Ca phẫu thuật hi hữu cho người phụ nữ không có âm đạo

(PLVN) - Nữ bệnh nhân trong ca phẫu thuật hi hữu này là một người phụ nữ gốc Hà Nội.
Hình chỉ có tính minh họa. (Internet)

Theo lời kể, bà sinh ra trong một gia đình gốc ở phố cổ Hà Nội. Thời con gái, bà đẹp nổi tiếng, làm siêu lòng không biết bao nhiêu chàng trai.

Ở tuổi 16, bà là hoa khôi trường cấp 3 Hà Nội nhưng tuyệt nhiên không thấy kinh nguyệt như bạn bè cùng trang lứa. Gia đình đưa bà đi khám ở bệnh viện sản, bác sĩ chỉ thông báo bà sẽ không có kinh nguyệt, khó có con song không hề giải thích kỹ cho gia đình về căn bệnh dị tật không âm đạo.

Năm 22 tuổi, bà lập gia đình. Hai người rất yêu thương nhau, nhưng mỗi khi gần gũi chồng, bà đều thấy rất sợ và ám ảnh vì đau đớn.

Mãi không thể có con vợ chồng bà đã nuôi một bé gái. Tuy nhiên, do áp lực từ phía gia đình chồng nên bà phải ly hôn.

Sau đó, bà chuyển vào TP. HCM sinh sống. Tuy nhiên, vẫn không thôi ám ảnh về những bí ẩn của cơ thể.

Mới đây, tình cờ đọc được thông tin, bà đã ra Hà Nội, đến Bệnh viện E để thăm khám,

Trực tiếp khám cho bà, ThS.BS Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E cho biết, bà mắc hội chứng bất sản ống Muller, hay còn gọi là hội chứng Mayer - Rokitansky - Kuster - Hauser, là dị tật không có âm đạo bẩm sinh.

Hình ảnh siêu âm và chụp MRI cho thấy, âm đạo bệnh nhân chỉ là dải xơ dài khoảng 1,5cm. Ngoài ra bệnh nhân không có tử cung dù giới tính nữ. Các chỉ số hormone, nội tiết bị thiếu hụt do thiểu sản buồng trứng.

Bệnh nhân được chỉ định tạo hình âm đạo bằng niêm mạc môi bé. Phương pháp này đạt cùng lúc nhiều mục đích, vừa tạo hình âm đạo vừa làm đẹp tầng sinh môn cho người bệnh.

Thực hiện ca mổ cho bà gồm 3 ekip:

Ekip đầu tiên lấy niêm mạc từ môi bé của bộ phận sinh dục ngoài và tạo hình trên một khuôn nong bằng silicone;

Ekip thứ hai tạo khoang âm đạo nằm giữa trực tràng và bàng quang; Ekip thứ ba nội soi ổ bụng, kiểm soát vùng tiểu khung trực tràng, bàng quang.

Ekip thứ 3 nhận nhiệm vụ đưa khuôn nong vào khoang âm đạo.

Theo BS Minh, khó nhất là khâu bóc tách khoang âm đạo, tránh làm rách trực tràng, bàng quang, tránh làm tổn thương mạch máu. Ngoài ra, mảnh ghép niêm mạc môi bé phải cố định tạo hình tốt để đảm bảo sống ở môi trường mới.

Ca mổ hoàn tất sau hơn 1 giờ, bệnh nhân sau phẫu thuật hồi phục tốt, hiện đang nằm theo dõi tại Bệnh viện E. Sau can thiệp, bệnh nhân cần tiếp tục thực hiện nong giãn tại nhà trong 4-6 tháng để tránh dính.

Các bác sỹ cho biết, dị tật không âm đạo chiếm tỉ lệ 1/4.000 – 1/10.000 bé gái sinh ra. Khi mắc hội chứng này, trẻ nữ dù có buồng trứng nhưng âm đạo, tử cung không phát triển.

Để có đời sống tình dục bình thường, những trường hợp mắc hội chứng dị tật không âm đạo đều phải phẫu thuật. Dấu hiệu để phát hiện sớm bất thường là đến tuổi dậy nhưng không có kinh nguyệt, không thể quan hệ vợ chồng…

Đọc thêm