Ca nương nhí của làng ca trù

(PLO) - Đó là cô bé Nguyễn Thục Trinh (7 tuổi) học sinh Trường Tiểu học Liên Hà (Đông Anh, Hà Nội). Tại Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội 2016 diễn ra vào tháng 11 vừa qua tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Thục Trinh đã giành Giải B (cá nhân) và Giải Thí sinh Tài năng trẻ tuổi nhất.
Ca nương nhí của làng ca trù

Khi Thục Trinh cất giọng ca trù ngọt lịm, nhiều khán giả ở những hàng ghế dưới khán phòng Nhà Thái học hôm đó đã đứng dậy để có thể nhìn cô gái nhỏ ấy “phiêu” theo nhịp phách, câu ca.

Cô gái nhỏ say mê làn điệu ca trù

Tuy mới 7 tuổi nhưng Thục Trinh đã có gần 3 năm theo học ca trù. Em sinh ra tại Lỗ Khê (Đông Anh, Hà Nội) - địa danh ca trù nức tiếng một thời. Làng Lỗ Khê có lịch sử hơn 600 năm gắn bó với ca trù. Các nghệ nhân cao tuổi vẫn truyền nhau câu chuyện về ông tổ ca trù Đinh Dự cùng vợ đã rời Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) tới Lỗ Khê lập nghiệp. Họ mở giáo phường và truyền dạy nghề hát ả đào cho dân làng. Tuổi thơ của cô bé là những tháng ngày thường xuyên được nghe bà nội và bố hát ca trù. Cứ như thế, ca trù cổ ngấm vào Thục Trinh một cách tự nhiên theo thời gian.

“Khi Thục Trinh ngoài bốn tuổi, tôi bắt đầu dạy cháu những câu ca đầu tiên. Thời điểm đó, Thục Trinh chưa biết đọc, biết viết. Cháu học một cách khá bản năng, tự ghi nhớ lời ca, nhịp phách” bà Nguyễn Thị Lâm (60 tuổi) - bà nội của cô bé chia sẻ. Với vốn cổ cha ông truyền lại, sau những giờ lao động vất vả, bà Lâm lại dạy Thục Trinh gõ phách, tập hát. “Có thể, Trinh chưa hiểu được nhiều về ý nghĩa của những ca từ nhưng bé học khá nhanh. Nhiều đoạn luyến láy, ém hơi, nhả chữ… rất khó, Trinh vẫn kiên trì tập. Tiếng hát thường vang lên vào những buổi tối cuối tuần hoặc những lúc Trinh phụ giúp tôi việc nhà. Hai bà cháu vừa làm vừa học hát” bà Lâm kể. Năm 2014, khi chưa đầy 5 tuổi Thục Trinh đã tham dự Liên hoan Ca trù 2014, tuy không giành giải nhưng giọng ca và đặc biệt tay phách của em để lại ấn tượng đẹp trong lòng người nghe và Ban Giám khảo.

Giọng ca, tay phách của Thục Trinh được rèn luyện bài bản hơn khi đào nương Phạm Thị Mận (thành viên Câu lạc bộ Ca trù Lỗ Khê, đồng thời cũng là cô giáo dạy mầm non của Thục Trinh) phát hiện ra khả năng đặc biệt của cô bé và bắt đầu bồi dưỡng, uốn nắn.

Với Thục Trinh, những kỹ thuật thanh nhạc hay ca từ bác học không thể làm khó cô bé bằng việc học gõ phách. “Việc gõ phách đòi hỏi phải phối hợp nhịp nhàng cả tay trái và tay phải, chỉ cần lỡ một nhịp là gần như bị hỏng cả tiết mục, bởi phách là để giữ nhịp cho lời hát. Nếu như với lời ca, con chỉ cần học khoảng ba, bốn buổi là thuộc thì với nhịp phách, thời gian tập để ghi nhớ phải nhiều hơn gấp ba, bốn lần” nói rồi Thục Trinh nhoẻn miệng cười, đôi bàn tay nhỏ nhắn chuyển động linh hoạt theo những nhịp phách âm - dương trầm bổng. 

Thục Trinh vẫn say sưa học ca trù - một loại hình nghệ thuật truyền thống mang tính bác học, rất kén người nghe; trong khi đó em hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình một bộ môn nghệ thuật khác dễ tìm kiếm khán giả và xây dựng hình ảnh hơn. Đó thực sự là một điều đáng quý và một tín hiệu đáng mừng cho tương lai của bộ môn nghệ thuật này” nhạc sỹ Đặng Hoành Loan - nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) chia sẻ.

Cách lấy hơi và nhả chữ trong ca trù tinh tế và đòi hỏi phức tạp hơn rất nhiều so với những lối hát cổ truyền khác. Nếu như khi hát chèo, nghệ sỹ chủ yếu lấy hơi từ khoang miệng, khi hát quan họ, người hát lấy hơi từ khoang miệng và cổ họng thì với ca trù, ca nương không chỉ lấy hơi ở khoang miệng, cổ họng mà còn phải lấy hơi từ khoang mũi và vận hơi từ đan điền lên.

 

Khó khăn đến khắc nghiệt là vậy nhưng chưa khi nào Thục Trinh nghĩ sẽ chọn cho mình một bộ môn khác ca trù. “Khi tới trường, nhiều bạn cười chê, giễu cợt khi thấy con mặc áo dài, vấn tóc, học ca trù. Ban đầu, con cũng rất buồn, khóc vì tủi thân nhưng khi học hát, hòa theo nhịp phách, lời ca, con lại quên đi tất cả. Dù ca trù khó nhưng con thực sự thấy hay, hấp dẫn” cô bé 7 tuổi tâm sự.

Theo dõi chặng đường gắn bó với ca trù của Thục Trinh từ khi đào nương nhí này tham gia Liên hoan Ca trù toàn quốc (2014) đến nay, nhạc sỹ Đặng Hoành Loan chia sẻ: “Thục Trinh có chất giọng trời cho để hát ca trù. Đó có thể là ưu ái đặc biệt của tổ nghề dành cho cô bé: một chất giọng dày dặn, phong lưu, tao nhã. Giọng hát ấy, cách hát ấy đích thực là của ca trù. Bên cạnh đó, Thục Trinh còn có tay phách rất mềm mại. Đây sẽ là một tài năng thực sự nếu chúng ta biết nuôi dưỡng mầm tài năng ấy”

“Tại Liên hoan Ca trù toàn quốc 2014, có lẽ, do Thục Trinh còn quá nhỏ tuổi nên chưa thể hiện được hết khả năng. Chúng ta mới thấy được ở cô bé một vài chi tiết năng khiếu như nhân tố tiềm năng. Thế nhưng, sau 2 năm, Thục Trinh đã hoàn toàn khác, trưởng thành vượt bậc về giọng hát và tay phách. Nếu tiếp tục duy trì được điều này, trong phạm vi 2 năm nữa, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng về một ca nương Thục Trinh có sức hát vượt trội” nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan khẳng định. Hy vọng vào tương lai như vậy, và cũng hy vọng thực tế “không đùa với khách thơ”

Chông chênh nhịp phách, câu ca

Khép lại Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội, Thục Trinh ra về, gương mặt không giấu được vẻ mệt mỏi. Ba ngày diễn ra liên hoan, việc phải dồn sức trình diễn nhiều tiết mục cùng với việc phải di chuyển liên tục từ xã Liên Hà (Đông Anh) về Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã khiến cô gái nhỏ 7 tuổi với vóc dáng mảnh mai cảm thấy mệt nhoài.

Và em đã… khóc! Hình ảnh hai hàng nước mắt lăn dài trên gương mặt hao gầy của cô bé khiến những ai có mặt tại sân Thái Học sau Lễ tổng kết và trao giải liên hoan (diễn ra chiều 13/11) không khỏi chạnh lòng. Kết thúc liên hoan, Thục Trinh cũng như những đào nương nhí khác trở về với trường học, bài vở. Để tham dự liên hoan ca trù, cô bé cũng đã phải chấp nhận nghỉ hai buổi học chính khóa.

“Trước thềm Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội 2016 khoảng một tháng, vợ chồng tôi mới cho Thục Trinh đến nhà đào nương Phạm Thị Mận 3 buổi tối/tuần để học bài bản các tiết mục dự thi. Sau liên hoan, lịch học này sẽ rất khó có thể duy trì đều đặn vì việc học chính khóa đã chiếm phần lớn quỹ thời gian của cháu. Thục Trinh sẽ tiếp tục học ca trù ở nhà với bà nội theo lối truyền khẩu. Ngoài ra, Thục Trinh sẽ tham dự các buổi sinh hoạt, hoạt động của Câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê” anh Nguyễn Tuấn Tâm, bố của ca nương nhí Thục Trinh cho biết.

Bước qua những trở ngại, khó khăn về thời gian, kinh phí, các đào nương, kép đàn đến với liên hoan bằng sự say mê nhịp phách, câu ca, tiếng đàn… “Chúng tôi cảm thấy rất xúc động vì điều đó. Vì nhiều lý do khách quan, Ban tổ chức chỉ hỗ trợ các câu lạc bộ tham gia liên hoan một khoản tiền nhỏ cho việc di chuyển” ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết.

Thục Trinh cũng như nhiều đào nương khác xúng xính trên sân khấu trong những bộ áo dài, chiếc vòng tay đẹp đẽ do gia đình hoặc bản thân… tự sắm. “Đó có thể coi như một sự đầu tư cho nghệ thuật chăng! Chúng tôi đã trót yêu ca trù thì luôn muốn được thỏa đam mê biểu diễn. Sau những bươn bả ngược xuôi của cuộc sống, nhịp phách, tiếng đàn giúp tôi tìm lại sự tĩnh tại, cân bằng. Thế nên, đầu tư váy áo, nhạc cụ cũng là vì muốn giữ cho mình một thứ “của để dành”, một ca nương đến từ Câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn (Phú Xuyên) chia sẻ.

Ban tổ chức đặt ra kỳ vọng, liên hoan là dịp để phát hiện và bồi dưỡng các tài năng trẻ, thúc đẩy việc truyền dạy, thực hành ca trù ở cơ sở; từ đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của ca trù, đưa loại hình nghệ thuật này ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, nguy cơ mai một.

Giáo sư - tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh (Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam), nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam) đều vui mừng nói về sự trở lại của ca trù trong đời sống đương đại, đặc biệt là trong giới trẻ. Chỉ tính riêng trong kỳ liên hoan dành cho các câu lạc bộ ca trù trên địa bàn Thủ đô này, có 35 đào nương, kép đàn (trong độ tuổi từ 6-30 tuổi) đăng ký tham dự.

Nhưng thực tế là, những kỳ liên hoan diễn ra giống như các hoạt động bề nổi. Sau những ngày rộn rã hát ca, các vấn đề đặt ra từ liên hoan “đâu lại vào đó” hoặc tiến triển với tốc độ rất chậm.

Ông Trương Minh Tiến cũng thẳng thắn thừa nhận: “Chúng ta đã đặt ra vấn đề cần phải có chế độ chính sách cụ thể với các nghệ nhân - “những báu vật nhân văn sống” trong việc truyền dạy ca trù cho thế hệ trẻ từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến nay, điều đó vẫn chưa thành hiện thực. Việc bảo tồn ca trù không thể tiếp tục chỉ nói suông mãi về tấm lòng nghệ nhân”.

Thực tế cho thấy, số câu lạc bộ ca trù tại Hà Nội đã tăng từ 9 lên 14 câu lạc bộ trong thời gian từ năm 2009-2016. Tuy nhiên, lịch sinh hoạt của các câu lạc bộ lại khá nhỏ giọt, mỗi năm đôi ba lần (thường là vào những dịp giỗ tổ nghề hay hội làng…). Đơn cử như Câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê có lịch sinh hoạt định kỳ theo quý (vào ngày thứ Bảy cuối cùng trong quý) tại Nhà thờ Ca công Lỗ Khê.

“Với nghệ thuật, nếu không được rèn luyện thường xuyên thì sẽ rất khó để đạt được sự tiến bộ. Để ca trù “sống” dậy mạnh mẽ và phát triển bền vững thì cần có sự đầu tư cho việc đào tạo, thực hành ở các cơ sở, câu lạc bộ, có lịch diễn định kỳ ở những địa điểm cố định” Giáo sư - tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh nhấn mạnh./.