Các thôn xóm tại Yên Lạc thay đổi từng ngày, nhờ những con đường mới. Nhân dân tại Yên Lạc đều chung sức đồng lòng trong việc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng ở địa phương.
Sức sống mới tại Yên Lạc
Xã Văn Tiến, huyện Yên Lạc vừa được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.
Đây là thành quả của tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chung tay xây dựng quê hương của Đảng ủy, chính quyền và nhân dân trong xã.
Giờ đây, xã Văn Tiến đã “khoác” lên mình diện mạo khang trang với hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn “điện, đường, trường, trạm” được đầu tư xây dựng đồng bộ, đáp ứng tốt yêu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Quan trọng hơn, công cuộc xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao đã phát huy vai trò chủ thể của người dân; từ đó thay đổi tư duy, nhận thức để mỗi cá nhân góp sức cùng chính quyền hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Nhân dân trong xã đã đóng góp trên 12 tỉ đồng và hàng trăm ngày công lao động, hiến hàng trăm mét vuông đất, vật kiến trúc để xây dựng đường giao thông nông thôn và các hạng mục khác.
Ông Trần Xuân Dưỡng, Chủ tịch UBND Văn Tiến hào hứng chia sẻ: “Đảng ủy, chính quyền xã đã xác định mục đích của xây dựng nông thôn mới nâng cao là tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho người dân, nên đã triển khai nhiều biện pháp hiệu quả. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 64,52 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo còn 2,41%, tỉ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt 100%. Người dân tại địa phương, quyết tâm thực hiện nếp sống văn minh, hiện đại.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, sự vào cuộc của chính quyền, khu dân cư, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và nhân dân xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, 75/75 chỉ tiêu nông thôn mới nâng cao. Nhân dân xã Trung Kiên, đang hân hoan và tự hào chuẩn bị tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu xã nông thôn mới nâng cao vào cuối tháng 8/2023”.
Trường tiểu học Văn Tiến khang trang, sạch đẹp (Ảnh: Trang Lê) |
Ông Nguyễn Văn Vui, Chủ tịch UBND xã Trung Kiên cho biết: “Trong quá trình thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tiêu chí về môi trường là tiêu chí khó để thực hiện nhất ở xã. Để sớm hoàn thành tiêu chí này, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng nước sạch đối với 100% người dân. Chính quyền xã thuê hợp tác xã môi trường, thực hiện thu gom rác mang đi xử lý. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện thu gom rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm”.
Xã Trung Kiên đã vận động nhân dân cải tạo được hơn 6.500m2 tường rào; xây và trồng được 30 bồn hoa; thực hiện trồng 7.000m đường cây chuỗi ngọc và 200 cây bóng mát. Thực hiện lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời tại 9/9 thôn dân cư. Đặc biệt, xã đã cải tạo hệ thống điện chiếu sáng trên toàn xã, qua đó đảm bảo 100% trên địa bàn xã có hệ thống chiếu sáng. Hiện nay, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 0,99%, thu nhập bình quân đầu người đạt 64,7 triệu đồng/năm…
Nông thôn mới ở xã Trung Kiên ngày càng khởi sắc, giúp đời sống người dân ngày được nâng cao (Ảnh: Trang Lê) |
Nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc
Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Bí thư Huyện ủy Yên Lạc nhấn mạnh: “Huyện Yên Lạc phấn đấu trong năm 2023, sẽ là địa phương đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Xác định rõ, trong xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, với phương châm “dân làm, Nhà nước hỗ trợ” và tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng văn minh, giàu đẹp, hiện đại, xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, phát huy lợi thế của địa phương trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, từ đó nâng cao đời sống cho nhân dân”.
Huyện Yên Lạc huy động, lồng ghép các nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế; tận dụng, nâng cấp các công trình hiện có, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn.
Nhằm nâng cao tiêu chí môi trường, huyện Yên Lạc đầu tư 65 bãi xử lý rác thải, đưa 9 lò đốt rác thải sinh hoạt bằng khí tự nhiên vào hoạt động tại các xã, thị trấn; xây dựng, cải tạo hơn 70 km cống, rãnh thoát nước thải, qua đó đã khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư. Huyện cũng nâng cao chất lượng môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn; giữ gìn và khôi phục hình ảnh, cảnh quan truyền thống của nông thôn Vĩnh Phúc.
Yên Lạc đã thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn. Huyện chú trọng xây dựng các mô hình trang trại, trại sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nhiều vùng cho thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/ha như như: Trồng bí đỏ ở xã Tề Lỗ, Tam Hồng, trồng chuối tiêu hồng, bưởi năm roi ở Liên Châu, Hồng Châu, Nguyệt Đức, lúa lai cao sản, đậu tương ĐT 26, cà chua lai ghép, dưa hấu. Với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền vào cuộc và các đoàn thể đến nay, trên địa bàn huyện Yên Lạc có 6/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 48/125 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Huyện Yên Lạc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới, bảo đảm thiết thực, hiệu quả; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Trong đó, chú trọng đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, để nâng cao thu nhập và mức sống người dân. Huyện đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành các tiêu chí, sớm đưa huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao.