Buồn tênh “Chiếu Văn”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hà Nội, một ngày buồn tênh. Trong căn gác nhỏ nơi ngõ cũ Văn Chương, Sơn Tùng đã rời cõi tạm.
Buồn tênh “Chiếu Văn”

“Chiếu Văn”, chốn hội ngộ của văn nghệ sĩ nhiều thế hệ, giờ cũng lặng ngắt tiếc thương cho cuộc đời nhà văn khổ đau mà phi thường.

Những năm tháng tuổi trẻ sục sôi làm báo, Sơn Tùng là cây bút chuyên viết về những số phận thiếu may mắn với sự cảm thông vô cùng. Từ năm 1967, ông là người đầu tiên phát hiện và viết về cậu bé cụt tay Hoa Xuân Tứ ở quê nghèo Nghệ An, góp phần đưa cậu bé “siêu nhân” trở thành biểu tượng nghị lực một thời. Ai ngờ, hình ảnh cậu bé phải vặn vẹo đầu cổ kẹp cho được chiếc bút viết chữ lại là động lực cho nhà văn trong quãng đời đấu tranh với bệnh tật sau này.

Năm 43 tuổi, Sơn Tùng bị thương nặng tại chiến trường miền Nam với 14 vết thương, 3 mảnh đạn trong sọ não không lấy ra được, thị lực chỉ còn 1/10. Một mảnh đạn đã cắt vào gân cổ tay phải khiến tay ông co quắp lại. Từ cõi chết, Sơn Tùng trở về cuộc sống đời thường với hàng chục mảnh đạn cứa nát thân thể. Nhà văn từng tâm sự, ông chỉ ước có được hai năm bình thường như trước để dồn toàn lực ghi chép thành văn bản tất cả những tư liệu quý giá đã nghiên cứu sưu tầm được. Nhưng bàn tay ông không nâng được bát cơm, không cầm được bút viết.

Khao khát được viết, khao khát được làm việc! Ý chí thôi thúc ông phải cầm lại bút. Hình ảnh cậu bé Hoa Xuân Tứ nơi bãi bồi sông Lam kẹp bút vào vai luôn hiện lên trong tâm trí ông. Nhà văn thương binh phải tập viết bằng cách dùng dây chun buộc bút vào ngón trỏ và ngón cái. Rất lâu sau ông mới có thể tháo dây, tự kẹp bút vào hai ngón tay để viết.

Cũng mấy ai ngờ, sau gần nửa thế kỷ, nhà văn có thể gặp lại cậu bé Tứ năm nào. Sau khi Pháp luật & Thời đại, ấn phẩm của Báo Pháp luật Việt Nam đăng tải bài “Góc khuất 45 năm cuộc đời sau khoảnh khắc được tôn vinh của “siêu nhân” Hoa Xuân Tứ” vào năm 2012, Ban biên tập Báo đã giúp ông Tứ nối lại được liên lạc và từ Nghệ An ra Hà Nội để thực hiện ước mơ canh cánh: tri ân nhà văn Sơn Tùng. Anh Sơn Định, con trai nhà văn lúc ấy đã xúc động gọi sự gặp gỡ là “mối nhân duyên non nửa đời người”. Gần nửa thế kỷ giờ mới gặp lại nhau trong tình cảnh ấy, “vừa mừng vừa nghĩ cũng nhiều xót xa”.

Những tác phẩm để đời của nhà văn đều được chắp bút từ những năm tháng vật lộn trong những cơn đau buốt triền miên. Từ bàn viết giản dị bên cửa sổ gian tập thể nhỏ xíu, từ cây bút máy kẹp chặt bằng ngón cái và ngón trỏ, hàng nghìn trang bản thảo đã ra đời. Với Sơn Tùng, giai đoạn sáng tác mãnh liệt nhất lại là lúc ông đã ở tuổi năm mươi và là thương binh nặng.

Gia đình Sơn Tùng từng kể, có những lúc sợ mình lên cơn đau bất chợt có thể ngã, nhà văn phải nhờ người thân dùng dây mền buộc mình vào ghế để ngồi cho vững. Cứ thế ông miệt mài viết, có lúc vết thương cũ trên đầu rỉ máu thấm đỏ cả cổ áo mà mải mê không biết.

Mấy chục năm ốm đau, thương tật, sáng nào cũng thế, ông đã dậy ngồi tập thiền từ hai ba giờ sáng. Vào cái thời nước máy Hà Nội chảy từng giọt nhỏ, ông thường xuống dưới sân chung từ sáng sớm hứng được ít nước để dọn mình cho thân thể thanh khiết rồi tự mình pha trà, sắp sửa đồ ăn sáng. Trong không khí thanh tịnh của buổi sáng tinh sương và mùi hương thơm ngát trên ban thờ, ông bắt đầu ngồi vào bàn viết, làm việc liên tục đến khi có những người bạn ghé thăm. Cái tên “Chiếu Văn” (nơi ở của nhà văn) ra đời từ ngày nào không hay nhưng từ lâu đã là cái tên thân thương với văn nghệ sỹ nhiều thế hệ.

Năm 2010, nhà văn lão thành một lần nữa phải chiến đấu với căn bệnh tai biến xuất huyết não. Mặc dù qua cơn thập tử nhất sinh nhưng Sơn Tùng vẫn nằm liệt giường và không nói được nhiều.

Nay những khổ đau đã không còn. Nhà văn đã rời cõi tạm. Nhưng người yêu văn Sơn Tùng vẫn lưu dấu hình ảnh và những sáng tác rút ruột rút gan của một văn sĩ tài năng, một nhân cách cương nghị, một số phận phi thường.

Đọc thêm