“Bức tranh” kinh tế vĩ mô 2012 ngày càng sáng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khẳng định: “Dù có nhiều khó khăn trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế xã hội năm 2012 đã đạt những kết quả nhất định, tạo tiền đề để Chính phủ có thể tiếp tục điều hành hoàn thành kế hoạch năm và chuẩn bị cho năm kế hoạch tiếp theo".

Báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cho biết, sẽ tăng cường điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, quản lý thu chi ngân sách chặt chẽ, giảm tối đa các khoản chi cho cán bộ đi công tác nước ngoài, tăng lương tối thiểu lên mức 1,15 triệu đồng/tháng… trong nỗ lực quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch 2012.
Cũng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khẳng định: “Dù có nhiều khó khăn trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế xã hội năm 2012 đã đạt những kết quả nhất định, tạo tiền đề để Chính phủ có thể tiếp tục điều hành hoàn thành kế hoạch năm và chuẩn bị cho năm kế hoạch tiếp theo. 
Thủ tướng Chính phủ tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII
Thủ tướng Chính phủ tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII
Nỗ lực bằng những giải pháp toàn diện
Để có được những kết quả tích cực, trong chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô của đất nước, ngay từ những tháng đầu năm kế hoạch 2012, Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt thể hiện qua tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2012 về những giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012.
Nghị quyết 01/NQ-CP với 7 nhóm giải pháp chủ yếu nêu rõ: Việc thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2012 có ý nghĩa rất quan trọng, vừa bảo đảm giải quyết những khó khăn vướng mắc, vừa tạo nguồn lực cần thiết bảo đảm an sinh xã hội, vừa tạo tiền đề vững chắc góp phần thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020.
Một trong những “tháo gỡ” mang tính linh hoạt được sự đồng tình của xã hội chính là Nghị quyết số 13/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày: 10/05/2012,về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, với các điểm nhấn: Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của tháng 4, tháng 5 và tháng 6/2012…;
Giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2012 đối với một số tổ chức kinh tế cho DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ…; Gia hạn thời hạn nộp đối với thuế thu nhập DN từ năm 2011 trở về trước mà chưa nộp vào ngân sách nhà nước;
Miễn thuế môn bài năm 2012 đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối; Gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính…
Mọi lĩnh vực đều tăng
Nhờ đó, “bức tranh” toàn cảnh kinh tế vĩ mô 2012 càng về những tháng cuối năm, càng lộ diện những “gam” màu sáng. 
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê: Vượt qua khó khăn, trong tháng 11 kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 10,2 tỷ USD, giảm nhẹ so với tháng trước. Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 6,7 tỷ USD, lại tăng nhẹ so với tháng 10 và chiếm 65,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thuỷ sản đạt kim ngạch 550 triệu USD; dầu thô 805 triệu USD, giày dép 790 triệu USD...
Dệt may và nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện là 2 nhóm hàng duy nhất có kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD trong tháng 11, đạt lần lượt 1,3 tỷ USD và 1,35 tỷ USD.
Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt hơn 104 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ 2011. Tổng kim ngạch nhập khẩu 11 tháng ước 103,988 tỷ USD, tăng 6,8% so cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2011. Tổng cục Hải quan cũng đã công bố sơ bộ về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ ngày 1 - 15/11 năm 2012.
Theo đó, kết quả đạt được trong 15 ngày đầu tháng 11/2012 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2012 đạt 197,28 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2011. 
Số liệu tích cực cũng có được từ khu vực nông lâm thổ sản. Theo Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông lâm sản chính 11 tháng năm nay có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, ngoại trừ mặt hàng gạo và cao su. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 11 ước đạt 2,4 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 11 tháng ước đạt 25 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính 11 tháng ước đạt 13,6 tỷ USD, tăng 9,3%; thuỷ sản ước đạt 5,6 tỷ USD, tăng 1,2%; lâm sản chính ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng mặt hàng cà phê đang có tăng trưởng mạnh cả về lượng và giá trị: Tháng 11 xuất khẩu cà phê ước đạt 122 ngàn tấn, với giá trị đạt 261 triệu USD, nâng tổng khối lượng cà phê xuất khẩu 11 tháng lên mức 1,56 triệu tấn với trị giá 3,33 tỷ USD, tăng 42% về lượng và 37,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng thủy sản cũng được đánh giá khá ổn định với giá trị kim ngạch xuất tháng 11 ước đạt 514 triệu USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu thủy sản 11 tháng lên 5,59 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2011. 
Không chỉ có tín hiệu tích cực trong tăng trưởng kinh tế, lĩnh vực kềm chế lạm phát cũng đang phát triển đúng hướng khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 11 đã "hạ nhiệt" khá sâu với mức tăng 0,47% so với tháng 10, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 0,85% của tháng 10 và mức đỉnh 2,2% của tháng 9 trước đó.
Cũng theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố ngày 24/11: CPI tháng 11 đã tăng 6,52% so với tháng 12/2011, đưa CPI bình quân 11 tháng qua chỉ tăng 9,43% so với cùng kỳ 2011. Do vậy, khả năng kiềm giữ CPI cả năm 2012 ước đạt ở mức 8% nếu kềm giữ được CPI tháng 12 tăng không quá 1,4%.
Việc kiềm giữ CPI cả nước theo đúng lộ trình… có thể không khó khi các chuyên gia kinh tế cho rằng, bất chấp những khó khăn chung và những nỗ lực điều hành của Chính phủ, xu hướng giảm giá theo chiều hướng tích cực cũng khá bất ngờ, đi ngược hẳn với quy luật tiêu dùng mọi năm. 
Cho dù theo báo cáo của Chính phủ, năm 2012, kinh tế xã hội vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết nhưng từ khẳng định của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam: “Dự kiến năm 2012 sẽ đạt được những kết quả toàn diện, đúng hướng, trong đó kết quả lớn nhất là ổn định một bước kinh tế vĩ mô. Năm 2013, Chính phủ sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào mục tiêu này. Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2013 tiếp tục đặt trọng tâm vào ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định vĩ mô là biện pháp căn bản nhất tháo gỡ khó khăn cho DN” và 9 giải pháp để phát triển KTXH năm 2013 được Chính phủ xác định đem lại nhiều cơ sở để tin tưởng rằng mục tiêu “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012.
Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo” sẽ được thực hiện".

ĐBQH tỉnh Thái Bình Cao Sĩ Kiêm: “Trong điều kiện khó khăn như năm 2012, những kết quả đạt được trong thực hiện kế hoạch KTXH do chúng ta đã tập trung kiềm chế lạm phát bằng các biện pháp mạnh và khá đồng bộ dù là giải pháp này nó cũng để lại một số hậu quả mà chúng ta đang phải gánh; có sự linh hoạt trong điều hành, nhất là khi kiểm điểm 6 tháng có những vấn đề mới, chúng ta đã nới lỏng một số chính sách và kết hợp tháo gỡ khó khăn cho DN và cho các vướng mắc của nền KTXH; bắt đầu triển khai đổi mới cơ cấu kinh tế gắn với 10 tăng trưởng ở một số lĩnh vực theo hướng thiết lập sự ổn định vĩ mô ngày càng vững chắc hơn như vấn đề tài chính, ngân hàng, thương mại, đầu tư.

Kết quả trên giúp giữ được trạng thái ổn định nền kinh tế trong điều kiện hết sức khó khăn, được các tổ chức quốc tế, nhất là các tổ chức tài chính đánh giá đi đúng hướng và đang khuyến khích kiến nghị phải làm nhanh, làm mạnh và làm kiên quyết hơn”. 

ĐBQH tỉnh Hòa Bình Nguyễn Cao Sơn: “Năm 2012 trong điều kiện diễn biến phức tạp của nền kinh tế thế giới nhưng dưới sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ kinh tế nước ta đã đạt được kết quả cơ bản như lạm phát được kiềm chế, kim ngạch xuất khẩu tăng cao hơn so với chỉ tiêu kế hoạch.

Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, số vụ tai nạn giao thông giảm thiểu rõ rệt so với cùng kỳ. Việc thực hiện các chính sách bình ổn giá và miễn, giảm, gia hạn nhiều loại tiền thuế đã giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”.

ĐBQH tỉnh Hà Giang Triệu Mùi Nái: “Năm 2012 trong bối cảnh khó khăn và biến động của nền kinh tế thế giới và trong nước, Chính phủ đã quyết tâm triển khai nhiều giải pháp chỉ đạo điều hành để đạt các mục tiêu phát triển, trong đó đảm bảo an sinh xã hội.

Thông qua thực hiện các chương trình chính sách nguồn vốn hàng năm đầu tư từ ngân sách nhà nước bình quân hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, cho vay tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, ngành nghề truyền thống, phát triển giáo dục, văn hóa, y tế, bảo hiểm y tế cho hộ nghèo và hộ cận nghèo được tăng lên.

Các chính sách trợ giúp xã hội, trợ giúp khắc phục thiên tai, các phong trào tương thân, tương ái, đền ơn, đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn do MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên phát động đã phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần đáng kể vào việc đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho người dân, nhất là các hộ nghèo và vùng nghèo”.

H.G (ghi)  

Phương Đình Nguyễn

Đọc thêm