Ca khúc 'ăn theo' sự kiện showbiz: Một cách 'đánh' thói hư tật xấu?

(PLO) - Thời gian gần đây, xuất hiện khá nhiều ca khúc châm biếm lối sống ảo, phù phiếm của các sao trong showbiz. Phải chăng đây là một cách để giúp cộng đồng lên tiếng “đánh” vào thói hư tật xấu đang tồn tại trong làng giải trí hiện nay? 
Ca khúc 'ăn theo' sự kiện showbiz: Một cách 'đánh' thói hư tật xấu?

Tình 7227

Gần đây, cộng đồng mạng đang sục sôi vì ca khúc “ăn theo” mối tình đình đám của Ngọc Trinh và đại gia Hoàng Kiều. Ca khúc có tên Tình 7227, do tác giả Thành Công sáng tác, với tiết tấu tương tự Bolero. Dù không nêu đích danh “nhân vật chính” trong câu chuyện đầy tai tiếng trên, nhưng hầu hết người nghe đều nhanh chóng nhận ra bài hát nói đến câu chuyện gì, bởi nội dung khá rõ ràng từ tựa đề bài hát cho đến nội dung nói về mối tình chênh lệch tuổi tác giữa đại gia và chân dài.

“Ông/ Em vẫn thương gọi là chồng/Thị phi cũng xem bằng không/ Thế gian sao sống cho vừa lòng người/ Mặc đời ganh ghét bon chen/ Trời cho nhan sắc em đẹp như tiên/ Như thế em phải có quyền/ Đạp chân bước trên đồng tiền”. Mặc dù tác giả chia sẻ rằng mình “có một góc nhìn khác” về mối tình này, tuy nhiên, không khó để nhận ra tính châm biếm, chế giễu nằm trong các ý tứ “thị phi xem cũng bằng không” hay “đạp chân bước trên đồng tiền” trong bài hát. 

Hiện ca khúc này đang có lượt chia sẻ khá cao, vì mức độ quan tâm của công chúng đối với chuyện tình Ngọc Trinh – Hoàng Kiều, ngay cả khi câu chuyện này đã kết thúc. Nhiều người cho rằng, Tình 7227 không chỉ hướng đến mối tình lệch tuổi nói trên, mà còn nhắm đến nhiều mối quan hệ tình – tiền vốn đầy rẫy trong showbiz Việt.

Chỉ mới vừa rồi, ca khúc “Em thì không” của ê kíp ca sĩ Mỹ Tâm tung ra đã tạo một “cơn sốt” cho cộng đồng nghe nhạc. Ngoài chuyện lùm xùm bản quyền với ca khúc lời Việt Anh thì không của nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng, ca khúc viết lại lời “Em thì không” còn gây chú ý bởi nội dung hướng thẳng đến những vụ lùm xùm trong showbiz Việt, đó là chuyện tình tai tiếng của Lâm Vinh Hải với Linh Chi, chuyện bỏ người vợ tào khang để theo đuổi nhan sắc khác.

Bài hát còn lồng vào những nội dung phê phán lối sống phù phiếm, ham chuộng vật chất, đầy thị phi trong giới giải trí: “Anh lung linh cao sang như mỹ nam/Nên bao cô luôn đeo theo bước anh, em thì không/Cô ta khen anh oai phong, điển trai/Đi Bentley, Audi trông rất oai, em thì không/Cô ta khen anh đây cũng rất men/Tung đô la, kim cương không tiếc chi, em thì không!...”.

Một cách để nghệ sĩ phản ứng

Trước đây, không ít ca khúc của các tác giả trẻ cũng đã ra đời với nội dung hướng đến các thói hư tật xấu, những câu chuyện lố lăng, scandal chẳng mấy hay ho đang diễn ra trong showbiz Việt. Một ca khúc rất được yêu thích của ca sĩ Trúc Nhân – Thật bất ngờ - đã từng làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng âm nhạc, có nội dung “chọc thẳng” vào các chiêu trò khoe thân, gây ồn ào để nổi tiếng của giới giải trí.

Những lời hát trong ca khúc này gần như đã trở thành “lời hát cửa miệng” của nhiều người mỗi khi bắt gặp một scandal trong showbiz: “Cô ấy mới hôm qua không ai nhớ khuôn mặt/Chỉ một xì căng đan, khóc lóc về chuyện tình dở dang/Lên báo hình thì đầy một trang/Ôi dễ dàng để đời ta tươi sáng.../Thế nên, bây giờ, điều quan tâm nhất là/ Anh kia cặp với chị này/Anh kia lừa dối chị này…”. 

Ngoài ra, còn có thể kể đến hàng loạt những ca khúc nhắm vào các thói tật, sự  phù phiếm, giả dối trong giới giải trí Việt, như bản hit hop dí dỏm tên gọi Scandal showbiz của ca sĩ Khương Ngọc (“Dối trá từng giờ đợi chờ. Tương lai mịt mờ. Xe hơi ngập tràn. Đua nhau lộ hàng. Yêu đương vội vàng...”); ca khúc Nói chung là... (Chuyện chàng say) của nhóm MTV, nhắc trực diện đến những nhân vật gây sốc trong giới sao Việt như Cao Thái Sơn, Ngọc Trinh…; hay ca khúc “Những cô nàng ham vật chất” của ca sĩ Minh Quân, kể chuyện chân dài – đại gia trong showbiz Việt.

Trong số các ca khúc đầy tính dí dỏm, châm biếm sâu cay ấy, có những ca khúc lời lẽ còn thô mộc, giai điệu giản đơn, cũ kĩ, thiên về thể loại “vè dân gian”, dễ nhớ dễ thuộc, dùng để truyền miệng hơn là biểu diễn, nhưng cũng có những ca khúc có giá trị nghệ thuật, được đánh giá cao về sự trau chuốt trong giai điệu lẫn ca từ. Nhưng dù thế nào đi nữa, không thể phủ nhận, sự ra đời của dòng nhạc “ăn theo” nói trên, cũng là một trong những cách hay để nghệ sĩ phản ứng với chính những rối ren, xấu xí trong môi trường nghệ thuật mà họ đang tham gia. 

Đó cũng là một trong những cách dùng nghệ thuật để góp phần định hướng công chúng biết đâu là đúng, đâu là sai, đây là điều cần phê phán với lối sống trong làng giải trí Việt. Một cách phê phán, chỉ trích nhẹ nhàng, hài hước nhưng có tác dụng không nhỏ…