Cả nhà chung một nhịp đi…

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Không sinh sống ở nước ngoài, không mang hai dòng máu, nhưng hiện nay, có những em bé Việt Nam đã thành thạo hai thứ tiếng ngay từ nhỏ. Đó là những đứa trẻ được sinh ra trong các gia đình 9x, với cách giáo dục tỉ mỉ khi phụ huynh cùng lớn lên bên con mỗi ngày...
Dạy con học hai thứ tiếng, cần sự đồng hành của cả gia đình. (Nguồn: AlexD Music Insight)
Dạy con học hai thứ tiếng, cần sự đồng hành của cả gia đình. (Nguồn: AlexD Music Insight)

Những em bé “chuyển ngữ” đáng yêu

Nói về các em nhỏ có thể thành thạo cả Tiếng Việt lẫn Tiếng Anh, không thể không nhắc đến bé Minhee, được nhiều người biết đến nhờ kênh “Em bé nói Tiếng Anh”. Bé tên thật là Nguyễn Minh Hy (3 tuổi), có mẹ là một giáo viên dạy tiếng Anh. Mặc dù cả bố và mẹ đều là người Việt Nam, nhưng em có thể nói trôi chảy cả hai thứ tiếng từ rất sớm.

Trong các video quay cuộc sống thường ngày, Minhee xuất hiện với hình ảnh ngộ nghĩnh, dễ thương. Em có thể giao tiếp được cả hai thứ tiếng một cách linh hoạt. Minhee nói tiếng Anh với mẹ, nhưng khi bố trao đổi, trò chuyện bằng tiếng Việt, em cũng trả lời một cách tự nhiên. Các từ vựng của Minhee vì vậy mà rất phong phú. Tuy mới 3 tuổi, em đã có thể nói tương đối rõ ràng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh về các chủ đề như màu sắc, gia đình, hoặc những sự vật, hiện tượng đơn giản.

Không chỉ Minhee, thực chất, các em bé song ngữ, rèn luyện hai thứ tiếng từ khi còn nhỏ, được rất nhiều gia đình trẻ của Việt Nam áp dụng. Đó là câu chuyện của gia đình bé Annie. Bố của Annie là anh Nguyễn Hải Đăng, thường được mọi người biết đến với kênh “AlexD Music Insight”. Anh là một giáo viên dạy tiếng Anh có tiếng ở Hà Nội. Từ khi Annie còn nhỏ, anh đã có phương pháp dạy song ngữ rất khoa học cho cô con gái “cưng” của mình. Các video nói chuyện của Annie được bố đăng lên mạng, nhanh chóng thu hút nhiều người xem, bởi khả năng chuyển ngữ “siêu tốc” của bé. Annie chỉ mất vài giây để chuyển từ nói tiếng Anh với bố, sang tiếng Việt với mẹ.

Một điểm chung của hai gia đình có em bé song ngữ, đó là cách dạy con học nói vô cùng độc đáo và đặc biệt. Dù đều là người Việt Nam, nhưng mỗi người sẽ phụ trách nói chuyện với con bằng một thứ tiếng. Như trong gia đình Minhee, mẹ của bé - chị Quỳnh Anh là người đảm nhận việc nói tiếng Anh, còn bố của bé nói tiếng Việt.

Chị đã từng chia sẻ, ngay từ khi mang bầu bé Minhee, chị thường trò chuyện, cho con nghe nhạc bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Sau khi Minhee ra đời, chị đã tham khảo phương pháp dạy con của anh Nguyễn Hải Đăng (chủ nhân kênh AlexD Music Insight) để dạy con song ngữ ngay từ khi còn nhỏ. Ban đầu, Minhee có khả năng tiếng Anh nhỉnh hơn, do bố của em phải đi làm suốt ngày, nên thời gian Minhee ở nhà, giao tiếp với mẹ nhiều. Nhưng, từ khi đi mẫu giáo, được tiếp xúc với các bạn và cô giáo, hiện nay, bé đã cân bằng cả hai ngôn ngữ.

Ngược lại với gia đình chị Quỳnh Anh, trong nhà anh Nguyễn Hải Đăng, anh là người phụ trách nói tiếng Anh, còn mẹ của bé giúp con nói tiếng Việt. Đối với các con, anh thường chú trọng sử dụng âm nhạc và hình ảnh để dạy. Ngay từ khi các con còn nhỏ, anh đã thường xuyên hát bằng tiếng Anh cho con làm quen với ngôn ngữ này. Khi con lớn hơn một chút, anh bắt đầu dạy bé cách đáp lời bằng hai từ “Yes” hoặc “No”. Đặc biệt, vì trẻ con có tính tò mò, hiếu kỳ, thường xuyên đặt ra các câu hỏi, nên anh và vợ chủ động giao tiếp, từ đó bồi dưỡng vốn từ vựng cho con.

Trong các video được đăng tải, có thể thấy anh thường chú trọng đến từ ngữ giao tiếp đơn giản, gần gũi với cuộc sống hàng ngày, để con có thể dàng tiếp thu, ghi nhớ. Không chỉ chú ý đến ngôn ngữ của trẻ nhỏ, anh Đăng còn dạy con phát triển cảm xúc, lễ phép, có trách nhiệm, thông cảm với mọi người xung quanh. Tất cả những điều đó, anh và vợ sử dụng song song hai ngôn ngữ, để giúp cho con không chỉ biết về nghĩa của từ, mà còn hiểu sâu, nhớ lâu.

Những em bé song ngữ đang là một cách dạy con được nhiều gia đình trẻ áp dụng. (Nguồn: Facebook Em bé nói Tiếng Anh)

Những em bé song ngữ đang là một cách dạy con được nhiều gia đình trẻ áp dụng. (Nguồn: Facebook Em bé nói Tiếng Anh)

Cả gia đình cùng bước đi bên con mỗi ngày

Federico Fellini - nhà biên kịch nổi tiếng người Ý đã có câu nói: “Mỗi ngôn ngữ là một góc nhìn khác của cuộc đời”. Việc học song song hai thứ tiếng, giúp trẻ phát triển tư duy ngôn ngữ, hình ảnh, nhìn thế giới đa dạng, phong phú hơn. Theo Tiến sĩ Ingrid Pufahl, chuyên gia tư vấn tại Trung tâm Ngôn ngữ học Ứng dụng, (Washington, DC): “Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ học ngoại ngữ có sự phát triển đáng kinh ngạc về kỹ năng nhận thức, khả năng sáng tạo, tiếng Anh, toán và khoa học”. Ông cũng cho biết thêm, những đứa trẻ này là những người giải quyết vấn đề tốt hơn và có thể suy nghĩ thấu đáo bởi vì trẻ đã được làm quen với các quan điểm khác nhau và các ngôn ngữ khác nhau.

Hiện nay, nhiều cha mẹ không thể dạy con song ngữ thành công, mà khiến các em dễ bị nhầm lẫn giữa hai ngôn ngữ. Bởi, việc dạy song ngữ không đơn giản, đòi hỏi cha mẹ phải nghiên cứu rất nhiều phương pháp sư phạm.

Như anh Nguyễn Hải Đăng, trước khi quyết định dạy con song ngữ, anh đã nghiên cứu rất nhiều phương pháp giảng dạy khoa học và cách phát triển tư duy của trẻ nhỏ. Để từ đó, cả hai vợ chồng anh cùng tham gia dạy con. Anh từng chia sẻ với báo chí, truyền thông, việc giáo dục cho con cần sự đồng lòng, quyết tâm của cả hai vợ chồng. Như khi giao tiếp, người bố, người mẹ không được thay đổi ngôn ngữ, để hình thành tư duy khi nói với bố thì sẽ dùng ngôn ngữ nào, khi giao tiếp với mẹ dùng ngôn ngữ nào. Từ đó, tạo một tư duy phản xạ tự nhiên cho não bộ của trẻ.

Ngoài việc giao tiếp với bố mẹ, ở gia đình của bé Minhee và bé Annie đều có một điểm chung, là không ngăn cấm con xem ti vi. Ngược lại, bố mẹ cho các em xem những chương trình giáo dục, để luyện tập về tư duy ngôn ngữ, tư duy hình ảnh. Theo anh Nguyễn Hải Đăng từng chia sẻ trong các video về hành trình học song ngữ của con, đó là kiểm soát nội dung “nạp” vào cho con. Từ đó, lựa chọn những thông tin hữu ích, có tính giáo dục. Như vậy, vừa giúp trẻ tiếp xúc với công nghệ, nhưng sẽ không “dính” vào các thông tin độc hại.

Hay như gia đình của bé Minhee, ngoài việc áp dụng giao tiếp “One person - One language” tức là bố và mẹ mỗi người đảm nhận một ngôn ngữ, thì chị Quỳnh Anh và chồng còn dùng phương pháp khích lệ, động viên để khuyến khích con nói hai ngôn ngữ, cũng như khi dạy con thực hành các “bài học cuộc sống” đầu đời. Từ đó, chỉ khi mới 3 tuổi, bé Minhee đã có khả năng tự học những câu, từ mới thông qua các chương trình giáo dục bằng Tiếng Anh, tiếng Việt mà bố mẹ thường xuyên cho em xem.

Thực tế, vào thời đại nào, bố mẹ cũng dành nhiều tình yêu cho con cái. Nhưng ở thế kỷ 21, những cặp vợ chồng trẻ sẽ có cách giáo dục riêng, để con có được kiến thức cơ bản, phù hợp với xã hội toàn cầu hóa như hiện nay. Như chị Quỳnh Anh đã chia sẻ, Tiếng Anh bây giờ không phải là một lợi thế, mà chỉ là kỹ năng ngôn ngữ cơ bản để sử dụng trong cuộc sống.

Ngoài ra, qua câu chuyện về những em bé nói song ngữ, dù bố mẹ đều là người Việt Nam. Cho thấy, các gia đình trẻ hiện nay dành ra rất nhiều thời gian để chăm sóc con cái. Vì, để con có thể nói hai thứ tiếng thành một phản xạ tự nhiên trong não bộ của các bé, đòi hỏi bố mẹ phải bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian. Như chị Quỳnh Anh thường xuyên ở bên cạnh Minhee trong suốt năm tháng đầu đời của bé. Từ đó, định hướng ngôn ngữ, nội dung mà con sẽ được học tập, tiếp thu. Hay như anh Nguyễn Hải Đăng (AlexD Music Insight) đã luôn thực hành cùng con, cùng các con hát Tiếng Anh, trò chuyện, vui đùa mỗi ngày.

Khi xem các video của gia đình Minhee hay gia đình Annie, đều thấy rằng, việc được tham gia các hoạt động cùng bố mẹ, khiến cho các em rất vui vẻ, hoạt bát và nhanh nhẹn. Như Minhee, từ sớm đã có thể phân biệt được xe máy của bố, của mẹ, khi nào mẹ đi làm, bố đi làm. Ngoài ra, thường xuyên giao tiếp, trò chuyện giữa các thành viên trong gia đình, sẽ giúp con cái tin tưởng bố mẹ hơn. Từ đó, sẽ giúp bố mẹ dễ dàng dạy trẻ những “điều hay, lẽ phải”. Trong nhiều video, có thể thấy Minhee thường xuyên xách đồ hộ bố mỗi khi đi siêu thị, hay dắt chú chó đi dạo. Hoặc lúc đi học mẫu giáo, dù ban đầu chưa quen, nhưng khi mẹ cổ vũ, động viên, thì chẳng bao lâu sau, em đã hiểu mình phải tự lập trong các lớp học, không cần bố mẹ ở bên hỗ trợ nữa.

Cách dạy này, thực chất đã được khoa học chứng minh là hiệu quả với trẻ nhỏ. Jack P. Shonkoff, M.D là Giáo sư Nhi khoa tại Trường Y Harvard và Bệnh viện Trẻ em Boston; đồng thời là Giám đốc sáng lập của Trung tâm toàn cầu về trẻ em đang phát triển tại Đại học Harvard, đã từng chia sẻ trong một bài viết trên trang web của tổ chức UNICEF, việc cha mẹ tương tác với con có vai trò quan trọng. Đó chính là nền tảng, để bộ não của trẻ nhỏ phát triển, vì từ việc được vui chơi, giao tiếp với bố mẹ, não bộ của trẻ đang nói rằng “con đang làm chủ điều này, con học rất nhiều từ điều này và tận hưởng trải nghiệm học tập của mình”.

Hơn cả, việc hai vợ chồng có thời khắc vui vẻ khi ở bên cạnh con. Cũng như các em nhỏ được cha mẹ tôn trọng, cùng vui chơi, học tập, đã kết nối hạnh phúc của mỗi gia đình. Việc cùng nhau chia sẻ cách dạy con, chứng kiến khoảnh khắc trưởng thành của từng đứa trẻ, chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của mỗi người làm cha, làm mẹ.

Và điều quan trọng, mỗi đứa trẻ lớn lên sẽ vô cùng hạnh phúc khi cha mẹ luôn ở bên, gợi mở, có nhiều kỷ niệm ấu thơ dưới một mái nhà lấp lánh yêu thương. Cùng với đó, khi vợ chồng trẻ cùng “chung một nhà”, cùng chia sẻ mọi điều với nhau trong cuộc sống, cùng làm việc nhà, cùng nuôi dạy con, cùng nỗ lực với những thành công trong cuộc đời, là hình ảnh của những gia đình văn minh và hạnh phúc. Sẽ không có món quà nào lớn hơn thế, với mỗi người…

Đọc thêm