Ca sĩ Khánh Ly: Hạnh phúc nhất khi được về quê cha, đất mẹ

(PLO) - Vượt qua những cách trở địa lý, tuổi tác và sức khỏe, nữ danh ca  Khánh Ly trở về Việt Nam chuyên chở cả trời kỷ niệm và cảm xúc dạt dào. Dành cho Pháp Luật Việt Nam một cuộc trò chuyện, nữ ca sỹ đã cúi xuống thật gần với những sẻ chia đầy xúc động. 

Ca sĩ Khánh Ly: Hạnh phúc nhất khi được về quê cha, đất mẹ
- Xin chào danh ca Khánh Ly. Được biết bà có tên thật là Lệ Mai, đó là một cái tên rất đẹp. Vậy sao bà lại chọn nghệ danh là Khánh Ly?
Trước hết, xin cảm ơn Báo Pháp Luật Việt Nam đã dành cho Khánh Ly cơ hội được chia sẻ với khán giả. Nhưng, xin đừng gọi tôi là danh ca, tôi tự thấy mình tầm thường lắm, đơn giản như khoai sọ, canh cua, rau rút thôi mà. Gọi là danh ca  xa vời quá! Và tôi không có xứng đâu. Hãy cho tôi được thật đơn giản là Khánh Ly thôi!
Đúng là tên thật của tôi là Lệ Mai, tên đẹp nhưng buồn quá! Tuổi thơ tôi vốn không êm đềm, nếu không muốn nói là dữ dội. Không có những kỷ niệm ngọt ngào về tuổi thơ mà thú vui duy nhất tuổi thơ của tôi là đọc sách, trong đó có văn học Trung Quốc và rất thích hai nhân vật Khánh Kỵ và Yêu Ly trong cuốn “Đông Chu Liệt Quốc”. Đây là hai người lính tầm thường thôi, không phải vương hầu, khanh tướng gì nhưng họ có lòng trung và chết vì chủ nhân của họ, họ tôn trọng  tiết tháo và sự chung thủy vì một người.
Rồi tôi mê hát, ham hát mà gia đình không ủng hộ, thậm chí còn cấm đoán vì bị coi như loại "xướng ca vô loài" nên tôi đâu dám lấy tên thật của mình để đi hát. Tôi phải lấy cho mình một nghệ danh và tôi chọn từ hai tên Khánh Kỵ và Yêu Ly ghép cho mình là Khánh Ly.
- Với bà, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có vị trí như thế nào hay nói cách khác, bà có  được những ảnh hưởng gì từ nhạc sỹ họ Trịnh?

Cha mẹ là người sinh ra tôi, cho tôi hình hài này, nhưng người cho tôi cuộc sống lại là Trịnh Công Sơn. Với tôi, Trịnh Công Sơn là người anh, người cha, người thầy và người bạn lớn. Tôi mang ơn Trịnh Công Sơn suốt đời. Tôi nợ ông cả đời này vì ông đã làm cho tôi nhiều hơn những điều cha mẹ làm cho tôi. Khi ông ra đi, rồi chồng tôi cũng ra đi, những ngày còn lại tôi dành cho những người yêu thương tôi, ai còn muốn nghe tôi hát, tôi sẽ mang tiếng hát này đến với họ. 

Hơn hết, tôi xin được làm điều tôi muốn là đi tìm những điều mà tôi đã mất ở những nơi khốn cùng. Những trẻ tàn tật, mồ côi, người bất hạnh… sẽ mang lại niềm vui để sống cho tôi. Đó cũng là ước nguyện của chính ông Trịnh Công Sơn, của chồng tôi, muốn tôi đến gần với những cuộc đời bé nhỏ khác để tìm hạnh phúc cho chính mình. 

 
- Sống ở nước ngoài nhiều năm, bà đón Tết cổ truyền như thế nào?

Ở bên này, cộng đồng người Việt đón tết cổ truyền có đủ dưa hành, bánh mứt, mai đào. Ở các nhà thờ hoặc các ngôi chùa nơi người Việt sinh sống, những ngày tết luôn tấp nập người đi cầu, đi lễ. Trong khu vườn nhà tôi có trồng cả hoa đào, và mỗi dịp Xuân về hoa khoe sắc thắm. Điều đó cho thấy dù ở đâu thì tôi vẫn mang trong mình dòng máu Việt, tinh thần Việt và văn hóa Việt.                                               

- Bà đã quen với sự chia xa vĩnh viễn người chồng của mình chưa? Những ngày cận tết này, bà cảm thấy thế nào?

Điều đó thật là khó khăn, dù tôi luôn ý thức rằng: Lẽ tự nhiên và ai cũng phải trải qua trong cuộc đời. Nhưng cứ mỗi buổi chiều, vào khoảng giờ ấy, tôi lại chờ chồng, chờ sự trở về của anh mỗi ngày. Tôi không cảm thấy anh như niềm vui khi tết đến hay xuân về như mọi người thường nói. Với tôi, anh là cặp mắt, là trái tim, đôi chân, đôi tay tôi. Còn anh, có khi tôi đi xa, anh cứ đứng vẫy mãi tôi lên máy bay, cho đến khi tôi khuất bóng. Khi tôi trở về, mặt anh rạng rỡ như đứa trẻ chờ người thân đi chợ mua quà cho mình (giọng bà chùng xuống ). 

Nỗi buồn đó, nếu không đo bằng năm tháng, có lẽ sẽ dài hơn cả đời người. Từng giây phút, từng tháng ngày, tôi không còn cảm thấy có gì khác lạ trong khoảng thời gian người ta gọi là tết vì mấy chục năm qua, chồng tôi là mùa xuân của tôi. 

- Thói quen nào bà thường làm trong những ngày Tết? Khi chồng  bà còn sống?
Tôi hay khó chịu vì bị chồng cằn nhằn bởi mắc tội hay tha lôi đủ thứ ở chợ về nhà để chuẩn bị tết. Mặc cho ông cằn nhằn, cuối cùng tôi cũng vẫn là người chiến thắng, còn ông ấy phải cùng tôi khuân hàng hóa về. 
Ngày đầu năm, tôi thường mở cửa, đội nón bước ra con đường quen thuộc trước nhà. Thường chồng tôi đi trước, tôi nối bước theo sau. Tôi chẳng hề biết hướng nào là Đông, Tây, Nam, Bắc. Chồng bảo đi đâu tôi đi đó. Mỗi đêm giao thừa, chúng tôi xuất hành hái lộc rồi tự mình xông nhà mình. Vợ chồng ôm nhau, cái ôm nhẹ nhàng mỗi năm một lần, ăn một miếng bánh, rồi ai về phòng nấy. Vậy mà, giờ có muốn nghe tiếng cằn nhằn ấy cũng không được nữa rồi! 
- Vậy, tết này bà dự định sẽ làm gì?
Từ lâu rồi, với tôi, chỉ có 5 phút trước giờ giao thừa là đón tết, 5 phút sau giờ giao thừa là hết tết. Vài phút phù du ngắn ngủi báo hiệu đời người đã mất chứ không thêm được một tuổi. Còn vạn vật trôi dạt, nắng mưa, sông núi, ngày đêm... thì vẫn cứ thế mà thôi!
Tôi sẽ cúi xuống thấp hơn, thấp hơn nữa, tôi muốn tìm trên con đường này mơ ước của 60 năm trước. Cúi xuống đi, cúi xuống thấp hơn nữa cho không ai nhìn thấy, một nỗi tiếc thương rồi sẽ lắng xuống lặng lẽ.
- Một lời chúc xuân đặc biệt nhất của bà dành cho bạn đọc Pháp Luật Việt Nam? Và nếu quà tặng có thể là một bài hát thì bà sẽ chọn ca khúc gì để gửi tặng độc giả?
Khánh Ly xin gửi lời chúc xuân thật bình an, ấm áp tới mọi người. Mong sao Pháp Luật Việt Nam luôn là người bạn đồng hành đáng tin cậy, là nơi để tất cả mọi người gửi gắm niềm tin để họ an lòng được sống, được cống hiến cho gia đình, cho người thân, cho quê hương.
 Khánh Ly nghĩ rằng, khi xuân về thì có nhiều điều mới sẽ đến với tất cả chúng ta. Nhưng, dù có thế nào thì Khánh Ly cũng mong muốn chúng ta hãy đến với nhau bằng một tấm lòng chân thành nhất. Cho dù có “Để gió cuốn đi” thì chúng ta cũng đừng ngại ngần. Và ca khúc này có lẽ là món quà giản dị nhưng ý nghĩa nhất mà Khánh Ly muốn gửi tới độc giả của Pháp Luật Việt Nam. Xin các bạn cũng hãy nhận từ Khánh Ly một tấm lòng nhé! Cảm ơn các bạn rất nhiều!.