luật đó nên không than trách.

Mùa dịch này, tôi xoay qua bán online các sản phẩm như giày, tất bóng đá nhưng cũng ế lắm vì có mấy người chơi bóng giữa mùa dịch bệnh đâu”, trọng tài Ngô Duy Lân bộc bạch.

Thông thường các trọng tài đều có nghề chính của mình, chẳng hạn như đương kim “Còi vàng” Hoàng Ngọc Hà đang là giáo viên dạy thể chất trường Nam Trung Yên (Hà Nội) hay “Còi vàng” Phạm Mạnh Long là cán bộ của trung tâm bóng đá Hải Phòng nên họ còn có khoản lương cứng.

Còn với những người coi trọng tài là nghề chính như Ngô Duy Lân tin rằng mùa giải sẽ sớm trở lại và họ sẽ tiếp tục sống và nuôi đam mê của mình. “Cả nước đang chống dịch rất tốt, tôi tin tưởng bóng đá Việt Nam, V.League sẽ trở lại ở thời điểm sớm nhất”, ông Lân lạc quan.

Trao đổi việc khó khăn của các trọng tài trong thời dịch bệnh này, Ông Dương Văn Hiền chia sẽ thêm:. “Bóng đá tạm nghỉ thì trọng tài cũng phải dừng theo. Song chúng tôi không bị động. Chia sẻ với mọi người là các trọng tài có một nhóm sinh hoạt trên mạng xã hội. Và Ban Trọng tài VFF có thể trao đổi với anh em trọng tài qua nhóm đó.

Chúng tôi nhắc các trọng tài cần tuân thủ tuyệt đối chỉ thị của Chính phủ, hạn chế di chuyển, đi lại nếu không cần thiết. Bên cạnh đó, kể cả trong quãng thời gian giải đấu tạm hoãn thì các trọng tài vẫn phải cố gắng tập luyện, để qua đó khi giải đấu quay trở lại có thể bắt nhịp một cách như bình thường".