Cà Mau: Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

(PLVN) - Tỉnh Cà Mau đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực, nhằm giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận thông tin pháp luật, nâng cao năng lực cạnh tranh. Qua đó, góp phần cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Cà Mau đẩy mạnh hỗ trợ pháp lý, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận kịp thời hệ thống văn bản pháp luật mới ban hành. Đồng thời, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đóng góp, ý kiến trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức pháp lý, bảo đảm các quy định phù hợp với thực tiễn, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Song song đó, tỉnh Cà Mau đã thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 81/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” theo Quyết định 345/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Rà soát, kiểm tra các quy định tại Nghị định 55/2019/NĐ-CP để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Tỉnh Cà Mau đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ và tuyên truyền viên pháp luật nhằm nâng cao năng lực của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp...

Đến nay, tỉnh Cà Mau có khoảng 4.500 doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực như nông nghiệp - thủy sản, dịch vụ, sản xuất công nghiệp...

Bà Phạm Thị Ngọc - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau cho biết: “Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, nâng cao ý thức pháp luật và trang bị kỹ năng xử lý rủi ro, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động ổn định, tăng cường sức cạnh tranh.

Hiện, tỉnh Cà Mau đã phân công hơn 190 công chức từ 19 Sở, Ngành và 9/9 huyện, thành phố làm đầu mối hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Ngoài ra, còn có 30 Luật sư thuộc 9 Văn phòng Luật sư được công nhận là tư vấn viên pháp luật, để hỗ trợ doanh nghiệp khi có nhu cầu. Thông tin về đội ngũ trên đã được công khai trên Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh để doanh nghiệp dễ dàng liên hệ”.

Cà Mau tăng cường đẩy mạnh công tác tập huấn hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông số và khai thác nền tảng mạng xã hội trong việc cung cấp thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tỉnh Cà Mau đa dạng hóa hình thức phổ biến pháp luật trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo và các website chuyên ngành đăng tải bài viết, infographics... về các quy định pháp luật một cách sinh động, tạo thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp.

Đồng thời, tỉnh còn đẩy mạnh tương tác, giải đáp thắc mắc pháp lý trực tuyến… Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông pháp luật mà còn giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính xác và kịp thời.

Ông Lê Hoàng Phước - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau cho biết: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh chiếm với khoảng 93%. Đồng thời, đã đóng góp rất lớn vào nguồn ngân sách của tỉnh.

Thời gian qua, doanh nghiệp nhỏ và vừa đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc tiếp cận hệ thống văn bản pháp luật cũng như tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính sách. Qua đó, giúp doanh nghiệp nắm rõ hơn về các quy định pháp luật, từ đó hoạt động kinh doanh phù hợp, đúng quy định pháp luật”.

“Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ pháp lý, nhất là các lớp tập huấn, nhằm giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực quản lý, giảm thiểu rủi ro pháp lý trong hoạt động kinh doanh”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau mong muốn.

Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chỉ số PCI tỉnh Cà Mau năm 2023 đạt 67,65 điểm (tăng 6,05 điểm), xếp thứ 22/63 tỉnh, thành trong cả nước (tăng 36 hạng), xếp thứ 6/13 các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL (tăng 6 bậc) so với năm 2022. Trong đó, Cà Mau trong top 30 địa phương có chất lượng điều hành tốt trên bản đồ PCI cả nước.

Đọc thêm