Theo BS.CK2 Vương Minh Chiều, khoa Ngoại tổng hợp BV Nhi Đồng 2: “Trẻ bị bỏng thực quản do hóa chất phải điều trị trong thời gian rất dài. Tuổi thơ của trẻ gần như dang dở, chỉ vì bất cẩn của nhiều phụ huynh”.
Trường hợp điển hình là bé T.Đ., vì nhầm lẫn nước tro tàu trong chai là nước suối, nên em đã vô tình uống phải. Được đưa đến bệnh viện và được bác sĩ tận lực cứu chữa, nhưng em vẫn bị hẹp toàn bộ thực quản ngực. Không thể ăn bằng đường miệng, em phải mở dạ dày và đặt ống nuôi ăn.
Trải qua nhiều lần nong thực quản, mổ cắt nối thực quản nhưng vẫn tái hẹp, em phải phẫu thuật thay thế thực quản bằng dạ dày. Hiện, em đã ăn uống lại được nhưng vẫn tiếp tục tái khám, theo dõi.
|
Ảnh: BVCC |
Đây chỉ là số ít các ca điển hình bác sĩ Chiều chia sẻ. Để không còn những trường hợp tương tự tiếp diễn, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên cảnh giác hơn trong việc sử dụng các hóa chất. Nên đặt ở những vị trí an toàn, tuyệt đối tránh tiếp xúc với con trẻ và không nên chứa đựng trong các chai lọ dễ gây nhầm lẫn.
Hằng năm, bác sĩ Chiều và các cộng sự của khoa thường tiếp nhận các trường hợp trẻ bỏng thực quản do nuốt phải hóa chất mà người lớn sử dụng. Tùy thuộc vào mức độ sâu, rộng của vết thương, các bé trải qua nhiều giai đoạn điều trị. Từ nội soi tiêu hóa nong thực quản nhiều lần, phẫu thuật cắt nối thực quản và cả phẫu thuật chuyển dạ dày lên lồng ngực để thay thế thực quản.
Các loại hóa chất thường gặp trong các trường hợp này như: hóa chất thông cống dạng lỏng, bột hay viên; nước tẩy nốt ruồi; hóa chất dùng để khử khuẩn, vệ sinh nhà cửa; nước tro tàu;…, hầu hết được chứa trong những chai, lọ quen thuộc.
Phụ huynh chỉ biết đến sự cố khi thấy con trẻ ho sặc sụa, cơ thể tím tái và hơi thở có mùi hóa chất. Nếu phát hiện muộn hoặc tình trạng đã trở nặng có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
Bác sĩ cũng lưu ý, khi nghi ngờ trẻ bị bỏng thực quản, người nhà không nên tự ý móc họng cho trẻ ói vì sẽ làm hoá chất tiếp xúc thêm thực quản một lần nữa. Hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất kèm theo hoá chất gây bỏng.