Cà Mau: Lợi ích của việc dùng CCCD gắn chip trong khám, chữa bệnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau đã triển khai thực hiện khám, chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip và ứng dụng VneID tại Bệnh viện tăng cao. Qua đó, giảm thủ tục khi tiếp nhận bệnh, tạo thuận lợi cho người bệnh lẫn đội ngũ y tế...

Giảm thiểu sai sót khi nhập bệnh

Thời gian qua, để triển khai hiệu quả việc khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip và ứng dụng VneID, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau đã rà soát, bố trí thiết bị đọc mã QR (đầu đọc 2D, không có chức năng xác thực sinh trắc học). Trong đó, Bệnh viện trang bị 6 thiết bị gồm: 1 thiết bị đặt tại khoa Cấp cứu; 4 thiết bị đặt tại khoa Khám bệnh và 1 thiết bị đặt tại khoa Lọc Máu.

Người dân không phải chờ lâu hay xuất trình nhiều giấy tờ khác mà chỉ cần đưa thẻ CCCD đưa nhân viên y tế để quét.

Người dân không phải chờ lâu hay xuất trình nhiều giấy tờ khác mà chỉ cần đưa thẻ CCCD đưa nhân viên y tế để quét.

Bác sĩ Tô Minh Nghị - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau cho biết: “Với máy đọc thẻ CCCD được thiết kế để quét mã QR code trên thẻ CCCD của công dân, giúp cho việc tiếp nhận bệnh và kiểm tra thông tin Bảo hiểm y tế của người bệnh nhanh chóng và chính xác. Giảm thiểu sai sót khi nhập bệnh và tiết kiệm thời gian khi tiếp nhận. Đặc biệt, mọi thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân người bệnh được bảo mật.

Theo quy trình thực hiện khám chữa bệnh bằng phương thức này rất đơn giản. Người bệnh khi đến khám sẽ xuất trình thẻ CCCD, bộ phận tiếp nhận đưa vào thiết bị đọc mã QR sẽ hiển thị thông tin và tự cập nhập vào phần mềm quản lý bệnh viện bao gồm: Họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, thông tin thẻ bảo hiểm y tế. Trường hợp khi quét mã QR nhưng không có thông tin, Bệnh viện sẽ chủ động nhập số CCCD vào hệ thống giám định BHYT để tra cứu cho người bệnh”.

Có thể nói, việc khám chữa bệnh BHYT dùng CCCD gắn chip mang lại hiệu quả thuận tiện cho Bệnh viện và bệnh nhân. Được biết, năm 2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau có hơn 210 nghìn lượt khám chữa bệnh. Trong đó có hơn 39,4 nghìn lượt thực hiện tra cứu CCCD, đạt tỷ lệ 22%.

Riêng 4 tháng đầu năm 2024, tổng số lượt khám chữa bệnh tại bệnh viện gần 78 nghìn lượt, có gần 44,6 nghìn lượt thực hiện tra cứu CCCD (khám ngoại trú 41.477 lượt tra cứu, nội trú 3.091 lượt tra cứu).

“Số người áp dụng CCCD đến khám chữa bệnh tăng lên rất nhiều so với lúc vừa mới triển khai. Bởi, việc dùng CCCD giúp đơn giản hóa thủ tục khám, chữa bệnh, tiết kiệm thời gian, giấy tờ, thủ tục cho cán bộ y tế và người dân. Đó là chưa nói, quy trình tra cứu và xác thực nhanh chóng, cán bộ y tế không phải nhập thông tin thủ công. Đồng thời, CCCD giúp rút ngắn thời gian chờ đợi của người dân khi làm thủ tục khám, chữa bệnh; Góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ nhân dân”, Bác sĩ Nghị chia sẻ.

Bà Trần Thị Mai Xuân (Phường 6 (TP Cà Mau) khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau chia sẻ: “Giờ đi khám bệnh không phải đợi lâu hay xuất trình nhiều giấy tờ khác mà chỉ cần đưa thẻ CCCD cho nhân viên y tế để quét thông tin cá nhân, bốc số thứ tự rồi đến phòng khám theo yêu cầu. Dù thời điểm tôi khám tại Bệnh viện rất đông người, nhưng nhờ việc dùng CCCD mà quy trình khám được rút ngắn thời gian khá nhiều”.

Người dân không cần mang theo thẻ BHYT

Người dân đến khám và điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau bằng CCCD, tạo thuận lợi, nhanh chóng.

Người dân đến khám và điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau bằng CCCD, tạo thuận lợi, nhanh chóng.

Bên cạnh đó, tiện ích của việc áp dụng hình thức trên còn giúp tiết kiệm tiền in thẻ BHYT giấy. Theo đó, khi đến bệnh viện người dân chỉ cần mang theo CCCD hoặc ứng dụng VNeID. Theo đó, khi dùng máy quét thì thông tin người bệnh được xác thực trực tiếp với CSDL CCCD và CSDL về Bảo hiểm một cách chính xác. Người dân không cần xuất trình nhiều giấy tờ như trước đây, để đối chiếu, xác minh khi thông tin giữa giấy tờ tùy thân và thẻ bảo hiểm không khớp...

Đó là những tín hiệu khởi đầu quan trọng trong việc số hóa công tác khám, chữa bệnh cũng như từng bước tạo ra những công dân số trên lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, bước đầu triển khai nên vẫn còn đó một số khó khăn, vướng mắc, xảy ra ở những bệnh nhân lớn tuổi, người bệnh sống ở vùng nông thôn. Do người dân chưa quen với hình thức mới này. Mặt khác, trong quá trình quét mã QR khám chữa bệnh ghi nhận nhiều trường hợp thông tin trên CCCD chưa đúng với thông tin của người bệnh hoặc các giấy tờ khác như: Thông tin BHYT; Giấy chứng nhận người có công, thương binh...

Bác sĩ Tô Minh Nghị - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau cho biết thêm: “Hiện, toàn tỉnh có 122 cơ sở chữa bệnh. Do vậy, để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số ngành y, cần làm tốt công tác tuyên truyền về việc triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD, VNeID tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng như tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân đến cơ quan Công an để đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2, tích hợp thông tin thẻ BHYT vào tài khoản định danh điện tử; cài đặt và sử dụng VNeID. Ngoài ra, người dân có thể đề xuất cơ quan có thẩm quyền cấp CCCD kiểm tra thông tin người dân. Việc này nhằm tránh sai sót tên so với các giấy tờ khác như: Thẻ thương binh; sai địa chỉ nơi cư trú, tạo tâm lý thoải mái, thuận lợi, tránh làm ảnh hưởng đến người dân trong quá trình đến khám và điều trị bệnh

Cạnh đó, cơ quan BHXH, cần kiểm tra thông tin người dân khi cập nhật thông tin lên hệ thống, tránh sai sót gây phiền hà cho người dân....Sở Y tế cần hướng dẫn, rà soát, đề xuất bố trí trang thiết bị đọc mã QR trên CCCD, VNeID (có xác thực sinh trắc) phục vụ khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD, VNeID; Rút ngắn hơn nữa quy trình xác thực thông tin người bệnh thông qua xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt)”, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau kiến nghị.

Đọc thêm