Bước tiến trong bảo tồn động vật hoang dã

(PLVN) - Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký phê duyệt Quyết định số 49/QĐ-TTg, chính thức khởi động Chương trình Quốc gia về bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đây là một bước tiến lớn nhằm thúc đẩy các nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã, bảo vệ đa dạng sinh học, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hành trình truy tìm dấu vết tự nhiên và bảo tồn sao la là minh chứng về nỗ lực bảo tồn dài hơi, bền bỉ với sự chung tay của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội. (Ảnh sao la trong tự nhiên: WWF Việt Nam)

Trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội

Sự suy giảm nghiêm trọng của các loài động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp trên toàn cầu đặt ra câu hỏi cấp bách về trách nhiệm bảo vệ môi trường sống tự nhiên. Tại Việt Nam, nhiều loài quý hiếm như tê giác, voọc Cát Bà và rùa hồ Gươm đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn bắn, mất sinh cảnh và biến đổi khí hậu.

Các nỗ lực bảo tồn ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm đã diễn ra trong nhiều thập kỷ, âm thầm, bền bỉ và cống hiến. Điển hình là câu chuyện về bảo tồn loài sao la tại Việt Nam, còn được biết đến là loài “chỉ thị của rừng nguyên sinh”, “kỳ lân châu Á”. Loài thú móng guốc này được xếp hạng ở mức cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ của IUCN và là bước cuối cùng trước khi tuyệt chủng. Kể từ khi bức ảnh cuối cùng về sao la được chụp lại bằng bẫy ảnh được công bố tháng 9/2013 ở núi rừng Trường Sơn, các nhà khoa học, tổ chức bảo tồn và chính quyền địa phương đã nỗ lực không ngừng nghỉ tìm kiếm dấu vết tồn tại của sao la trong tự nhiên và thúc đẩy công tác bảo tồn.

Từ các chương trình bẫy ảnh tại rừng Trung Trường Sơn đến các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng, mỗi bước đi đều hướng đến việc tìm kiếm dấu vết và bảo vệ môi trường sống tự nhiên của loài thú quý hiếm này. Năm 1996 và 1998, các cá thể sao la từng được đưa vào nuôi nhốt nghiên cứu nhưng chưa thành công. Tuy vậy, các khu rừng nguyên sinh như Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong vẫn được xem là “mái nhà hy vọng” của loài này - nơi các biện pháp bảo tồn sinh cảnh và mô hình bảo vệ rừng bền vững đang được triển khai để bảo vệ sự sống còn của sao la và hệ sinh thái độc đáo của Việt Nam. Cùng với đó, năm 2023, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) Việt Nam đã phát động chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng bảo vệ những cá thể sao la còn tồn tại ở khu vực Trung Trường Sơn với chủ đề “Giữ rừng nguyên vẹn - Tái hẹn sao la”.

Tiếp thêm động lực thúc đẩy các nỗ lực bảo tồn, Chương trình Quốc gia về bảo tồn các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (sau đây gọi tắt là Chương trình), nêu rõ quan điểm công tác bảo tồn này là nhiệm vụ ưu tiên của công tác bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Theo đó, Chương trình thiết lập khuôn khổ hành động chung, khuyến khích và tạo điều kiện để mọi tổ chức, cá nhân tham gia vào đầu tư, bảo tồn. Chương trình nhấn mạnh kết hợp hiệu quả công tác bảo tồn tại chỗ và bảo tồn chuyển chỗ đối với các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; từng bước tiếp cận và áp dụng các phương pháp bảo tồn tiên tiến của quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Hướng đến tương lai bền vững

Đặt ra nhiều mục tiêu kỳ vọng, Chương trình phấn đấu cải thiện tình trạng của ít nhất 10 loài động vật nguy cấp, đồng thời thực hiện bảo tồn tại chỗ và tái thả ít nhất 3 loài về tự nhiên vào năm 2030. Ngoài ra, 100% các loài nguy cấp, quý, hiếm sẽ có phương án quản lý và giám sát tại các tại các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu vực ĐDSH và cơ sở bảo tồn ĐDSH. Việc tái cấu trúc hệ thống bảo tồn thiên nhiên không chỉ mang ý nghĩa bảo vệ ĐDSH mà còn tạo tiền đề để phát triển kinh tế xanh. Các loài ĐVHD vai trò không thể thiếu trong việc duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái, từ đó hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và cả du lịch bền vững. Chương trình cũng đặt ra nhiều nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, điển hình như điều tra và xây dựng cơ sở dữ liệu, kết hợp hiệu quả công tác bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ, nâng cao nhận thức cộng đồng và tăng cường hợp tác quốc tế.

Chương trình quốc gia về bảo tồn đầy tham vọng này mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức. Việc thực hiện các biện pháp bảo tồn đòi hỏi nguồn ngân sách lớn, từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng bảo tồn đến triển khai nghiên cứu khoa học. Trong khi các khu vực rừng đặc dụng và ĐDSH thường nằm ở vùng có tiềm năng phát triển kinh tế, xung đột lợi ích giữa bảo tồn và khai thác tài nguyên là điều khó tránh khỏi. Đáng chú ý, dù đã có nhiều chính sách kiểm soát, nạn săn bắn trái phép vẫn tồn tại ở nhiều khu vực, đòi hỏi sự quyết liệt hơn trong công tác thực thi pháp luật.

Trong bối cảnh tình trạng suy giảm ĐDSH diễn ra mạnh mẽ toàn cầu, động thái này đã góp phần thể hiện cam kết mạnh mẽ với công cuộc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam trong thập kỷ phục hồi sinh thái. Chương trình quốc gia không chỉ tạo ra hành lang chính sách về môi trường mà còn là bước đi chiến lược hướng tới phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng cường kinh tế xanh. Đây là hành trình dài hơi, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ cơ quan quản lý, tổ chức bảo tồn, cộng đồng đến doanh nghiệp. Hơn hết, đây là cơ hội để mỗi cá nhân và tổ chức cùng chung tay tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau.

Đọc thêm