Bước vào kỷ nguyên số

(PLVN) - Thời gian gần đây, cụm từ “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” hay các cách gọi khác là “Cách mạng công nghiệp 4.0”, “Cách mạng 4.0”, “Công nghiệp 4.0” hay “Cách mạng số”, không còn xa lạ.
Ảnh minh họa.

Cách đây 2 ngày, tại Hà Nội diễn ra Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số”. Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các bộ, cơ quan tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Đây là một vấn đề lớn, rất mới.

Thời gian gần đây, cụm từ “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” hay các cách gọi khác là “Cách mạng công nghiệp 4.0”, “Cách mạng 4.0”, “Công nghiệp 4.0” hay “Cách mạng số”, không còn xa lạ. Các cụm từ này xuất hiện nhiều đến nỗi, bất cứ một văn kiện, nghị quyết, báo cáo, diễn văn của các cấp, các ngành nếu thiếu sẽ gây cảm giác “chưa bắt kịp thời đại”. Theo TSKH. Phan Xuân Dũng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, hiện nay là Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, thuật ngữ “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” lần đầu tiên được đưa ra tại Hội chợ Công nghệ Hannover (Đức) năm 2011. Như vậy, mới xuất hiện đúng 10 năm.

Ở một số nước, cuộc Cách mạng này còn được gọi là “Công nghiệp IP”, “Sản xuất thông minh”, “Sản xuất số”. Dù tên gọi khác nhau nhưng chung quy là sản xuất tương lai mang khuôn mặt ảo (mạng) và thế giới thực (máy móc) xích lại gần nhau. Thế giới biến đổi là quy luật biện chứng. “Cách mạng công nghiệp 4.0” ra đời có hoàn cảnh lịch sử cụ thể, đó là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khốc liệt những năm 2008-2009 và sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ trên thế giới.

Hai năm qua, 2020-2021 đại dịch COVID-19 xuất hiện trở thành “thảm họa toàn cầu”. Đây là “cú huých” lớn đẩy nhanh quá trình xuất hiện kỷ nguyên số trên thế giới. Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.

Đến nay, Việt Nam đã có nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước thể hiện chủ trương phát triển quốc gia trong kỷ nguyên số, như Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã xây dựng và ban hành các chương trình hành động và chiến lược quốc gia tương ứng với các lĩnh vực liên quan, như Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI.

Do vậy, làm rõ các căn cứ khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế để đề xuất các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh COVID-19 là do yêu cầu phát triển đất nước đặt ra. Tranh thủ các cơ hội từ kỷ nguyên số, xây dựng các chính sách đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là góp phần hiện thực hóa mục tiêu do Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.

Đọc thêm