Trước đó, ngư dân khu vực cửa biển xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) và thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) đã có phản ánh gửi các cơ quan chức năng về việc các trụ tuabin Nhà máy điện gió Tân Thuận nằm ngay trên luồng lạch cửa biển Gành Hào, gây khó khăn cho tàu cá ra vào, nhất là khi có sóng lớn, mưa bão. Người dân đã yêu cầu di dời một số trụ tuabin nằm trên luồng lạch.
Theo ông Đặng Văn Hòa (ngụ thị trấn Gành Hào, tỉnh Bạc Liêu), người dân địa phương rất ủng hộ việc phát triển kinh tế biển thông qua các công trình điện gió, tuy nhiên việc xây dựng các trụ điện phải tạo sự thông thoáng, nhất là tạo khoảng cách giữa các hàng trụ tuabin ngay luồng lạch phải đủ an toàn để không gây ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền hành nghề khai thác như bao đời nay…
Ngay sau khi nhận được thông tin, ngày 16/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đã có buổi khảo sát thực địa và chỉ đạo các đơn vị chức năng đo độ sâu thực tế luồng lạch theo thiết kế dự án, luồng lạch theo truyền thống đi lại của người dân và độ sâu đáy biển khu vực cửa biển và khu vực thực hiện dự án.
|
Ngày 16/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đã có buổi khảo sát và thông tin hiện trạng về thực hiện dự án điện gió Tân Thuận. |
Theo đó, trên cơ sở kết quả khảo sát của các đơn vị tư vấn và kiểm tra cùng các ngành chức năng có liên quan; bản thỏa thuận ngày 08/8/2009 về việc xác định tọa độ phân ranh giới trên biển cụ thể giữa UBND tỉnh Cà Mau và UBND tỉnh Bạc Liêu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đã xác định khu vực biển giao chủ đầu tư thực hiện dự án nằm hoàn toàn trong vùng biển tỉnh Cà Mau, không chồng lấn ranh giới biển giữa tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.
Bên cạnh đó, kết quả đo độ sâu các khu vực khảo sát cho thấy, luồng lạch cửa biển Gành Hào có phạm vi tính từ cửa sông hướng ra biển, luồng lạch thể hiện rõ trong phạm vi khoảng 600m; ngoài phạm vi 600m là khu vực biển có độ sâu gần giống nhau (không còn luồng lạch).
Vị trí ranh giới dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận cách cửa biển Gành Hào hơn 2.000m, nghĩa là ngoài phạm vi 600m tính từ cửa biển, kéo dài đến phần diện tích của dự án không còn luồng lạch cụ thể; kể cả phạm vi luồng lạch truyền thống đi lại của người dân, cũng như luồng lạch theo quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và độ sâu ở 2 luồng này không khác nhau.
Tuy nhiên, vì trong quá trình khảo sát có ghi nhận một khu vực ngoài phạm vi dự án, tiếp giáp với Luồng lạch của Bộ GTVTcó độ sâu nhỏ hơn so với độ sâu của vùng này nên UBND tỉnh Cà Mau đã đề nghị Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam báo cáo cấp thẩm quyền để tổ chức rà soát lại vị trí và đảm bảo quy hoạch các tuyến luồng lạch đúng quy định và phù hợp với thực tế.
Qua đó, theo đối chiếu hồ sơ dự án và ý kiến của đại diện Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam xác định phạm vi an toàn của các trụ tuabin gió số 6,7,8 (giai đoạn 2) chồng lấn lên hành lang an toàn luồng lạch do Bộ Giao thông vận tải quy hoạch.
|
Công trình điện gió Tân Thuận đầu tiên trên vùng biển thuộc xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. |
Do vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đã chỉ đạo chủ đầu tư cùng đơn vị tư vấn dự án có trách nhiệm làm việc với cơ quan chức năng của Bộ GTVT; đồng thời, tạm dừng việc thi công các trụ tuabin gió số 6,7,8 cho đến khi có văn bản xác định của Bộ GTVT về các vấn đề nêu trên.
Ngoài ra, tại thông báo Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cũng nêu rõ: Khoảng cách giữa trụ tuabin số 4 và số 5, cũng như giữa các trụ còn lại của dự án có khoảng cách 425m, sau khi trừ phạm vi đảm bảo an toàn trụ tuabin, khoảng cách còn lại vẫn đáp ứng chiều rộng luồng và hành lang an toàn kỹ thuật đường thủy nội địa quốc gia (đối với Sông cấp II) theo quy định của Bộ GTVT.
Tuy nhiên, theo kiến nghị của ngư dân xã Tân Thuận và thị trấn Gành Hào, các thành viên dự họp thống nhất đề nghị và chủ đầu tư dự án đã đồng ý nghiên cứu, tìm giải pháp điều chỉnh mở rộng khoảng cách giữa trụ tuabin số 4 và 5; đồng thời có các biện pháp để bố trí phao tiêu, đèn báo hiệu cũng như hệ thống chống va đập tại các trụ, nhằm đảm bảo an toàn và tín hiệu dẫn luồng cho tàu thuyền của ngư dân ra vào khu vực dự án.
Trong thời gian chưa có ý kiến của cơ quan chức năng, UBND tỉnh Cà Mau cũng đề nghị chủ đầu tư dừng thi công đối với trụ tuabin số 4 và 5; đồng thời có các biện pháp bố trí các phao tiêu, đèn báo hiệu và hệ thống chống va đập tại các trụ tuabin nhằm đảm bảo an toàn và có tín hiệu dẫn luồng cho tàu thuyền của ngư dân ra vào khu vực dự án.
Qua đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cũng yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương làm việc với cơ quan chức năng của Bộ GTVT để rà soát, xử lý vấn đề về chồng lấn luồng lạch hoặc hành lang an toàn luồng lạch của các trụ tuabin số 6, 7 và 8 (giai đoạn 2); nghiên cứu, giãn khoảng cách giữa các trụ tuabin gió số 4, số 5 và báo cáo kết quả đến UBND tỉnh Cà Mau trong thời gian sớm nhất.
Nhà máy điện gió Tân Thuận (tại xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) được khởi công vào ngày 27/12/2019 với giai đoạn 1 do Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng tái tạo tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 2 (PECC2) đảm nhận thi công.
Nhà máy có công suất 75MW, với 18 tuabin gió theo công nghệ hiện đại, thiết bị có xuất xứ châu Âu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả hoạt động lâu dài. Tổng mức vốn đầu tư 2.950 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành phát điện trong quý III/2021, cung cấp khoảng 220 triệu kWh/năm.