Lợi ích sân sau, lợi ích nhóm?
Bà Lê Thị Nga- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội (QH) phát biểu: Các nghiên cứu quốc tế về tham nhũng đã khẳng định rằng: Ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, quyền lực nếu không được kiểm soát chặt chẽ tất yếu sẽ dẫn đến tha hóa quyền lực - đây chính là bản chất và là nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng.
Bà cũng cho biết hiện nay những quy định nhằm bảo đảm kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan trong hệ thống chính trị còn nhiều sơ hở, chưa cụ thể, cùng với việc thiếu kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực trên thực tế dẫn tới tình trạng lạm quyền để trục lợi cá nhân, cấu kết “sân sau”, “lợi ích nhóm”… Do đó, Chính phủ cần nghiên cứu để cụ thể hóa quy định về kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng có hiệu quả.
“Với quy định “biên chế suốt đời”, “có vào không có ra”, “có lên không có xuống” đã tạo nên sức ì rất lớn, dù cán bộ, công chức làm việc không hiệu quả nhưng người đứng đầu rất khó để xem xét trách nhiệm và kỷ luật họ; mặt khác, phiếu tín nhiệm của cán bộ, công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý nên dễ nảy sinh tư tưởng “dĩ hòa vi quý”, “dễ mình dễ ta”. Đây là những bất cập trong công tác tổ chức cán bộ và là nguyên nhân quan trọng làm cho công tác cải cách hành chính, cải cách tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị để phòng chống tham nhũng còn hạn chế. Đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn để xác định các giải pháp khắc phục hiệu quả trong thời gian tới.’ Vị Chủ nhiệm UBTP QH nêu ý kiến.
Thay mặt cử tri, bà phát biểu: Dư luận cử tri và báo chí phản ánh trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế là người thân, trong gia đình; có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ... đã gây nghi ngờ, bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phòng chống tham nhũng nói chung và phòng chống tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ nói riêng.
Truy tìm nguyên nhân một cách căn cơ, bà cho biết: Khoản 3 Điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành mới chỉ quy định “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về nhân sự, kế toán - tài vụ, thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch mua bán vật tư, hàng hóa, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó” nhưng lại chưa quy định về việc cấm người đứng đầu bổ nhiệm người thân thích vào vị trí lãnh đạo trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý. ĐIều này là nguyên nhân khiến cử tri bức xúc phản ánh tại một số địa phương có hiện tượng “cả họ làm quan” nhưng vẫn đúng quy trình.
"Một số cử tri đề nghị Nhà nước cũng cần tổ chức nghiên cứu, tham khảo, tiếp thu những điểm tiến bộ của Luật về hồi tỵ đã từng được một số triều đại trong lịch sử Việt Nam áp dụng có hiệu quả, theo đó, luật này được đặt ra để ngăn chặn tình trạng những người trong một đại gia đình cùng làm quan trong một địa phương dẫn đến dễ câu kết nhau để tham ô, nhũng nhiễu. UBTP cho rằng, đây là những ý kiến rất cần được lắng nghe, quan tâm, nghiên cứu để bảo đảm vừa trọng dụng được nhân tài, vừa tránh tính trạng lạm quyền để trục lợi trong công tác cán bộ." Chủ tịch UBTP QH nói.
Con ông cháu cha, để che chắn cho nhau?
Cũng bức xúc về vấn đề tham nhũng, ĐB Trương Trọng Nghĩa (Tp Hồ Chí Minh), cho rằng một trong những nguyên nhân của nó là tình trạng “con ông cháu cha, kéo bè kéo cánh”, ông nói: “Thực chất những việc như lạm dụng quyền lực để đưa người thân vào trong bộ máy lãnh đạo để tạo thành mối quan hệ gia đình đan xen vào mối quan hệ công việc là biến tướng của tham nhũng. Làm công chức mà ngay ngắn, đúng chính sách chế độ không thể giàu được. Vậy mà người ta vẫn cứ đua nhau vào và bố trí cho người thân vào, chứng tỏ tham nhũng tiềm ẩn trong đấy. Vào đấy để cùng nhau tham nhũng và che chắn cho nhau”.
|
ĐB Trương Trọng Nghĩa |
ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng đây chính chính là điều đáng báo động rất lớn trong tình hình phòng chống tham nhũng hiện nay.
Và để ngăn chặn tình trạng này, theo ông, phải xử lý được cả những biến tướng rất tinh vi đó. Về mặt Đảng, về mặt pháp luật, cần bổ sung những quy định đối phó những biến tướng đó. Ví như Luật Phòng chống tham nhũng đang sửa đổi, sắp tới phải đưa vào những quy định ngăn chặn hình thành mối quan hệ thân thích, dòng tộc trong bộ máy của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý: Muốn đưa ra giải pháp hợp lý và có khoa học thì phải có nghiên cứu sâu một cách hợp lý, cẩn thận. Không nên đưa ra một giải pháp đơn giản có thể đáp ứng một tình thế nào đó nhưng không giải quyết rốt ráo được vấn đề. Vì ở đây cũng không loại trừ có những trường hợp ngẫu nhiên anh em cùng làm một cơ quan, vợ chồng cùng làm trong một sở hay một bộ. Đôi khi đó là ngẫu nhiên, bình thường và cũng không có tác hại gì.
Thậm chí, một ông bộ trưởng có con thích ngành nghề của bố và có năng lực thì bố làm bộ trưởng, con về làm việc 5, 7 năm lên vụ phó và đến lúc nào đó xứng đáng cương vị thứ trưởng. Vấn đề diễn tiến như vậy đầu tiên là bình thường nhưng dẫn đến chuyện đã đến lúc bố bổ nhiệm con. Một lần nữa ĐB khẳng định: Cần nghiên cứu căn cơ thấu đáo, rút kinh nghiệm từ các nước để không cực đoan./.