Chiến thắng nỗi sợ, giữ vững “chiến tuyến”
Dịch Covid-19 bùng phát dữ dội gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt xã hội. Công tác phòng chống dịch bệnh được cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm và triển khai nhiều phương án hiệu quả nâng cao công tác ngăn ngừa, tránh lây lan. Đội ngũ y, bác sĩ trong giai đoạn này phải làm việc gấp đôi công suất, bỏ qua việc cá nhân để toàn sức tập trung chống dịch. Vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, lo lắng của gia đình, cán bộ y tế trẻ BVĐK TP Cần Thơ đã xung phong ra tuyến đầu sàng lọc, phân luồng người nghi nhiễm Covid-19.
BVĐK TP Cần Thơ đã bố trí lực lượng cán bộ y tế tại hai cổng ra vào ở đường Châu Văn Liêm và đường 30/4, để kiểm tra thân nhiệt cho tất cả người vào viện. Khi phát hiện người có biểu hiện sốt hay các dấu hiệu nghi ngờ mắc cúm hoặc có yếu tố dịch tễ, cán bộ y tế sẽ đưa người bệnh đến khu vực có bàn khám riêng để tiếp tục kiểm tra, tư vấn.
Corona-19 không phải là nỗi sợ riêng của Việt Nam mà trở thành mối đe dọa toàn cầu. Đội ngũ y, bác sĩ tại các bệnh viện cũng chung nỗi sợ đó nhưng với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm chống dịch cao, họ đã vượt qua mọi khó khăn, sợ hãi để hoàn thành nhiệm vụ. Tại BVĐK TP Cần Thơ, Khoa Truyền nhiễm luôn là lực lượng chính túc trực phục vụ các trường hợp đến khám bệnh vì sợ nhiễm Covid-19.
|
Nhân viên phòng Công tác xã hội Nguyễn Gia Hoàng Diễm đo thân nhiệt cho bệnh nhân đến khám bệnh. |
Bác sĩ trẻ Huỳnh Vĩnh An (Khoa Truyền nhiễm – BVĐK TP Cần Thơ) chia sẻ, lúc đầu cũng mang tâm lý sợ nhưng suy nghĩ đến sức khỏe của bệnh nhân nên mình vượt qua mọi nỗi lo. “Có hôm đang ngồi trực, Khoa Khám bệnh báo có ca nghi nhiễm khai báo đi từ vùng dịch về. Lúc đó, tôi thấy hơi sợ nhưng nghĩ lại mình là bác sĩ phụ trách, nếu không làm thì ai sẽ hỗ trợ cho bệnh nhân. Mọi người làm việc tại đây đã được trang bị bảo hộ rất kỹ. Bản thân tôi cũng luôn ý thức tự bảo vệ bản thân tránh trường hợp lây nhiễm chéo. Rất may là những ca tôi thăm khám đều âm tính”, BS An bộc bạch.
Chịu trách nhiệm đứng đo thân nhiệt, sàng lọc bệnh ngay cổng chính, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 1.500-2.000 bệnh nhân, chị Nguyễn Gia Hoàng Diễm, nhân viên Phòng Công tác xã hội cho biết, lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn, mặc dù vệ sinh rất kỹ nhưng về nhà rất ngại lại gần con nhỏ vì sợ đề kháng bé yếu dễ dàng bị lây lan dịch bệnh. “Hễ về đến nhà là tôi đi thẳng vào nhà tắm chứ không dám ôm con. Bé mới 3 tuổi nên chưa hiểu, tối nào bé cũng dỗi “sao mẹ không ôm con”. Mất gần 1 tuần bé mới quen nếp. Đôi lúc thấy tủi thân lắm! Đợi qua dịch rồi, nếp sinh hoạt sẽ trở lại như bình thường”, Chị Diễm chia sẻ.
“Vì chúng tôi là nhân viên y tế”
Luôn trăn trở trước bệnh tật, sức khỏe của người dân, điều dưỡng Đỗ Thanh Tuyền (Khóa Khám bệnh) luôn tiên phong trong các hoạt động tình nguyện. Những chuyến tình nguyện đến với bà con vùng sâu, vùng xa đối với Tuyền là niềm vui và nhiệt huyết khi được cống hiến, được giúp đỡ bà con nghèo. Từ những ngày mới “chân ướt chân ráo” vào bệnh viện, Tuyền luôn dành những ngày nghỉ để lên tham gia những chuyến khám bệnh từ thiện của bệnh viện tổ chức.
Những ngày đầu tháng 4, khi bệnh viện yêu cầu Khoa Khám bệnh cử cán bộ tham gia bộ phận tầm soát, sàng lọc người bệnh ở khu cách ly nhằm chủ động phòng tránh, không để dịch bệnh lây lan trong môi trường bệnh viện, điều dưỡng Đỗ Thanh Tuyền đã tự nguyện đăng ký thực hiện nhiệm vụ này. Tuyền chia sẻ: “Trước đây em đã tham dự nhiều lớp tập huấn chuyên môn về quy trình khám chữa bệnh cũng như các giải pháp xử trí khi tiếp nhận người bệnh có nguy cơ cũng như trường hợp nhiễm bệnh do BV điều trị nên em tự tin có thể thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.
Bên cạnh đó, vất vả nhất có lẽ là những tình nguyện viên đứng đầu chốt hỗ trợ trạm kiểm soát y tế ở các cửa ngõ vào thành phố. Nhiều người phải trực suốt đêm vì thường xuyên có phương tiên từ tỉnh khác đến thành phố. Có những bạn gần 1 tháng chưa dám về thăm gia đình. Kỹ thuật viên Phạm Trường Giang (Khoa Chẩn đoán hình ảnh) cũng là một trong những người xung phong tham gia vào đội quân “tấm lá chắn” của thành phố. Trường Giang tâm sự: “Đây có lẽ là hoạt động tình nguyện ý nghĩa nhất của tôi. Trải nghiệm giúp tôi rèn được tính cẩn trọng và trách nhiệm của người thầy thuốc trong những lúc người dân cần mình nhất”.
Rút ngắn quy trình khám chữa bệnh hạn chế tập trung đông người
Bác sĩ CKII Võ Hồng Sở, Phó Giám đốc BVĐK TP Cần Thơ cho biết, bệnh viện rút ngắn quy trình khám chữa bệnh đối với bệnh nhân điều trị ngoại trú, giảm thời gian chờ đợi, hạn chế tập trung đông người. Bác sĩ có thể kê đơn điều trị cấp thuốc trong 2 tháng cho người bệnh mạn tính. Bệnh viện cũng hạn chế cho bệnh nhân nhập viện nếu không thật cần thiết, chỉ ưu tiên xử lý các trường hợp cấp cứu. Một người bệnh nội trú chỉ được một người nhà chăm sóc.